Người làm giàu trên bản Lìm Mông
- Cập nhật: Thứ sáu, 6/2/2009 | 12:00:00 AM
YênBái - YBĐT - Anh Sùng A Chông, dân tộc Mông ở bản Lìm Mông, xã Cao Phạ (huyện Mù Cang Chải - Yên Bái) thực sự là tấm gương điển hình về quyết tâm đẩy lùi đói nghèo, vươn lên làm giầu, được nhiều người trong bản học tập làm theo.
Anh Sùng A Chông, xay xát gạo phục vụ bà con trong bản.
|
Trước kia muốn lên đến bản Lìm Mông, người ta phải đi bộ mất hơn một tiếng đồng hồ leo dốc đứng. Gia đình anh Chông có 7 người nhưng ba thế hệ cùng chung sống đầm ấm dưới một mái nhà. Trước kia do đông con lại không biết chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi nên gia đình anh được xếp vào danh sách hộ nghèo của bản. Cơm không đủ ăn phải lo từng bữa, có những đợt đói cả tháng phải ăn độn sắn với ngô. Quần áo rách rưới nên anh có lúc không dám xuống chợ Tú Lệ như mọi người trên bản. Việc học tập của mấy đứa con đầu cũng không được chu đáo. Nhiều lúc anh nghĩ, gia đình mình cũng trồng trọt, chăn nuôi mà sao không bằng người ta? Cái nghèo cứ đeo đẳng mãi không chịu buông tha.
Thế rồi chính sách khuyến nông, khuyến lâm của Nhà nước đã lên đến bản. Cán bộ huyện về dạy cho cách làm kinh tế, cộng với vốn ham học hỏi, ham tìm hiểu ở những người có kinh tế khá hơn, anh Chông quyết tâm phải làm thay đổi cuộc sống của chính gia đình mình. Chỉ sau một thời gian anh đã cố gắng trang bị được cho mình những kiến thức quý trong phát triển chăn nuôi, trồng trọt.
Với sự động viên của gia đình, ngoài việc tích cực khai hoang thêm ruộng bậc thang, đất trồng ngô, sắn, anh còn đào được một ao cá rộng hơn 1000m2, đồng thời kết hợp chăn nuôi thêm lợn và gia cầm các loại. Lên thăm anh vào dịp cuối năm, thấy ao cá rộng lớn và cá rất to, vườn rau bắp cải được anh chăm sóc nếu như không nhìn người chủ nhà thì mọi người dễ tưởng như đó là vườn rau của những người dưới xuôi chuyên trồng rau để bán chứ không phải ông chủ vườn là một người Mông và nhất là trồng rau bắp cải trên núi cao khí hậu khắc nghiệt.
Nhờ quyết tâm cộng với sự cần cù chịu khó của mình và gia đình, sau ba năm gia đình anh Chông đã có của ăn của để. Giờ đây hàng năm anh bán hơn 2 tạ cá, trong chuồng lúc nào cũng có hơn chục đầu lợn to, nhỏ. Đàn trâu từ chỗ chỉ có một con nay đã sinh sôi đến gần chục con to khỏe. Mỗi năm gia đình anh thu về hơn 70 triệu đồng từ trồng trọt, chăn nuôi và trở thành hộ khá giả của xã, là điển hình trong phong trào xóa đói giảm nghèo ở xã Cao Phạ.
Có tiền, anh không chỉ lo được cuộc sống cho gia đình mà còn mua được máy xay xát vừa phục vụ mình vừa để giúp bà con trong bản không phải mang thóc xuống tận bản người Thái như trước và đây cũng là mong ước của anh cách đây 4 năm về trước. Ngoài ra, anh còn mua được xe máy, ti vi và những vật dụng cần thiết và đắt tiền cho gia đình. Con cái của anh được đi học đều, không phải nghỉ học để giúp bố mẹ khi mùa màng đến như nhiều gia đình khác ở vùng đồng bào Mông. Trong tương lai, anh sẽ còn có thu nhập hàng năm cao hơn, khi hơn 100 cây ăn quả các loại đã đến kỳ sắp cho thu hoạch.
Nguyễn Xuân Tình
Các tin khác
YBĐT - Bác sỹ chuyên khoa I Phan Thanh Tôn hiện là Trưởng khoa Tai-mũi - họng, Bệnh viện Đa khoa khu vực Nghĩa Lộ (Yên Bái). Anh còn là Ủy viên Hội LHTN Việt Nam thị xã Nghĩa Lộ, hội viên Hội Thầy thuốc trẻ tỉnh Yên Bái.
YBĐT - Ấn tượng đầu tiên bước vào nhà anh Vi Văn Doan, dân tộc Thái - hội viên Hội Cựu chiến binh phường Trung Tâm, thị xã Nghĩa Lộ (Yên Bái) là một căn nhà sàn 4 gian bằng gỗ, rộng rãi và sạch sẽ trong một khuôn viên rộng trên 400m2.
YBĐT - Xuất ngũ trở về địa phương năm 1971, sau nhiều năm tích cực tham gia công tác ở xã, ông Lù Khua Sử ở bản Nả Háng B- xã Púng Luông (Mù Cang Chải) luôn giữ vững phẩm chất truyền thống “Bộ đội Cụ Hồ” và dù ở cương vị nào ông cũng đều hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.
YBĐT - "Thấm thoắt đã sang mùa xuân thứ năm kể từ khi vợ chồng bắt tay vào làm giàu. Tưởng làm giàu khó lắm nhưng ngẫm kỹ lại thì chỉ cần chăm lao động, ham học hỏi thôi chứ tiền vốn cũng cần thật đấy, song đó không phải là tất cả…".