Đầu xuân “xông” đất tỷ phú rừng trồng

  • Cập nhật: Thứ năm, 12/2/2009 | 12:00:00 AM

YênBái - YBĐT - Không gặp anh tại Hội nghị tổng kết 15 năm mô hình kinh tế trang trại do Tỉnh uỷ Yên Bái tổ chức, có lẽ giàu tưởng tượng đến mấy tôi cũng không ngờ người có phong thái bình dị, đậm chất nông dân kia lại có trong tay gia sản trị giá nhiều tỷ đồng.

Anh Phương trồng rừng vụ xuân.
Anh Phương trồng rừng vụ xuân.

Đầu xuân mới Kỷ Sửu, khi khắp nơi nơi  ra quân hưởng ứng tết trồng cây đầu năm, tôi phóng xe máy vào xã Thịnh Hưng ( Yên Bình) để thăm tỷ phú trên đảo hồ Thác Bà. 

Sau một hồi lòng vòng, chúng tôi  cũng vào đến Đội 7 Công ty cổ phần Chè Văn Hưng. Tìm chủ trang trại Lê Tiền Phương không khó vì dân nơi đây hầu như ai cũng biết đến anh, một người “ tay trắng dựng cơ đồ”. Đón tôi với nụ cười hiền hậu, anh Phương bảo: Mời nhà báo đi thăm rừng của mình luôn! Chiếc thuyền nan nhẹ nhàng đưa chúng tôi luồn lách quanh 30 hòn đảo, hòn lớn nhất rộng tới bảy ha, nhỏ thì hơn nửa ha. Sau một hồi, thuyền cập bến trên một đảo đất vẫn đỏ tươi. Chúng tôi lên đảo, gió dưới lòng hồ Thác Bà thổi lên mát rượi. Nâng niu cây bạch đàn mô trên tay, anh Phương thông báo: “Mình vừa trồng nốt 3 ha, vậy là các đảo đã kín cây”.

Phương là con trưởng trong một gia đình nghèo có tám anh chị em, từ nhỏ đã phải gánh vác công việc gia đình cùng bố mẹ. Hồi tưởng những tháng ngày cơ cực, anh Phương kể: " Học hết cấp ba, xung phong đi bộ đội. Sau khi phục viên lập gia đình, làm đủ thứ nghề mà vợ con vẫn nheo nhóc. Nhiều đêm suy nghĩ nát óc vẫn không biết mình phải xoay xở thế nào khi một đồng vốn trong tay không có".  Đúng thời điểm năm 1990, Nhà nước có chính sách giao đất, giao rừng, phủ xanh đất trống, đồi núi trọc. Hợp tác xã Thịnh Hưng mời bà con xã viên họp, kêu gọi bà con nhận đất phủ xanh rừng, nhưng chẳng ai dám nhận bởi thấy tương lai thật mịt mờ. Chỉ có anh Phương đứng lên xung phong nhận 50 ha rừng là những đảo hoang trong lòng hồ. Nhận đất rồi nhưng không có vốn, lại phải nhờ anh em, bạn bè đứng tên vay Ngân hàng Nông nghiệp tổng cộng 34 triệu đồng. Có đất và vốn, anh động viên 13 gia đình khác cùng mình ra đảo khai hoang. Nhưng chỉ sau một thời gian, cả 13 gia đình đều bỏ về vì không chịu được khổ. Anh Phương nhớ: "Hồi đó, gỗ bồ đề đang được giá, khoảng 400 nghìn một mét khối. Vay tiền ngân hàng, tôi dốc hết mua cây giống về trồng. Sáu năm sau thu hoạch, giá rớt thê thảm chỉ còn 120 nghìn đồng một mét khối. Tiền bán gỗ chỉ đủ trả vốn và lãi ngân hàng".

