Ông Tuyến “cát”
- Cập nhật: Thứ ba, 17/2/2009 | 12:00:00 AM
YênBái - Đến thị trấn Mù Cang Chải của huyện Mù Cang Chải (Yên Bái), nếu nói đến tên ông Tuyến “cát” thì ai cũng biết, vì từ việc khai thác cát, sỏi mà ông đã dựng nên cơ nghiệp.
Cây xăng của ông Tuyến bảo đảm phục vụ khách hàng.
|
Ông Nguyễn Ngọc Tuyến, sinh ra và lớn lên ở xã Tân Tiến, huyện Hưng Hà (tỉnh Thái Bình). Sau 5 năm đi làm nghĩa vụ quân sự, ông đã phục viên trở về quê. Năm 1984, ông Tuyến lên làm công nhân tại Công ty Xây dựng cầu Yên Bái và đến năm 1991, ông đưa vợ con lên huyện vùng cao Mù Cang Chải sinh sống.
Ban đầu mới lên, gia đình ông buôn bán nhỏ, cuộc sống của gia đình còn gặp không ít khó khăn nhưng vợ chồng ông vẫn tích cóp dần từng đồng. Khi được số vốn kha khá, ông nghĩ cần tìm cách làm thế nào để đồng tiền phải sinh thêm lợi nhuận. Từ suy nghĩ đó, ông đã dùng số vốn sau nhiều năm dành dụm để mua đất làm nhà ở, làm quán buôn bán…
Từ đó, thu nhập của gia đình ngày càng cao hơn và không dừng lại ở đó, tranh thủ tiềm năng sẵn có như: cát, sỏi, đất đồi, ông tiếp tục mở rộng kinh doanh. Ông vay thêm vốn từ Hội Cựu chiến binh và từ Ngân hàng Chính sách xã hội đứng ra thành lập Hợp tác xã Quyết Thắng vào năm 2007 với ngành nghề chuyên khai thác và kinh doanh vật liệu xây dựng như: cát, sỏi, đá và một số vật liệu khác.
Đồng thời, ông còn mở một cây xăng ngay ở khu vực phía bắc của thị trấn để phục vụ bà con. Không chỉ biết kinh doanh hàng hóa mà ông còn tích cực chăn lợn, nuôi gà và thả cá… Bằng các nguồn thu trên, mỗi năm gia đình ông Tuyến có tổng thu nhập khoảng từ 100 đến 150 triệu đồng.
Nhờ đó, ông đã xây được một ngôi nhà 3 tầng kiên cố, có đầy đủ tiện nghi sinh hoạt, mua được 1 chiếc ôtô tải để vận chuyển hàng. Ngoài việc làm giàu cho mình, cơ sở kinh doanh của ông Tuyến còn tạo công ăn việc làm cho nhiều người trong khu vực, chủ yếu là bà con người Mông người Thái.
Trao đổi với chúng tôi, ông Tuyến chỉ lên quả đồi bên cạnh đường quốc lộ 32 nằm ở khu vực phía bắc thị trấn Mù Cang Chải và nói: “Tôi vẫn còn hàng tỷ đồng ở đây và sẽ tiếp tục được khai thác bằng cách lấy đất làm gạch, sau đó lấy mặt bằng làm nền nhà…”.
Kinh doanh thành đạt, ông Tuyến luôn tham gia đóng thuế đầy đủ theo quy định của Nhà nước. Hiện nay, ông Nguyễn Ngọc Tuyến là một trong những tấm gương hội viên Hội Cựu chiến binh tiêu biểu trong phong trào phát triển kinh tế và tích cực tạo công ăn việc làm, giúp đỡ nhân dân ở huyện vùng cao Mù Cang Chải xoá đói giảm nghèo.
Sùng Đức Hồng
Các tin khác
YBĐT - Phố Quang Trung, phường Đồng Tâm là địa bàn trung tâm của thành phố Yên Bái với nhiều cơ quan, đơn vị của tỉnh và thành phố đóng chân. Những năm qua, nhờ sự nỗ lực của Công an phường và lực lượng cơ sở, tình hình an ninh trật tự trên địa bàn phố luôn ổn định, giữ vững. Và trong những kết quả đó, có sự đóng góp không nhỏ của ông Trần Văn Thân - Bí thư Chi bộ phố Quang Trung.
YBĐT - Không gặp anh tại Hội nghị tổng kết 15 năm mô hình kinh tế trang trại do Tỉnh uỷ Yên Bái tổ chức, có lẽ giàu tưởng tượng đến mấy tôi cũng không ngờ người có phong thái bình dị, đậm chất nông dân kia lại có trong tay gia sản trị giá nhiều tỷ đồng.
YBĐT - Năm 2003, sau hai năm hưu trí, được tín nhiệm bầu làm Bí thư chi bộ khu phố, người đảng viên dân tộc Tày - Nông Phương Nam tổ 57, phố Trung Tâm, phường Đồng Tâm, (thành phố Yên Bái) không tránh khỏi băn khoăn, lo lắng. Đã từng là bộ đội cụ Hồ, tham gia chiến đấu ở Tây Bắc, sang Lào, tham gia chiến dịch giải phóng miền Nam, lại trở ra Bắc làm nhiệm vụ bảo vệ biên giới phía Bắc nhưng nay ở nhiệm vụ mới trên mặt trận mới, khiến anh bộ đội năm nào tự thấy mình còn nhiều bỡ ngỡ, mới mẻ. Nhưng bằng tinh thần trách nhiệm với cộng đồng dân cư và sự cầu thị, người đảng viên ấy tự nhủ: "Vừa làm vừa học hỏi".
YBĐT - Sinh ra và lớn lên ở bản Khấu Chu, xã Bản Công, huyện Trạm Tấu (Yên Bái), Hảng Thị Dông được bố mẹ cho đi học tại trường nội trú của huyện. Vốn thông minh, nhanh nhẹn lại thạo tiếng Kinh nên Dông học khá và đã tốt nghiệp phổ thông cơ sở năm 2000. Ngấp nghé tuổi 18, Dông xây dựng gia đình với anh Hờ A Xà là người cùng huyện.