Anh Doan làm kinh tế giỏi
- Cập nhật: Thứ tư, 4/2/2009 | 12:00:00 AM
YênBái - YBĐT - Ấn tượng đầu tiên bước vào nhà anh Vi Văn Doan, dân tộc Thái - hội viên Hội Cựu chiến binh phường Trung Tâm, thị xã Nghĩa Lộ (Yên Bái) là một căn nhà sàn 4 gian bằng gỗ, rộng rãi và sạch sẽ trong một khuôn viên rộng trên 400m2.
Trước nhà là một vườn rau xanh mướt, ngay góc vườn là chuồng gà, chuồng lợn được quy hoạch gọn gàng sạch sẽ, dưới gầm sàn là 6 khung dệt và những cô gái Thái đang miệt mài đôi bàn tay khéo léo dệt vải làm cho khu nhà thêm rộn ràng. Anh Doan với dáng người chắc khỏe, vạm vỡ, đôi tay thoăn thoắt kiểm tra từng bó khăn và chuyển lên xe để cho vợ kịp giao hàng cho khách.
Khi anh nói chuyện mới biết trong những năm trước đây, cũng như biết bao gia đình khác trong bản Pá Khết này, gia đình anh cũng rất khó khăn, cái đói cái nghèo luôn đeo bám. Tuy nhiên, được sự quan tâm và tạo điều kiện của Hội Cựu chiến binh phường Trung Tâm và cho tham gia các lớp tập huấn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi cũng như cách làm ăn kinh tế nên kinh tế đã khá dần lên. Đặc biệt, năm 2002 gia đình anh được vay 10 triệu đồng để sản xuất chăn nuôi và phát triển nghề dệt truyền thống. Sau khi bàn bạc với vợ, anh đã quyết định mua thêm 1 khung dệt và đầu tư sửa chữa chuồng lợn để nuôi lợn nái. Với sức khỏe cộng với sự chăm chỉ và biết hoạch toán kinh tế, dần dần anh chị đã đầu tư mua thêm khung dệt, nuôi thêm lợn thịt và dần trả hết nợ. Gần đây, anh chị đã có một cơ ngơi khang trang, đầy đủ tiện nghi.
Sau khi giới thiệu qua về cách làm ăn, anh đưa tôi đi thăm cơ ngơi của mình. Khu chuồng lợn được anh quy hoạch biệt lập xa khu nhà ở và rất sạch sẽ gọn gàng. Số phân lợn thải ra đã được anh sử dụng tạo khí biôgas vừa giữ vệ sinh môi trường vừa có chất đốt để phục vụ sinh hoat... Nhìn bên chuồng lợn với 3 ngăn có tới 20 con lợn, con nào con ấy đều béo mập. Bên cạnh là khu lợn con cũng được chia ngăn riêng rẽ với khoảng trên 20 con nhỏ hơn đang đùa nghịch thật thích mắt. Anh Doan cho biết: mỗi năm anh nuôi 3 lứa lợn thịt, trung bình mỗi lứa xuất chuồng được trên 1 tấn lợn thịt, như vậy trong một năm anh xuất chuồng được trên 3 tấn lợn và trừ các khoản chi phí còn lãi khoảng trên 37 triệu đồng. Anh mới đầu tư xây thêm 2 chuồng lợn nữa và năm 2009 sẽ đầu tư và nuôi tăng gấp đôi so với năm 2008...
Bên cạnh chuồng lợn là một khu nuôi gà được quây cẩn thận với hàng trăm con gà đẻ và gà thịt. Anh cho biết: Nuôi gà chỉ để cải thiện thôi chứ không bán gì cả. Khu vườn xanh mơn mởn với nhiều loại rau khác nhau, mùa nào thức ấy rất đảm bảo an toàn thực phẩm. Dưới gầm sàn nhà, những chiếc khung dệt đang lạch cạch không nghỉ và anh đã tạo việc làm thường xuyên cho 6 lao động. Những người thợ dệt ở đây chủ yếu là bà con quanh bản. Hàng dệt chủ yếu là khăn len theo đơn đặt hàng của mấy nhà ngoài phố để chuyển chở lên các huyện vùng cao Trạm Tấu, Mù Cang Chải bán cho đồng bào Mông. Một chiếc máy dệt trung bình một ngày làm được gần 100 chiếc khăn. Như vậy, trong một năm trừ các ngày nghỉ, ngày lễ, gia đình anh cũng dệt được khoảng trên 70 nghìn cái, trừ tất cả các chi phí lãi được khoảng trên 30 triệu đồng. Ngoài nuôi lợn, dệt khăn, trên diện tích đất 1.800m2 ruộng lúa 2 vụ, anh đã trồng và gieo cấy giống lúa chất lượng cao, trừ các khoản chi phí anh chị lãi trên 2 triệu đồng... Thu nhập trung bình của gia đình anh đạt gần 80 triệu đồng/năm.
Từ một gia đình chỉ đủ ăn, sau khi được tập huấn chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, làm ăn kinh tế và tạo điều kiện vay vốn, đến nay gia đình anh Doan đã là một trong những nhà làm kinh tế giỏi nhất bản Pá Khết. Nhiều hộ gia đình trong bản và trong khu vực đã đến để học tập cách làm ăn kinh tế của gia đình anh.
Nguyễn Đức Phương
Các tin khác
YBĐT - Xuất ngũ trở về địa phương năm 1971, sau nhiều năm tích cực tham gia công tác ở xã, ông Lù Khua Sử ở bản Nả Háng B- xã Púng Luông (Mù Cang Chải) luôn giữ vững phẩm chất truyền thống “Bộ đội Cụ Hồ” và dù ở cương vị nào ông cũng đều hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.
YBĐT - "Thấm thoắt đã sang mùa xuân thứ năm kể từ khi vợ chồng bắt tay vào làm giàu. Tưởng làm giàu khó lắm nhưng ngẫm kỹ lại thì chỉ cần chăm lao động, ham học hỏi thôi chứ tiền vốn cũng cần thật đấy, song đó không phải là tất cả…".
YBĐT - Là công nhân lái tầu, trong giai đoạn chuyển đổi từ cơ chế bao cấp sang cơ chế thị trường, lương thấp, đời sống người công nhân gặp nhiều khó khăn nên anh Nguyễn Huy Tân ở thôn 3 xã Văn Phú (thành phố Yên Bái) xin nghỉ, trở về quê với 6 tháng lương ít ỏi sau gần 20 năm công tác. Quê anh là một ngôi làng nhỏ nằm ven sông Hồng, đất đai rộng lớn lại được phù sa bồi đắp mầu mỡ, rau trồng xuống chẳng cần chăm sóc nhiều mà cũng xanh tốt mơn mởn. Sau nhiều đêm trăn trở anh vét hết tiền mua được 2 mẫu đất soi bãi bắt đầu con đường làm giầu bằng trồng rau và chăn nuôi nhỏ.
YBĐT - Ở Bản Pá Khết, phường Trung Tâm (thị xã Nghĩa Lộ - Yên Bái) ai cũng khen ngợi chị Lò Thị Tuyên là người phụ nữ trung hậu, đảm đang và làm kinh tế giỏi.