Người chăn nuôi giỏi
- Cập nhật: Thứ hai, 9/2/2009 | 12:00:00 AM
YênBái - YBĐT - Khi hỏi thăm về chị Cao Thị Hoa ở thôn 2, xã Cường Thịnh (huyện Trấn Yên - Yên Bái) thì ai cũng biết bởi chị là người chăn nuôi lợn giỏi vào hạng nhất nhì ở xã này.
Từ trung tâm xã đi chừng hơn cây số, vượt con đường dốc đá là đến nhà chị. Trong ngôi nhà xây khang trang rộng rãi với nhiều tiện nghi sinh hoạt đắt tiền, đủ để nói lên kinh tế của gia đình. Năm 2006, chị cùng chồng là anh Phạm Minh Tiến đầu tư hơn trăm triệu đồng mua lại toàn bộ dinh cơ của người anh họ rồi đầu tư trồng 5 ha keo, 7 sào ruộng cấy và xây dựng chuồng trại chăn nuôi lợn, đắp đập chuyển hơn 3 sào ruộng kém hiệu quả sang đào ao nuôi cá. Mỗi năm, chị đầu tư 2 - 3 triệu đồng tiền cá giống nuôi đủ các loại như: trôi, trắm, chép, mè, vược rô, chim trắng và cuối năm cất bán 4 – 5 tạ cá cho số tiền trên dưới 15 triệu đồng.
Cũng thời điểm năm 2006, chị thấy chăn nuôi lợn đang rất thịnh, nhiều gia đình khá giàu lên từ phát triển chăn nuôi, ý tưởng chăn nuôi lợn với quy mô lớn đối với chị đã trở thành hiện thực. Đầu tư số tiền 130 triệu đồng để xây dựng chuồng trại, mua con giống về nuôi, mỗi năm gia đình chị Hoa duy trì đàn lợn hơn 100 con. Có thời điểm như năm 2007, gia đình chị nuôi đến 160 đầu lợn thịt, xuất bán 12 tấn thịt lợn hơi, thu số tiền hơn 300 triệu đồng, trừ chi phí đầu tư về thức ăn và con giống còn thu trên 80 triệu đồng. Khu chuồng chăn nuôi lợn của gia đình chị rộng gần 250m2 được thiết kế một cách hết sức khoa học và có đến 20 ô chuồng riêng rẽ để nuôi lợn thịt theo trọng lượng khác nhau. Hệ thống nước rửa chuồng được đầu tư đồng bộ, chất thải của lợn được dẫn vào hệ thống hầm khí biôgas được xử lý làm chất đốt nên rất hợp vệ sinh.
Cùng với kiến thức trong thực tiễn, nhờ chủ động trong việc phòng bệnh nên hầu như trong chăn nuôi lợn, chị Hoa không mấy gặp phải những rủi ro. Không chỉ nuôi lợn thịt, chị Hoa còn chú trọng đến việc nuôi lợn nái, để chủ động có giống không phải mua như các năm trước. Với hơn chục đầu lợn nái được duy trì liên tục, trung bình một năm 2 lứa, mỗi lứa có từ 100 đầu lợn giống đủ để gia đình chị chủ động về con giống và chăn nuôi thành lợn thịt, giảm được giá thành con giống, lại đảm bảo chất lượng, có nguồn giống tốt. Chính vì có số đầu lợn nái tốt, được đầu tư ngay từ đầu vì thế ít khi chị bán lợn giống ra ngoài mà để lại nuôi lên thành lợn thịt. Nhờ áp dụng chăn nuôi đúng KHKT nên đàn lợn của gia đình chị lớn nhanh, sớm được xuất chuồng, chất lượng được tư thương chấp nhận. Mỗi lần xuất chuồng, giá lợn hơi của chị lúc nào cũng nhỉnh hơn giá thị trường từ 2 - 3 nghìn đồng/kg.
Theo tính toán của chị Hoa, một năm nuôi gối lứa liên tục, thường thì xuất bán 2 lứa trong năm, mỗi lứa 100 con. Một năm số đầu lợn của gia đình chị bán ra thị trường trên 200 con, lợn phải đạt trọng lượng 80kg trở lên mới xuất chuồng. Trong năm sẽ cung cấp 15 - 16 tấn thịt lợn hơi, thu hơn nửa tỷ đồng, trừ chi phí đầu tư, gia đình chị còn thu lãi được hơn trăm triệu đồng. Để chủ động thức ăn phục vụ cho chăn nuôi, chị Hoa đã mua máy nghiền ngô chế biến thức ăn, kết hợp nuôi cả phương pháp thủ công và phương pháp công nghiệp, nấu chín cám ngô trộn với cám đậm đặc, cám viên dạng tổng hợp cho lợn ăn nên đàn lợn tăng trọng nhanh, chắc thịt và dễ bán.
Không chỉ phục vụ cho thị trường trong tỉnh, lợn thịt của gia đình chị còn được tư thương từ các tỉnh: Lai Châu, Lào Cai tìm đến đặt hàng. Tận dụng không gian đất xung quanh nhà rộng rãi, chị còn chăn nuôi gà, vịt và đàn gia cầm của gia đình chị Hoa thường đạt ở mức 200 - 300 con, đây cũng là nguồn thu nhập khá đem lại hiệu quả kinh tế cho gia đình.
Nhờ phát triển kinh tế theo quy mô trang trại, chủ yếu là chăn nuôi lợn thịt, gia đình chị Hoa đã mua được xe ô tô tải giá trị gần 200 triệu đồng để chồng chị kinh doanh vận chuyển hàng hóa theo nhu cầu của nhân dân trong thôn, xã và phục vụ các công việc khác của gia đình.
Mới hơn 30 tuổi, đôi vợ chồng trẻ Tiến - Hoa đã làm nhiều người phải khâm phục bởi ý chí làm giàu của mình. Cái đói, cái nghèo không còn nữa, chị Hoa đã làm giàu bằng chính sức lao động của mình và chị đáng để cho chúng ta cùng suy ngẫm và học tập.
Triệu Tuấn
Các tin khác
YBĐT - Anh Sùng A Chông, dân tộc Mông ở bản Lìm Mông, xã Cao Phạ (huyện Mù Cang Chải - Yên Bái) thực sự là tấm gương điển hình về quyết tâm đẩy lùi đói nghèo, vươn lên làm giầu, được nhiều người trong bản học tập làm theo.
YBĐT - Bác sỹ chuyên khoa I Phan Thanh Tôn hiện là Trưởng khoa Tai-mũi - họng, Bệnh viện Đa khoa khu vực Nghĩa Lộ (Yên Bái). Anh còn là Ủy viên Hội LHTN Việt Nam thị xã Nghĩa Lộ, hội viên Hội Thầy thuốc trẻ tỉnh Yên Bái.
YBĐT - Ấn tượng đầu tiên bước vào nhà anh Vi Văn Doan, dân tộc Thái - hội viên Hội Cựu chiến binh phường Trung Tâm, thị xã Nghĩa Lộ (Yên Bái) là một căn nhà sàn 4 gian bằng gỗ, rộng rãi và sạch sẽ trong một khuôn viên rộng trên 400m2.
YBĐT - Xuất ngũ trở về địa phương năm 1971, sau nhiều năm tích cực tham gia công tác ở xã, ông Lù Khua Sử ở bản Nả Háng B- xã Púng Luông (Mù Cang Chải) luôn giữ vững phẩm chất truyền thống “Bộ đội Cụ Hồ” và dù ở cương vị nào ông cũng đều hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.