Triệu phú người Dao giàu lòng nhân ái

  • Cập nhật: Thứ ba, 9/12/2008 | 12:00:00 AM

YBĐT - Chuyện ở thôn nhỏ có một triệu phú đã là lạ, nhưng lại là một triệu phú người Dao giàu lòng nhân ái thì quả thực là hiếm. Anh là Đặng Văn Nam ở thôn Ngòi Kè, xã Bảo Ái (Yên Bình - Yên Bái). Với mô hình kinh tế trang trại tổng hợp nông - lâm nghiệp và dịch vụ, mỗi năm gia đình anh có tổng thu nhập từ 80 đến 100 triệu đồng/năm sau khi trừ chi phí.

Thăm  trang trại của gia đình anh, có lẽ ai cũng bị cuốn hút  vào những rừng quế, keo, nương chè xanh nõn, rồi lợn, gà, cá và những đàn trâu béo tốt. Ngồi trong ngôi nhà gỗ khang trang với đầy đủ tiện nghi như: xe máy, tủ lạnh, ti vi, máy xay xát... ẩn mình dưới những tán quế bao quanh nhà, anh xúc động tâm sự: “Trước nhà mình cũng khó khăn như các hộ khác thôi. Nhưng rồi đời sống gia đình cũng dần khá lên từ cách nghĩ, cách làm. Cái quan trọng là mình phải nắm vững khoa học kỹ thuật để áp dụng đưa các giống cây trồng, vật nuôi cho năng suất, chất lượng cao vào thâm canh tăng vụ, tăng năng suất”.

 Ngay từ khi huyện xã vận động nhân dân đưa giống lúa mới vào thâm canh tăng năng suất, anh đã nhanh chóng chuyển 4 sào ruộng của gia đình từ giống địa phương năng suất thấp sang cấy giống mới cho năng suất chất lượng cao, bình quân đạt 180 đến 200 kg/sào/vụ. Vậy là chuyện thiếu đói không lo, làm giàu mới khó...! Cách đây hơn chục năm, đọc báo thấy người Dao Văn Yên giàu lên từ quế, người Văn Chấn khá lên từ chè, anh vận động vợ con trồng 2 ha quế và 2 ha chè. Chè cho thu hái gia đình anh có thêm thu nhập trang trải cuộc sống. Còn cây quế có thời rớt giá, nhiều nhà bán đổ bán tháo, còn riêng anh không bán vì tin vào giá trị của nó. Giờ thì đồi quế của gia đình cây đã to cỡ cái phích, nếu bán sẽ được nguồn thu không nhỏ.

Với 16 ha đất rừng, trước đây một số ít anh đã trồng bồ đề, phần còn lại anh trồng bằng keo lai, bạch đàn mô; ao cá rộng 1000 m2 mỗi năm cho thu hoạch từ 500 đến 600 kg cá thịt bán ra thị trường. Sẵn có diện tích đất rừng rộng, anh tận dụng diện tích chăn thả gia súc khi keo, bạch đàn đã lớn, nhờ đó gia đình có thêm một khoản thu lớn từ đàn trâu, bò 22 con. Hệ thống chuồng trại chăn nuôi gà, lợn được anh xây dựng qui củ, khoa học hợp vệ sinh. Các công trình như: nhà tắm, nhà vệ sinh, giếng nước và hầm biogas được xây dựng hợp lý, tận dụng được chất thải phục vụ đun nấu trong gia đình và vệ sinh chăn nuôi. Mỗi năm xuất chuồng 200 con lợn thịt và 300 đến 500 con gà, quả là nguồn thu không nhỏ đến với những hộ thuần nông như gia đình anh.

Anh còn là tấm gương tuyên truyền cho gia đình và bà con trong thôn bản không mắc các tệ nạn xã hội, chấp hành tốt mọi chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước, nhất là nghị lực và quyết tâm vươn lên thoát nghèo làm giàu chính đáng. Nhờ có môi trường giáo dục tốt nên các con anh đều ngoan ngoãn, học hành tiến bộ. Giàu về vật chất nhưng không nghèo lòng nhân ái, gia đình anh luôn sẵn lòng giúp đỡ các hộ khó khăn trong thôn cả về vật chất lẫn tinh thần. Hàng năm, gia đình anh hỗ trợ từ 10 đến 12 triệu đồng và 600 kg gạo cho các hộ khó khăn. Anh còn nghĩ ra sáng kiến giúp hộ nghèo bằng cách cho mượn trâu cái để cày kéo và nuôi chia hoặc luân chuyển cho các hộ nghèo khác trong thôn cùng nuôi.

Mở dịch vụ buôn bán hàng tạp hoá, vật tư nông nghiệp, hàng năm, vào vụ sản xuất, gia đình anh còn tạo điều kiện cho các hộ khó khăn trong thôn ứng trước phân bón phục vụ thâm canh tăng năng suất lúa, chè trị giá trên 10 triệu đồng. Đồng thời cho các hộ gia đình khó khăn, thiếu đói trong thôn vay từ 3 đến 4 triệu đồng lúc khó khăn hoạn nạn. 5 năm liên tục trở lại đây, gia đình anh được bà con trong thôn bình bầu là gia đình văn hoá. Vinh dự hơn, anh còn là một trong 9 hộ gia đình tiêu biểu được huyên Yên Bình cử đi dự “Hội nghị biểu dương gia đình văn hoá xuất sắc tỉnh Yên Bái năm 2007”.

Tất cả những gì đẹp đẽ nhất trong con người Đặng Văn Nam, triệu phú người Dao này là  “nói đi đôi với làm”. Anh có một ý nghĩ tốt đẹp giàu tính nhân văn: “Những việc mình làm đều trên tinh thần tương thân, tương ái và trách nhiệm  của một công dân với cộng đồng”.

Mạnh Hưng

Các tin khác

YBĐT - Nói đến cô giáo Đinh Thị Mến - giáo viên Trường Tiểu học Kim Đồng (thành phố Yên Bái - Yên Bái), bà con hàng xóm, đồng nghiệp của cô đều kính phục vì cô là một cô giáo mẫu thực, giỏi việc nước, đảm việc nhà.

Từ thành quả lao động cần cù, sáng tạo, anh Tiến ở tổ 2, thị trấn Yên Bình đã xây nhà khang trang.

YBĐT - Từ bỏ cuộc sống nơi phố phường đô thị, anh Đặng Văn Tiến quyết tâm vào rừng làm giàu với bàn tay và khối óc của mình để rồi thành người nổi tiếng ở tổ 2, thị trấn Yên Bình (Yên Bái) với cách làm hay và sáng tạo.

Khai thác gỗ rừng trồng ở xã Yên Thành (huyện Yên Bình). (Ảnh: H.N)

YBĐT - Tháng 7 năm 1969, khi mà cuộc chiến tranh chống Mỹ cứu nước ở cả hai miền Nam, Bắc đang trong thời kỳ gay go, ác liệt thì anh Nguyễn Quang Giàu, dân tộc Tày xã Minh Xuân (Lục Yên) lên đường đi chiến đấu. Là chiến sỹ đặc công, anh đã cùng đồng đội tham gia nhiều trận chiến gian khổ, ác liệt. Có những trận, trước khi xuất quân, các anh được đơn vị làm lễ truy điệu sống vì tính chất ác liệt, nguy hiểm khó có hy vọng trở về.

YBĐT - Đi trên con đường lưng núi Hấu Tọ, thuộc thôn Mông Si, xã Bản Mù (huyện Trạm Tấu - Yên Bái), ai cũng dễ dàng trông thấy một ngôi nhà sàn đẹp mới dựng ngay bên cạnh đường. Nhà sàn đó là ngôi nhà thứ hai của ông Giàng A Giao - một người dân không biết chữ nhưng cần cù và ham học hỏi vươn lên làm giàu.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục