Ông trưởng thôn gương mẫu để dân làm theo
- Cập nhật: Thứ năm, 8/1/2009 | 12:00:00 AM
YênBái - YBĐT - Xuất ngũ năm 1984, ông Tống Xuân Kim trở về thôn Sơn Thượng xã Mai Sơn (huyện Lục Yên) làm ăn sinh sống và năm 1996 ông được bà con nhân dân trong thôn bầu làm trưởng thôn. Thôn Sơn Thượng của ông trước đây là thôn nghèo của xã Mai Sơn vì chủ yếu là dân tộc Tày, trình độ dân trí không đồng đều nên bà con không biết làm ăn phát triển kinh tế. Vì vậy, muốn vận động được bà con, ông xác định trước hết bản thân mình phải gương mẫu đi đầu trong các phong trào, nhất là phát triển kinh tế và xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư.
Trong phát triển kinh tế, ông tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất và vận động người thân trong gia đình làm theo.
Trên diện tích 6 sào lúa nước, ông đưa vào gieo cấy 2 vụ lúa, một vụ ngô. Tận dụng đất rừng khoán, ông trồng ngô mỗi năm cho thu hoạch 6-7 tấn ngô hạt. Bên cạnh đó, ông Kim còn trồng được 2 ha xoan đã 5 năm tuổi và gần 1 ha quế đang cho thu hoạch. Ông đầu tư xây dựng một chuồng lợn khá rộng, nuôi thường xuyên 20 con lợn thương phẩm mỗi lứa và mỗi năm gia đình ông xuất 4 tấn lợn hơi thu về hàng trăm triệu đồng. Tận dụng vườn rộng, ông nuôi thêm gà vịt, mỗi lần bán cũng thu được 5-10 triệu đồng. Với 3 sào ao, gia đình ông Kim vừa nuôi cá giống vừa nuôi cá thương phẩm thu được hàng chục triệu đồng mỗi lứa. Nhờ chăn nuôi lợn, gà, vịt và trồng cây lâm nghiệp mà gia đình ông nuôi các con ăn học và trưởng thành, làm được một ngôi nhà khang trang đầy đủ tiện nghi.
Là trưởng thôn, ông Kim luôn tích cực tuyên truyền vận động người dân phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, phát huy sức mạnh đoàn kết. Trong các phong trào của thôn, gia đình ông luôn đi đầu và ông đã vận động nhân dân trong thôn góp công, góp tiền xây được nhà văn hóa 3 gian khang trang, đẹp đẽ để phục vụ cho nhu cầu hội họp, sinh hoạt văn hóa của bà con trong thôn. Ông luôn sẵn sàng giúp đỡ bà con về cây, con giống, phổ biến kinh nghiệm để phát triển kinh tế. Đồng thời, ông đã vận động bà con trong thôn ủng hộ quỹ "Vì người nghèo" được gần một triệu đồng, huy động nhân dân trong thôn hỗ trợ công sức, nguyên vật liệu xóa nhà dột nát cho một gia đình trong thôn theo Chương trình 134. Bên cạnh đó, ông còn cùng cấp ủy, chính quyền xã đưa ra nhiều giải pháp nhằm làm trong sạch địa bàn, nhất là vận động nhân dân tham gia cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư" nhằm đẩy lùi các tệ nạn xã hội. Năm 2008, xã Mai Sơn đạt thu nhập bình quân đầu người 6,5 triệu đồng một năm, tỷ lệ hộ khá tăng, tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống 41%, có 75,6% số hộ đạt tiêu chuẩn gia đình văn hóa. Thôn Sơn Thượng được công nhận là thôn văn hóa và trong thành tích đó có sự đóng góp không nhỏ của ông trưởng thôn Tống Xuân Kim.
Khánh Chi
Các tin khác
YBĐT - Bản Tà Chơ, xã Kim Nọi, huyện Mù Cang Chải (Yên Bái)hôm nay đã có nhiều đổi thay. Các tập quán, hủ tục lạc hậu dần được loại bỏ; người dân đã biết áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất; cái đói, cái nghèo đang từng năm khép lại. Người Mông Tà Chơ không du canh, du cư, phát rừng làm nương nữa mà đã biết trồng và tu bổ rừng…
YBĐT - Gây dựng thành công Công ty TNHH Chế biến gỗ rừng trồng Tuấn Hưng là tâm huyết một đời của thương binh Nguyễn Tiến Bộ sau bao năm vào sinh ra tử nơi chiến trường trận mạc trở về.
YBĐT - Nhắc tới chị Tráng Thị Nhà, người dân thôn Khuôn Bổ xã Hồng Ca (Trấn Yên - Yên Bái) không khỏi tự hào về người con ưu tú đi đầu trong các phong trào phát triển kinh tế - xã hội ở thôn. Sinh ra và lớn lên tại Khuôn Bổ là thôn của người Mông sinh sống, từ thuở nhỏ Tráng Thị Nhà đã sớm biết được cuộc sống lam lũ vất vả của đồng bào mình.
YBĐT - Vào tuổi anh ở nông thôn vùng cao Văn Yên (Yên Bái) nhiều người đã lên chức ông bà, nhưng với tuổi trẻ xã Viễn Sơn, anh vẫn là thủ lĩnh - người ngày đêm trăn trở, lo lắng tìm ra những hướng đi mới cho công tác Đoàn và phong trào thanh thiếu nhi ở xã vùng cao khó khăn này. Anh là Bàn Phúc Hín – Bí thư Đoàn xã Viễn Sơn.