Những khó khăn không làm nản chí. Anh tiếp tục vay tiền ngân hàng để đầu tư trồng rừng. Nhưng do thiếu kiến thức về lâm nghiệp, mua phải giống bạch đàn trôi nổi, không bảo đảm chất lượng, khi trồng xuống, cây còi cọc, phát triển chậm. Lại một lần nữa, anh Phương biết mình thất bại. Sau bao đêm mất ngủ, anh Phương nhận ra rằng, làm ăn lâu dài, không thể vội vàng. Muốn tồn tại phải lấy ngắn nuôi dài. Từ trồng rừng anh quyết định chuyển sang đầu tư trồng chè và sắn. Một năm sau, sắn đã cho thu hoạch và tạo ra vốn để anh bắt tay vào mở mang diện tích cây trồng khác.

Anh Phương kể tiếp: "Khi tôi mới ra khai hoang, đảo toàn lau sậy, chả khác chi mảnh đất hoang hóa, khô cằn. Một mình làm không xuể, tôi thuê hai người dân trong vùng làm cùng. Ban ngày cùng họ làm quần quật, ban đêm tôi đi xúc tép bắt tôm dưới lòng hồ để sớm mai đem bán lấy tiền trả công thợ. Mấy năm trời như vậy, đến khi lứa sắn đầu tiên thu hoạch mới thôi". Bao giọt mồ hôi đã đổ, vừa làm vừa học, thất bại đến đâu, rút kinh nghiệm đến đó, anh Phương không ngừng tìm kiếm, học hỏi kiến thức về trồng rừng sản xuất, cách thức sử dụng đồng vốn vay cho hiệu quả. Không phụ công người, đến năm 1999, hơn 3 ha bạch đàn đầu tiên cho thu hoạch. Có món tiền kha khá, cuộc sống gia đình cũng dần ổn định. Cây này tiếp cây kia, chu kỳ cây này tiếp chu kỳ cây khác, theo thời gian diện tích rừng tăng lên. Lòng hồ Thác Bà vốn trong vắt giờ đây lại lung linh hơn bởi được màu xanh bất tận của những đảo bạch đàn mô từ 1-3 tuổi đang độ phát triển, những đồi keo, đồi quế từ 10, 15 năm tuổi chững chạc cao vút lên bầu trời. Anh Phương khẳng định, với lòng hồ Thác Bà, không gì đem lại hiệu quả kinh tế cao bằng trồng cây lâm nghiệp. Tôi ước tính toàn bộ 50 ha rừng hiện có sẽ có giá trị khoảng 4 tỷ đồng và sẽ lớn gấp nhiều lần khi những đồi cây đến kỳ thu hoạch. Anh Phương dự định sẽ đầu tư khoảng 300 - 500 triệu đồng để đóng hai chiếc thuyền máy trọng tải lớn và xây dựng một bến thuyền để vài năm nữa khi những đồi bạch đàn, keo cho thu hoạch sẽ tự bao tiêu sản phẩm, không sợ tư thương ép giá.

Từ ý chí và nghị lực của con người, đảo hoang giờ đây đã rộn rã tiếng người. Vào thời gian nhiều việc, anh Phương phải thuê từ 15 đến 20 lao động với thu nhập bình quân trên dưới 2 triệu đồng/người/tháng. Vì vậy, hằng ngày, hai vợ chồng anh chở thuyền đưa người lao động ra đảo làm, tối lại đón về. Anh bảo: "Làm rừng quen đâm ra nghiện rừng rồi, ngày nào không ra đảo thấy nhớ. Đêm giao thừa vừa rồi một mình đón giao thừa ngoài đảo với rừng”.
Đất có rừng trở thành “ đất lành chim đậu”. Cách đây hai năm, từng đàn cò bay về hòn đảo trồng quế, nơi lán anh Phương dựng để coi rừng để làm tổ. Chỉ sau thời gian ngắn, hàng nghìn con rủ nhau về, đậu trắng cả quả đồi. Và cứ từ tháng 3 đến tháng 7 hằng năm, cò về làm tổ đẻ trứng, tiếng kêu quang quác náo loạn cả một vùng, phân và thức ăn thừa rơi xuống tanh hôi kinh khủng. Không cảm thấy khó chịu, để bảo vệ đàn cò, anh Phương không cho người dân trong vùng và người làm công săn bắn hay thu hoạch trứng vì chỉ cần một tiếng súng nổ, đàn cò sẽ bỏ đi ngay. Anh bảo: "Hàng nghìn hòn đảo trong lòng hồ nhưng cò lại chọn đúng nơi này để làm tổ, đó là "lộc” của trời đất ban tặng, lẽ nào mình lại phụ nó".

Cần cù chịu khó, không cam chịu thất bại để làm giàu trên mảnh đất quê hương, trang trại của anh Phương không những tạo công ăn việc làm cho nhiều lao động trong vùng mà anh còn có điều kiện chăm sóc gia đình. Cả ba người con của anh đều được ăn học đầy đủ, các em của anh được anh cấp đất, vốn để phát triển kinh tế gia đình và có cuộc sống ổn định.   

Chia tay người chủ trang trại và những đồi cây mơn mởn đầy sức sống, tôi thầm nghĩ, khi Đảng và Nhà nước ta đang có những chính sách để quan tâm, giúp đỡ nông dân, giúp người dân nhanh chóng xoá đói nghèo vươn lên làm giàu chính đáng thì tấm gương lao động, ý chí vượt khó của chủ trang trại Lê Tiền Phương thật đáng để bà con nông dân học tập, áp dụng.

Nguyễn Đình

Các tin khác

YBĐT - Năm 2003, sau hai năm hưu trí, được tín nhiệm bầu làm Bí thư chi bộ khu phố, người đảng viên dân tộc Tày - Nông Phương Nam tổ 57, phố Trung Tâm, phường Đồng Tâm, (thành phố Yên Bái) không tránh khỏi băn khoăn, lo lắng. Đã từng là bộ đội cụ Hồ, tham gia chiến đấu ở Tây Bắc, sang Lào, tham gia chiến dịch giải phóng miền Nam, lại trở ra Bắc làm nhiệm vụ bảo vệ biên giới phía Bắc nhưng nay ở nhiệm vụ mới trên mặt trận mới, khiến anh bộ đội năm nào tự thấy mình còn nhiều bỡ ngỡ, mới mẻ. Nhưng bằng tinh thần trách nhiệm với cộng đồng dân cư và sự cầu thị, người đảng viên ấy tự nhủ: "Vừa làm vừa học hỏi".

Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Bản Công (Trạm Tấu) Hảng Thị Dông trao đổi công tác hội với cán bộ, hội viên thôn, bản.

YBĐT - Sinh ra và lớn lên ở bản Khấu Chu, xã Bản Công, huyện Trạm Tấu (Yên Bái), Hảng Thị Dông được bố mẹ cho đi học tại trường nội trú của huyện. Vốn thông minh, nhanh nhẹn lại thạo tiếng Kinh nên Dông học khá và đã tốt nghiệp phổ thông cơ sở năm 2000. Ngấp nghé tuổi 18, Dông xây dựng gia đình với anh Hờ A Xà là người cùng huyện.

YBĐT - Khi hỏi thăm về chị Cao Thị Hoa ở thôn 2, xã Cường Thịnh (huyện Trấn Yên - Yên Bái) thì ai cũng biết bởi chị là người chăn nuôi lợn giỏi vào hạng nhất nhì ở xã này.

Anh Sùng A Chông, xay xát gạo phục vụ bà con trong bản.

YBĐT - Anh Sùng A Chông, dân tộc Mông ở bản Lìm Mông, xã Cao Phạ (huyện Mù Cang Chải - Yên Bái) thực sự là tấm gương điển hình về quyết tâm đẩy lùi đói nghèo, vươn lên làm giầu, được nhiều người trong bản học tập làm theo.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục