“Tôi muốn nhiều người có việc làm”

  • Cập nhật: Thứ ba, 24/2/2009 | 12:00:00 AM

YênBái - YBĐT-Vấn đề thiếu việc làm trong các vùng quê đã và đang trở thành một nỗi lo của toàn xã hội! Làm gì để giải quyết việc làm cho người nông dân, nhất là những thời điểm nông nhàn và trong điều kiện đất đai dần thu hẹp đang là nỗi trăn trở của các ủy, chính quyền địa phương. Tuy mới đi vào hoạt động, nhưng Hợp tác xã mây, tre đan Toản Thắng, thị trấn Yên Thế, huyện Lục Yên, đang là một điển hình về giải quyết được nhiều việc làm cho người dân địa phương.

Anh Toản hướng dẫn chị em phụ nữ xã Yên Thắng (Lục Yên) cách tạo hình sản phẩm. (Ảnh: Thanh Thủy)
Anh Toản hướng dẫn chị em phụ nữ xã Yên Thắng (Lục Yên) cách tạo hình sản phẩm. (Ảnh: Thanh Thủy)

Vốn chỉ là một người dân bình thường như bao người dân khác trong thị trấn miền núi huyện Lục Yên và cũng một thời gia đình lâm vào cảnh chạy ăn từng bữa. Đất đai thì có hạn, cả gia đình chỉ trông vào mấy sào ruộng khoán, cả năm chỉ có việc vào mấy ngày mùa, còn những lúc nông nhàn chẳng có việc gì làm, cái đói, cái nghèo cứ đeo đẳng mãi. Ông Đoàn Văn Toản - Chủ nhiệm HTX mây, tre đan Toản Thắng mở đầu câu chuyện như vậy.

Huyện Lục Yên có tiềm năng rất lớn về tre, giang, dẹ, nứa, hầu như xã nào cũng có những loại cây này, trong khu đó có rất nhiều hộ dân có nghề đan lát thủ công khéo léo, tài hoa, có người còn được dân làng phong “nghệ nhân” đan lát. Đó là điều kiện tốt cho nghề mây, tre đan phát triển. Xuất phát từ ý tưởng đó, ông đã đứng ra vận động được một số hộ dân trong vùng tham gia vào “dự án” thành lập HTX mây, tre đan.

Được sự giúp đỡ của Liên minh HTX tỉnh và huyện Lục Yên, tháng 11/1996 HTX mây, tre đan Toản Thắng được thành lập. Buổi ban đầu chỉ có 14 xã viên tham gia và có số vốn điều lệ vẻn vẹn 150 triệu đồng. Nói là vậy, nhưng khi mới thành lập cũng gặp muôn vàn khó khăn, nào là nơi làm việc, kinh nghiệm tổ chức sản xuất, quản lý tài chính đến dạy nghề, tìm đầu ra cho sản phẩm…

Song, với khát khao làm giầu cho mình, cho xã hội, giải quyết nhiều việc làm cho nông dân, người khuyết tật, HTX tập trung dạy, truyền nghề đan lát mây, tre, giang cho người lao động trên địa bàn huyện và một số xã thuộc huyện Yên Bình. Thế rồi bằng những bàn tay khéo léo, đầy sức sáng tạo đã cho “ra lò” những lọ hoa, khay đựng ấm chén, hoa quả, mành bằng mây, bằng tre, giang thật xinh xắn, đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng trong và ngoài nước.

Qua hơn 2 năm đi vào hoạt động, đến nay HTX đã thu hút được trên 400 lao động có việc làm thường xuyên, với mức thu nhập bình quân từ 600-800 ngàn đồng/người/tháng. Đó chưa phải là mức thu nhập cao, nhưng với những người nông dân cuộc sống chủ yếu dựa vào làm ruộng là chính, thì cũng giải quyết được nhiều vấn đề trong cuộc sống.

Điều đáng nói hơn là HTX còn tiếp nhận và truyền nghề cho khá nhiều thanh niên, người tàn tật, bằng sự nỗ lực và công việc phù hợp, giúp họ vươn lên trong cuộc sống. Qua công việc, một số người tàn tật đã biết chia sẻ, giúp đỡ lẫn nhau, được HTX tác thành nên vợ, nên chồng xây dựng cuộc sống gia đình ấm no hạnh phúc.

HTX đứng ra bao tiêu toàn bộ sản phẩm cho xã viên, đồng thời thương thảo, ký kết các hợp đồng tiêu thụ sản phẩm với các đối tác. Hàng tháng HTX đến các hộ gia đình xã viên thu mua sản phẩm với giá cả hợp lý, đôi bên cùng có lợi. Về hiệu quả kinh tế và đóng góp của HTX vào ngân sách Nhà nước còn khiêm tốn, nhưng xét về mặt xã hội lại rất lớn. Hướng phát triển của HTX trong năm 2009 và những năm tiếp theo là tiếp tục dạy, truyền nghề cho những lao động có nhu cầu tham gia HTX, từng bước xây dựng tạo ra làng nghề ở các địa phương có nguyên liệu. Một mặt HTX xây dựng, phát triển vùng nguyên liệu mây và tạo ra nhiều sản phẩm khác đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường. Mục tiêu số một của HTX là giải quyết nhiều việc làm cho nông dân, để họ có điều kiện nâng cao cuộc sống - Chủ nhiệm HTX Đoàn Văn Toản khẳng định như vậy.

Bên cạnh những thuận lợi, hiện nay HTX rất cần được huyện tạo điều kiện giao cho diện tích đất nhất định để làm nơi sản xuất; trong việc mở rộng và phát triển vùng nguyên liệu, nhất là cây mây cần có chính sách hỗ trợ một nguồn kinh phí cho HTX, đào tạo người lao động. Có làm được như vậy, HTX mới thực sự phát triển và giải quyết nhiều việc làm cho bà con nông dân, xây dựng nhiều làng nghề đan lát trong các xã, địa bàn dân cư, đóng góp nhiều vào ngân sách nhà nước.

Thanh Phúc
   
       
    

Các tin khác
Già làng Hờ Khua Giàng.

YBĐT - Tà Chí Lừ là bản người Mông vùng sâu còn nhiều khó khăn của xã La Pán Tẩn (Mù cang Chải) có gần 80 hộ dân cùng sinh sống. Cuộc sống vốn đã vất vả vì người dân trước đây chỉ quen canh tác một vụ, lại trồng nhiều cây thuốc phiện nên càng vất vả hơn. Nhờ được sự tuyên truyền, vận động người dân thực hiện tốt chính sách “ba bỏ” của già làng Hờ Khua Giàng mà cuộc sống của đồng bào Mông trong bản hôm nay đã đổi thay rõ rệt.

Cây xăng của ông Tuyến bảo đảm phục vụ khách hàng.

Đến thị trấn Mù Cang Chải của huyện Mù Cang Chải (Yên Bái), nếu nói đến tên ông Tuyến “cát” thì ai cũng biết, vì từ việc khai thác cát, sỏi mà ông đã dựng nên cơ nghiệp.

Ông Trần Văn Thân (áo sáng màu) cùng cảnh sát khu vực thăm hỏi, động viên đối tượng lầm lỗi.

YBĐT - Phố Quang Trung, phường Đồng Tâm là địa bàn trung tâm của thành phố Yên Bái với nhiều cơ quan, đơn vị của tỉnh và thành phố đóng chân. Những năm qua, nhờ sự nỗ lực của Công an phường và lực lượng cơ sở, tình hình an ninh trật tự trên địa bàn phố luôn ổn định, giữ vững. Và trong những kết quả đó, có sự đóng góp không nhỏ của ông Trần Văn Thân - Bí thư Chi bộ phố Quang Trung.

Anh Phương trồng rừng vụ xuân.

YBĐT - Không gặp anh tại Hội nghị tổng kết 15 năm mô hình kinh tế trang trại do Tỉnh uỷ Yên Bái tổ chức, có lẽ giàu tưởng tượng đến mấy tôi cũng không ngờ người có phong thái bình dị, đậm chất nông dân kia lại có trong tay gia sản trị giá nhiều tỷ đồng.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục