Người đam mê sáng tạo
- Cập nhật: Thứ ba, 13/1/2009 | 12:00:00 AM
YênBái - YBĐT - Hay tin thiếu tá Nguyễn Minh Tân vừa đạt giải nhì trong Hội thi sáng kiến, cải tiến kỹ thuật toàn quân, tôi vội tìm gặp anh, mong được tận mắt thấy thành quả của một người thầy, người lính đầy đam mê nhiệt huyết dưới mái trường quân đội.
Câu hỏi đầu tiên tôi dành cho thiếu tá Nguyễn Minh Tân: Điều gì khiến anh có được ý tưởng sáng kiến hay đó. Không chút giấu giếm, anh tâm sự: “Trong những năm qua, các đơn vị huấn luyện chiến thuật từ từng người, cấp tổ, đến cấp tiểu đoàn đều phải sử dụng các loại mõ quay bằng tay và sử dụng nhiều chiến sỹ làm quân xanh để quay mõ khi huấn luyện và luyện tập. Vì vậy sẽ ảnh hưởng đến quân số huấn luyện và luyện tập trong phân đội. Trong khi đó, mõ quay tay không phát ra ánh sáng khi tập ban đêm, làm hạn chế khả năng quan sát của bộ đội trong luyện tập và không sát tình huống trong chiến đấu, nhất là không đủ điều kiện an toàn để phục vụ diễn tập bắn đạn thật và huấn luyện các bài bắn ban đêm của bộ binh và hoả lực… Là giáo viên chiến thuật điều đó khiến tôi băn khoăn rất nhiều, cố gắng tìm tòi, nghiên cứu cải tiến công cụ huấn luyện”. Trước thực tế đó, ý tưởng cải tiến cụm mõ quay tay bằng cụm mõ quay điện phục vụ trong huấn luyện chiến thuật và diễn tập chiến thuật được nung nấu và hình thành.
Ý tưởng là như vậy, nhưng thực tế bắt tay vào làm cũng mất rất nhiều thời gian, công sức cũng như sự giúp đỡ của chỉ huy các cấp. Sau hơn hai tháng vừa nghiên cứu ứng dụng, hoàn thiện sáng kiến, vừa phải tham gia diễn tập cấp huyện, tỉnh, tập trung giảng dạy, chuẩn bị tốt nghiệp cho học viên cuối khoá nên việc biến ý tưởng thành hiện thực cũng gặp nhiều khó khăn. Anh từng trăn trở: "Mô hình hoàn thành rồi nhưng tôi suy nghĩ, khi ứng dụng phải đạt được yếu tố thuận tiện, gọn nhẹ, dễ tháo lắp, lại đạt hiệu quả cao nhất".
Trên cơ sở mô hình mõ quay tay, thiếu tá Tân đã sử dụng bình ắc qui 12- 24V làm nguồn điện cung cấp cho mô tơ điện, liên kết đấu dây với mõ quay, một đường dây theo trục thẳng đứng có lắp bóng đèn loại 6-12V tạo ánh sáng nhấp nháy làm tín hiệu như ánh lửa phát ra từ đầu nòng súng. Bộ phận mõ quay liên tục trong thời gian luyện tập, đảm bảo từ 120- 150 phút, đèn sáng phát ra lập loè giúp việc luyện tập ban đêm thuận lợi.
Quá trình vận dụng trong thực tế, giúp bộ đội có thể xác định chính xác vị trí để tiến công mục tiêu đạt hiệu quả cao trong luyện tập và sát tình huống chiến đấu. Đồng thời đủ điều kiện bảo đảm an toàn làm âm thanh tạo giả phục vụ diễn tập chiến thuật bắn đạn thật sát điều kiện chiến đấu và phục vụ huấn luyện các bài kỹ thuật bắn súng ban đêm cho cả bộ binh và hỏa lực. Sáng kiến này có thể áp dụng cho các loại hình huấn luyện cá nhân, cấp tổ, tiểu đội, đến trung đội, đại đội, tiểu đoàn bộ binh và dân quân tự vệ, cả trong chiến đấu tiến công và phòng ngự, đánh địch trong công sự và ngoài công sự, ụ súng lô cốt, vận dụng cả ban ngày và ban đêm trên tất cả các loại địa hình, thời tiết khác nhau. Trong phạm vi quan sát cách 2,5- 3km, vẫn có khả năng phát hiện và nhận biết; ở điều kiện ban đêm, thời tiết tốt có thể nhận biết được xa hơn.
Biết bao công sức cùng sự giúp đỡ của anh em đồng đội cho đến khi thu được kết quả, sáng kiến của anh đã đạt giải nhất cấp tỉnh, rồi đạt xuất sắc của Quân khu. Đặc biệt, trong Hội thi Mô hình học cụ, trang bị huấn luyện toàn quân lần thứ 3 (tháng 11-2008), sáng kiến của anh đã đạt giải nhì và được Bộ Tổng Tham mưu chứng nhận sản phẩm “Cụm mõ quay phục vụ huấn luyện chiến thuật và diễn tập chiến thuật” đạt tiêu chuẩn chất lượng và được ứng dụng trong toàn quân.
Để có được kết quả đó, trong suốt thời gian ở quân ngũ, làm giảng viên rồi Trưởng khoa Giáo viên của Trường Quân sự tỉnh, dù ở cương vị nào thiếu tá Tân cũng đều nỗ lực, tận tâm với công việc của một người thầy và đam mê với nghiệp nhà binh. Trong khi cơ sở vật chất phục vụ cho huấn luyện, đào tạo của nhà trường còn khó khăn, song bằng lòng nhiệt huyết của bản thân, cộng với sự giúp đỡ, ủng hộ của Đảng uỷ, Ban Giám hiệu nhà trường và các đồng nghiệp, thầy giáo Nguyễn Minh Tân đã vận dụng những kinh nghiệm thực tiễn của người đã từng làm công tác quản lý, huấn luyện ở đơn vị chủ lực và trong nhà trường để nghiên cứu, phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật phục vụ huấn luyện, giảng dạy. Thiếu tá Tân đã cùng các đồng chí trong khoa nghiên cứu, bổ sung một số chi tiết vào các loại vũ khí tự tạo như: bẫy đá, bẫy mìn bộ binh… phù hợp với đối tượng, cách đánh và trang bị của đối phương để đưa vào huấn luyện; trực tiếp khảo sát, tham khảo ý kiến của đồng nghiệp, xây dựng phương án chiến đấu gắn với địa hình cụ thể để cấu kết hoàn chỉnh một thao trường huấn luyện, đáp ứng yêu cầu kỹ chiến thuật trong huấn luyện của nhà trường.
Chia tay thiếu tá Nguyễn Minh Tân trong niềm phấn khởi, tự hào đầy chất lính, anh bật mí sẽ tiếp tục nghiên cứu sáng kiến cải tiến phóng nổ thường thành phóng nổ chùm phục vụ cho huấn luyện chiến thuật và diễn tập cấp huyện và tỉnh năm tới. Tin rằng, với tinh thần trách nhiệm của người thầy, cộng với niềm đam mê sáng tạo của người lính, dự định đó của anh sẽ lại thành công, tô thắm thêm thành tích cá nhân nhiều năm liền là chiến sỹ thi đua, tập thể đơn vị vững mạnh toàn diện.
Văn Trung
Các tin khác
YBĐT - Xuất ngũ năm 1984, ông Tống Xuân Kim trở về thôn Sơn Thượng xã Mai Sơn (huyện Lục Yên) làm ăn sinh sống và năm 1996 ông được bà con nhân dân trong thôn bầu làm trưởng thôn. Thôn Sơn Thượng của ông trước đây là thôn nghèo của xã Mai Sơn vì chủ yếu là dân tộc Tày, trình độ dân trí không đồng đều nên bà con không biết làm ăn phát triển kinh tế. Vì vậy, muốn vận động được bà con, ông xác định trước hết bản thân mình phải gương mẫu đi đầu trong các phong trào, nhất là phát triển kinh tế và xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư.
YBĐT - Bản Tà Chơ, xã Kim Nọi, huyện Mù Cang Chải (Yên Bái)hôm nay đã có nhiều đổi thay. Các tập quán, hủ tục lạc hậu dần được loại bỏ; người dân đã biết áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất; cái đói, cái nghèo đang từng năm khép lại. Người Mông Tà Chơ không du canh, du cư, phát rừng làm nương nữa mà đã biết trồng và tu bổ rừng…
YBĐT - Gây dựng thành công Công ty TNHH Chế biến gỗ rừng trồng Tuấn Hưng là tâm huyết một đời của thương binh Nguyễn Tiến Bộ sau bao năm vào sinh ra tử nơi chiến trường trận mạc trở về.
YBĐT - Nhắc tới chị Tráng Thị Nhà, người dân thôn Khuôn Bổ xã Hồng Ca (Trấn Yên - Yên Bái) không khỏi tự hào về người con ưu tú đi đầu trong các phong trào phát triển kinh tế - xã hội ở thôn. Sinh ra và lớn lên tại Khuôn Bổ là thôn của người Mông sinh sống, từ thuở nhỏ Tráng Thị Nhà đã sớm biết được cuộc sống lam lũ vất vả của đồng bào mình.