Phần thưởng dành tặng một người thầy

  • Cập nhật: Thứ tư, 19/11/2008 | 12:00:00 AM

YênBái - YBĐT - Cô giáo Nguyễn Thị Thúy Hoàn - Tổ trưởng Tổ chuyên môn Lý - Hóa - Sinh, Trường THPT Chuyên Nguyễn Tất Thành là một nhà giáo mẫu mực, tâm huyết, tận tụy, hết lòng vì học sinh thân yêu. Cô cũng đã có nhiều cải tiến, sáng kiến trong công tác giảng dạy cũng như đóng góp tích cực trong việc bồi dưỡng đội ngũ học sinh giỏi, giáo viên giỏi cho nhà trường và ngành giáo dục đào tạo Yên Bái.

Tôi tìm đến nhà cô giáo Hoàn vào một sáng thứ Bảy. Đó là một căn nhà nhỏ, giản dị nằm trên đường Lê Văn Tám, thành phố Yên Bái. Trong không gian chớm đông, tôi nghe cô tâm sự biết bao điều về cuộc đời và công việc của mình...

Sinh ra trong một gia đình công nhân viên chức nghèo ở xã Nga Quán (Trấn Yên) nhưng tất cả anh chị em cô đều được bố mẹ nuôi dưỡng, giáo dục và học hành chu đáo. Có lẽ, môi trường ấy và những người thầy mà cô luôn biết ơn, kính trọng đã nhen nhóm ước mơ trở thành cô giáo trong cô. Năm 1972, cô thi vào Trường Đại học Sư phạm I Hà Nội. Không đỗ, cô ở nhà một năm vừa ôn tập vừa đi tiếp phẩm và làm quản lý cho lớp kế toán trưởng của hợp tác xã nông nghiệp. Mọi cố gắng được đền đáp, cô đã trúng tuyển vào Trường Đại học Sư phạm I Hà Nội, Khoa Sinh - Kỹ thuật.

Ngay sau khi tốt nghiệp đại học, cô Hoàn được phân công dạy ở Trường cấp III Bảo Yên, Hoàng Liên Sơn. Học sinh chủ yếu là người dân tộc thiểu số, ngôn ngữ bất đồng tạo rào cản lớn trong giảng dạy cũng như tiếp xúc hằng ngày. Không chỉ thế, gia đình đều nghèo khó nên học sinh thường xuyên bỏ học, cô phải lội suối vượt đèo xuống tận thôn bản, đến từng nhà để động viên, khuyến khích các em đến lớp. Bù lại sự vất vả đó là tình cảm yêu mến và kính trọng mà các em dành cho cô… và ghi dấu thật nhiều kỷ niệm khó quên. Sau ba năm, cô được phân công về Trường 10+3, nay là Trường Cao đẳng Sư phạm Yên Bái.

Tại đây, cô đem hết lòng nhiệt huyết của tuổi trẻ dành cho sự nghiệp trồng người. Không ngừng nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, cô Hoàn tiếp tục theo học lớp cao học. Mãi đến năm 1985, cô mới lập gia đình và người bạn đời của cô cũng là một nhà giáo. Họ đã cùng nhau gánh vác, chia sẻ mọi khó khăn, buồn vui trong công việc cũng như yêu thương, chăm sóc hai bé gái sinh đôi của mình. Song, số phận đã không mỉm cười, chồng cô bị tai nạn rủi ro và qua đời lúc hai con gái mới vừa tròn ba tuổi. Khó khăn lại càng thêm khó khăn, mọi công việc chỉ còn một mình cô lo toan, gánh vác mà có những lúc tưởng như không thể vượt qua nổi... Nhưng hai cô con gái chăm ngoan, học giỏi đã tiếp thêm cho người mẹ ấy ý chí, nghị lực và cũng xoa dịu nỗi đau, nguôi ngoai dần nỗi mất mát với dòng thời gian trôi chảy.

Đến năm 1995, cô giáo Hoàn được chuyển về Trường THPT Chuyên Nguyễn Tất Thành. Cũng từ đó đến nay, từ ngôi trường này, đã có bao lớp học sinh trưởng thành nhờ sự dìu dắt, chỉ bảo tận tình của cô. Phần thưởng, niềm hạnh phúc lớn nhất đối với cô không phải là những danh hiệu thi đua, những tấm bằng khen mà chính là sự trưởng thành, tình cảm yêu mến và quý trọng của học sinh dành cho mình. “Mỗi nghề, mỗi công việc đều có những niềm vui, nỗi buồn khác nhau” - cô tâm sự. Trong suốt hơn ba mươi năm công tác, cô giáo Hoàn tích lũy được nhiều kinh nghiệm.

 Từ năm 1998 đến nay, cô đã có nhiều sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, những chuyên đề, đề tài nghiên cứu nhằm đổi mới phương pháp, nâng cao chất lượng giảng dạy trên lớp cũng như hướng dẫn ôn thi tốt nghiệp, ôn thi đại học và bồi dưỡng, luyện thi học sinh giỏi các cấp. Cô cũng đóng góp tích cực vào việc đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ giáo viên giỏi cho trường và cho ngành. Để có ngày hôm nay, cô đã phải trải qua biết bao gian khổ và dù ở cương vị nào, dù ở ngôi trường nào nhưng cô vẫn luôn hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao. Tự hào về điều ấy, cô xúc động: “Hiện nay, gia đình cũng đã bớt đi phần nào những khó khăn. Hai con gái của tôi đang là sinh viên Trường Đại học Sư phạm I Hà Nội và Trường Đại học Sư phạm II Xuân Hòa.

Có thể nói, đó chính là niềm vui, hạnh phúc và niềm an ủi, động viên lớn nhất của cuộc đời tôi”. Trong công việc ở trường, cô Hoàn không những là giáo viên có năng lực và chuyên môn vững mà còn rất tích cực tham gia các hoạt động khác. Hiện nay, cô là Phó ban Vì sự tiến bộ phụ nữ của nhà trường. Với những đóng góp ấy, cô đã vinh dự được nhận nhiều giấy khen, bằng khen của Sở Giáo dục và Đào tạo, của UBND tỉnh Yên Bái, của Bộ Giáo dục và Đào tạo...

Và một niềm vinh dự lớn lao đã đến, sắp tới, cô sẽ là một trong năm thầy cô giáo ở Yên Bái được trao tặng danh hiệu cao quý: Nhà giáo ưu tú.

Trần Minh

Các tin khác
Vợ chồng anh Hờ A Hừ đang tẽ ngô để 
làm thức ăn cho lợn.

YBĐT - Bà con người Mông xã Chế Cu Nha (huyện Mù Cang Chải - Yên Bái), ai cũng khâm phục cách làm giàu của gia đình anh Hờ A Hừ ở bản Háng Tầu Dê. Hồi nhỏ, cũng như bao đứa trẻ khác trong bản, A Hừ khao khát được đến trường học chữ nhưng vì gia đình nghèo quá nên không thể thực hiện ước mơ của mình.

YBĐT - Nói đến chị Lê Thị Ngọ ở thôn 5, thị trấn Cổ Phúc (Trấn Yên) thì ai cũng biết, bởi chị không chỉ là một hội viên điển hình trong phong trào phụ nữ làm kinh tế giỏi mà còn là một ủy viên Ban chấp hành Hội Phụ nữ tiêu biểu của thị trấn luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ ở địa phương.

Chị Hiên đang hướng dẫn ng­ười dân chăm sóc cây sơn tra mới trồng.

YBĐT - Không biết từ khi nào mà người Mông của huyện Trạm Tấu đã gọi chị Nguyễn Phương Hiên – cán bộ vườn ươm thuộc Ban quản lý rừng phòng hộ huyện Trạm Tấu với cái tên đầy thân thương như vậy. Chỉ biết rằng mỗi khi xuống các bản làng, chị Hiên lại được người dân trong bản đón chào bằng những tình cảm thiết tha chân thành nhất.

Ông Thắm chăm sóc quế mới trồng bổ sung trên diện tích đã khai thác. (Ảnh: Phong Sơn)

YBĐT - Chủ tịch Hội Nông dân xã An Thịnh (Văn Yên - Yên Bái) - Đỗ Mạnh Hùng giới thiệu đầy thuyết phục về hội viên Nguyễn Ngọc Thắm ở chi hội Làng Chẹo.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục