Xuân ước vọng
- Cập nhật: Thứ năm, 22/1/2009 | 12:00:00 AM
YênBái - YBĐT - "Thấm thoắt đã sang mùa xuân thứ năm kể từ khi vợ chồng bắt tay vào làm giàu. Tưởng làm giàu khó lắm nhưng ngẫm kỹ lại thì chỉ cần chăm lao động, ham học hỏi thôi chứ tiền vốn cũng cần thật đấy, song đó không phải là tất cả…".
Vợ chồng anh Triệu Nhất Thịnh trong trang trại cây ăn quả tại thôn Đồng Quẻ.
|
Trong ngôi nhà gỗ khang trang với đầy đủ tiện nghi sinh hoạt đắt tiền, anh nông dân người Dao có cái tên cha mẹ đặt cho nghe đã thật phú quý: Triệu Nhất Thịnh ở thôn Đồng Quẻ, xã Minh An (Văn Chấn) mở lời như vậy.
Cũng như bảy thôn, bản khác của Minh An, thôn Đồng Quẻ những năm sau đổi mới vẫn còn nghèo và xơ xác lắm. Nói là đổi mới, là học tập người Tày, người Kinh miền xuôi làm giàu nhưng cái giàu có phải tự nhiên đến gõ cửa hết cả mọi nhà đâu? Cả thôn mấy chục nóc nhà thì chỉ có một vài nhà người Kinh là có của ăn của để, còn lại hầu như đói tháng ba ngày tám, thậm chí có hộ đói đứt bữa. Hộ vợ chồng anh Triệu Nhất Thịnh cũng không nằm ngoài số đó. Ngày tết vào rừng, nếu may mắn cũng chỉ kiếm được một, hai con thú. Lúc đầu là thú to, sau rừng bị chặt phá thì đến thú nhỏ cũng không còn, thế rồi tết cũng như ngày thường. Vẫn phải lo làm ăn, lo vào rừng đốt nương tìm đất mới để trồng lúa, tra hạt. Đồi quế ông bà chia cho lúc ra ở riêng cũng theo mùa đói mà bị tư thương đến ép bán non. Biết không được giá nhưng vì thiếu đói nên đồi quế vẫn cứ bị tỉa thưa dần. Mải lo kiếm cái ăn, cái mặc, người ta dần xao nhãng luôn cả quy luật muôn đời của người Dao là nhà nhà lên rừng trồng quế mỗi khi ăn tết xong. Thế là chơi dài, là đói dài, đói mãi vẫn chẳng tìm đâu lối thoát. Chẳng ai muốn đợi tết, muốn đón xuân nữa vì tết gì mà chẳng có thịt treo trong nhà, chẳng còn nếp ngon gói bánh, chẳng thấy tiếng lợn kêu eng éc từ phía các nhà mổ đụng... Ngay cả trong suy nghĩ của nhiều hộ dân nghèo như vợ chồng anh Thịnh, những mùa xuân no ấm, dư giả có lẽ mãi vẫn chỉ là xuân ước vọng…
Thế rồi phong trào nông dân thi đua sản xuất giỏi như một luồng gió mới thổi vào Minh An. Tiềm năng, nội lực của hơn 800 hộ đồng bào, trong đó có trên 70% hộ đồng bào dân tộc Dao nơi đây đã được khơi dậy. Xã đã phát động mạnh phong trào thi đua giữa các thôn, giữa các gia đình để tạo sự cạnh tranh lành mạnh trong lao động sản xuất. Khẩu hiệu: "Thi đua là yêu nước, yêu nước thì phải thi đua" theo lời dạy của Bác Hồ đã trở thành hành động của cả trăm hộ người Dao Minh An nói chung và hơn ba chục hộ người Dao thôn vùng sâu Đồng Quẻ nói riêng. Từ trồng rừng, trồng cây ăn quả theo phong trào của xã kết hợp với chăn nuôi gia súc, gia cầm, cuộc sống của gia đình anh Thịnh dần đã có bát ăn bát để.
Với 400 gốc cam, quýt các loại, mỗi năm trung bình gia đình anh cũng thu được từ 5 - 6 tấn quả và năm 2008 này đạt trên 7 tấn - cao nhất từ trước đến nay. Chỉ tay về phía đồi quế rộng 4ha của gia đình, cây to nhất đã được 10 năm tuổi, nhỏ nhất cũng trồng được 5 năm, anh Thịnh cho biết thêm: "Cạnh đồi quế ấy là nương chè cũng được thu mỗi năm 1 tấn búp tươi và ruộng lúa nước 5 sào từ khi gieo cấy bằng giống mới cho năng suất rất cao. Chẳng riêng gì nhà tôi mà dân Đồng Quẻ đều thấy phấn khởi lắm! Giờ thì không chỉ riêng con người mà cả đàn gia súc, gia cầm cũng không còn bị đói nữa". Vừa nói anh Thịnh vừa cùng vợ nhanh tay chọn bẻ tặng khách những trái cam Đường canh chín vàng, mọng nước làm quà. Tôi trầm trồ: "Đúng là cây nhà lá vườn có khác, túi quả này mà về thành phố phải mua tới giá năm, bảy chục ngàn!". Nhìn vẻ mặt rạng rỡ của vợ chồng anh Thịnh, tôi thấy vui lây vì những mùa xuân ước vọng của họ đang dần trở thành hiện thực.
Cô bạn đi cùng tôi bỗng thì thầm vào tai chị vợ câu gì khiến chị cười, thẽ thọt: "Công ấy là của ông xã nhà tôi đấy!". Thì ra, đôi vợ chồng này vẫn để dành một bất ngờ nữa cho chúng tôi. Đó là khu chăn nuôi nhím giống của gia đình - nơi đang nuôi ước vọng trở thành một trong những hộ giàu trong thôn của anh Triệu Nhất Thịnh. Những chiếc chuồng cao ráo, sạch sẽ được đóng rất quy củ, khoa học, có cửa ra vào cho nhím bố mẹ và đàn nhím con ra ngoài ăn sắn, ăn ngô. Lũ nhím con dựng những chiếc lông dài, nhọn hoắt cứ lao phầm phầm khi gặp khách lạ; những con bố mẹ thì lặc lè tấm thân hàng yến thịt cảnh giác gặm nhấm món măng tươi xem ra rất khoái khẩu. Anh Thịnh kể rằng, lúc đầu chỉ định nuôi chơi một con nhím cái mà anh mua được với giá chưa đến 180 ngàn đồng. Năm 2002, sau một năm, thấy nhím tăng lên được 10kg, thế là anh tìm mua thêm một con đực nhím 7kg với giá một triệu đồng. Chưa đầy một năm mà giá nhím đã khác hẳn, anh Thịnh bắt đầu có ý tưởng nuôi nhím giống để bán.
Năm 2004, đôi nhím đẻ lứa đầu tiên được một con, rồi lứa thứ hai được hai con, cứ thế nhân lên, mỗi năm đôi nhím đẻ hai lứa, đàn nhím của anh đã tăng lên hơn một chục con. Với giá bán từ 12 - 13 triệu đồng/1 đôi nhím mới tách, tính đến nay gia đình anh đã bán được hai, ba chục đôi nhím. Riêng năm 2007 - 2008, anh bán được nhiều nhất (6 - 7 đôi) thu gần trăm triệu đồng. Trong xã Minh An cũng có hai hộ đến mua nhím giống của gia đình anh về nuôi, đến nay cũng đã cho thu nhập kinh tế cao. Nhiều người dân xã bạn lân cận và cả những người dân mãi ngoài thành phố nghe tiếng thơm cũng tìm đến tận nhà anh hỏi mua nhím giống. Giờ đã là ông chủ của mô hình chăn nuôi giỏi với mức thu nhập hàng trăm triệu đồng nhưng anh Thịnh vẫn rất cần cù, chịu khó học hỏi thêm kiến thức khoa học kỹ thuật để bán ra thị trường thật nhiều những con nhím giống khỏe mạnh. Anh nói: "Nuôi nhím rất dễ nhưng nuôi nhím giống lại rất khó. Việc phối giống cho nhím đòi hỏi người nuôi phải thực sự có tâm huyết và phải kỳ công, kiên nhẫn mới thành". Tính trung bình một con nhím to cũng phải nặng 17 - 18 kg, thịt nhím chỉ bán được 450.000 đồng/kg nhưng giá nhím giống lại rất đắt: nhím đực giống là 3 triệu đồng/con, còn nhím cái đắt gấp ba lần nhím đực. Vì thế, những hộ trong thôn có nhu cầu nuôi nhím tìm đến anh đều được chỉ bảo tận tình, cặn kẽ cách thức chăn nuôi và chăm sóc để đạt hiệu quả kinh tế cao.
Câu chuyện thoát nghèo và cái giá của những mùa xuân hiện thực mà vợ chồng anh Thịnh cũng như bà con người Dao ở Đồng Quẻ phải đánh đổi bằng biết bao mồ hôi, công sức và sự trăn trở, bứt phá qua bao mùa xuân ước vọng thật đáng nâng niu, trân trọng. Mùa xuân mới đang đến - xuân của con giáp chăm chỉ, cần cù nhất trong 12 con giáp như một lời nhắn nhủ, thúc giục và gửi gắm tới người Dao nơi đây một năm mới phồn thịnh và ấm no hơn nhiều, rất nhiều những mùa xuân mà bao đời ông bà, cha mẹ năm xưa hằng ước vọng.
T.H
Các tin khác
YBĐT - Là công nhân lái tầu, trong giai đoạn chuyển đổi từ cơ chế bao cấp sang cơ chế thị trường, lương thấp, đời sống người công nhân gặp nhiều khó khăn nên anh Nguyễn Huy Tân ở thôn 3 xã Văn Phú (thành phố Yên Bái) xin nghỉ, trở về quê với 6 tháng lương ít ỏi sau gần 20 năm công tác. Quê anh là một ngôi làng nhỏ nằm ven sông Hồng, đất đai rộng lớn lại được phù sa bồi đắp mầu mỡ, rau trồng xuống chẳng cần chăm sóc nhiều mà cũng xanh tốt mơn mởn. Sau nhiều đêm trăn trở anh vét hết tiền mua được 2 mẫu đất soi bãi bắt đầu con đường làm giầu bằng trồng rau và chăn nuôi nhỏ.
YBĐT - Ở Bản Pá Khết, phường Trung Tâm (thị xã Nghĩa Lộ - Yên Bái) ai cũng khen ngợi chị Lò Thị Tuyên là người phụ nữ trung hậu, đảm đang và làm kinh tế giỏi.
YBĐT - Hay tin thiếu tá Nguyễn Minh Tân vừa đạt giải nhì trong Hội thi sáng kiến, cải tiến kỹ thuật toàn quân, tôi vội tìm gặp anh, mong được tận mắt thấy thành quả của một người thầy, người lính đầy đam mê nhiệt huyết dưới mái trường quân đội.
YBĐT - Xuất ngũ năm 1984, ông Tống Xuân Kim trở về thôn Sơn Thượng xã Mai Sơn (huyện Lục Yên) làm ăn sinh sống và năm 1996 ông được bà con nhân dân trong thôn bầu làm trưởng thôn. Thôn Sơn Thượng của ông trước đây là thôn nghèo của xã Mai Sơn vì chủ yếu là dân tộc Tày, trình độ dân trí không đồng đều nên bà con không biết làm ăn phát triển kinh tế. Vì vậy, muốn vận động được bà con, ông xác định trước hết bản thân mình phải gương mẫu đi đầu trong các phong trào, nhất là phát triển kinh tế và xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư.