Trưởng thành từ lính biên phòng

  • Cập nhật: Thứ tư, 25/2/2009 | 12:00:00 AM

YênBái - YBĐT - Ở vào tuổi 64, mái tóc tuy đã đốm bạc nhưng dáng người ông vẫn chắc nịch, vẫn nhanh nhẹn lo toan công việc của một Chủ tịch Hội Cựu chiến binh (CCB) xã Hợp Minh (thành phố Yên Bái). Từ việc gia đình đến thôn xóm, ít khi mọi người thấy thiếu vắng sự tham gia, chỉ đạo của ông... 28 năm rèn luyện, học tập trong quân ngũ đã giúp CCB Cao Viết Truyền tôi luyện trưởng thành trên mọi trận tuyến.

Cựu chiến binh Cao Viết Truyền chăm sóc vườn cây của gia đình.
Cựu chiến binh Cao Viết Truyền chăm sóc vườn cây của gia đình.

Như đã hẹn, tôi đến gặp CCB Cao Viết Truyền nhưng ông lại đang bận triển khai hoạt động công tác của xã và chuẩn bị cho Chi hội Câu lạc bộ (CLB) Bộ đội Biên phòng kỷ niệm 50 năm Ngày thành lập (3/3/1959-3/3/2009). Trong khi chờ đợi, tôi tranh thủ tìm hiểu về ông qua bản thành tích cá nhân đề nghị trên khen thưởng mà ông đang viết dở. Chừng một lúc sau như đã xong việc, ông bước vào hồ hởi:

- Cậu thông cảm nhé, đầu năm nhiều việc quá! Câu nói ấm áp, chân thành, đầy chất lính đó khiến tôi thấy cảm tình với ông ngay từ lần gặp đầu tiên này.
Rồi ông vui vẻ trò chuyện. Năm 1963, khi đang học lớp 8 thì được gọi nhập ngũ vào lực lượng công an vũ trang (CAVT), ông mừng lắm. Kết thúc 9 tháng huấn luyện đầy khó khăn thử thách tại Hải Phòng, ông được nhận tấm giấy khen đầu tiên trong đời của Ban Chỉ huy CAVT thành phố. Rồi chiến sỹ Truyền được điều động về Đồn 111 ở Na Mèo- Thanh Hoá, làm nhiệm vụ tuần tra bảo vệ biên giới. Những năm tháng ở đồn, anh luôn được các đồng chí đi trước tận tình chỉ bảo, giúp đỡ thân tình như anh em một nhà. Ông tâm sự: “Quả thực, khi làm nhiệm vụ khó khăn gian khổ là vậy nhưng tôi lại càng thấy yêu mến đơn vị, say sưa với nhiệm vụ được giao hơn”. Ông nhiệt tình giúp đỡ đồng đội, ngày ngày cùng anh em đi bộ tới chục cây số đường rừng tuần tra bảo vệ biên giới phía Tây của Tổ quốc; phối hợp với các đơn vị đón nhận bộ đội tình nguyện hy sinh trên nước bạn Lào về an táng chu đáo tại địa phương.

Do có trình độ học vấn hơn anh em nên ông thường xuyên đảm nhiệm việc dạy văn hoá cho một số đồng chí người dân tộc thiểu số, anh em trình độ thấp. Gắn bó đoàn kết với anh em đồng chí, với đồng bào địa phương nơi đóng quân, ông cũng như các chiến sỹ đã thực sự coi “đồn là nhà, biên giới là quê hương”. Do hoàn thành tốt nhiệm vụ, có nhiều thành tích, chiến sỹ Truyền được cấp trên cử đi học tại Trường Sỹ quan Biên phòng khoá 2. Quá trình học và thực tập gần 2 năm tại trường, với quân hàm chuẩn uý, anh Truyền lại được trên phân công về CAVT Yên Bái.

Tại đây, người chiến sỹ CAVT đã phụ trách đội công tác truy bắt biệt kích tại Nậm Tha - Văn Bàn và cảm hoá tù binh tìm cách liên lạc với trực thăng để dụ chúng thả hàng và vũ khí tiếp viện xuống cho ta. Tháng 11/1966, Cao Viết Truyền  vinh dự được đứng trong hàng ngũ của Đảng. Trải qua bao nhiệm vụ, được rèn luyện, học tập trưởng thành qua nhiều cương vị như: cán bộ chính trị trung đội, thuộc Trung đoàn 600 bảo vệ T.Ư, trợ lý tổ chức của Trung đoàn 180 ở Sài Gòn năm 1975. Sau khi được đào tạo tại Học viện Chính trị quân sự, trung tá Cao Viết Truyền được điều về làm Phó ban Chính trị của Phòng Biên phòng- Bộ CHQS tỉnh Hoàng Liên Sơn. Năm 1984, ông chuyển về Quân khu II, rồi được điều về làm Chỉ huy Phó chính trị- Ban CHQS huyện Yên Bình và nghỉ hưu năm 1991.

Trở về địa phương, được Đảng tin, dân cử, ông Truyền tiếp tục tham gia công tác xã hội, làm bí thư chi bộ 3 nhiệm kỳ, đại biểu HĐND xã, phó chủ tịch, rồi chủ tịch Hội CCB xã Hợp Minh. Ngoài ra, ông tham gia vào Ban chấp hành CLB Bộ đội địa phương, Phó chủ nhiệm CLB Bộ đội Biên phòng tỉnh... ở cương vị nào ông cũng phát huy tốt phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ”, nhất là bản lĩnh, năng lực sẵn có của người sỹ quan biên phòng. Đánh giá hàng năm, Hội CCB xã luôn đạt trong sạch vững mạnh, 130/179 hộ hội viên đạt gia đình văn hoá. Ông còn duy trì tốt CLB Bộ đội Biên phòng xã hoạt động với nhiều việc làm thiết thực, giúp hội viên nghèo, hội viên khó khăn, thu hút 14 hội viên tham gia.

21 năm là lính biên phòng, 7 năm cống hiến trong lực lượng bộ đội địa phương, những cố gắng rèn luyện không mệt mỏi, sự tích cực tham gia các hoạt động cùng địa phương, ông Truyền xứng đáng là người lính đi đầu, một CCB gương mẫu. Thành tích của ông đã được ghi nhận bằng tấm Huân chương Kháng chiến chống Mỹ hạng Ba, Huân chương Chiến sỹ vẻ vang, danh hiệu Chiến sỹ giỏi và được tặng thưởng nhiều Bằng khen của quân đội, của UBND tỉnh.

Văn Trung

Các tin khác
Xưởng chế biến ván bóc của gia đình ông Nguyễn Văn Thuận tạo việc làm cho nhiều lao động có thu nhập ổn định.

YBĐT - Yên Sơn là hợp tác xã (HTX) của gia đình ông Nguyễn Văn Thuận ở thôn 2 xã Yên Phú (Văn Yên - Yên Bái), chính thức đi vào hoạt động từ tháng 1/2008. HTX được thành lập với mục tiêu là thu mua gỗ trồng và chế biến ván bóc ở Yên Phú và các xã lân cận - nơi có diện tích rừng trồng lớn. Thay vì phải bán gỗ cho các lái buôn dưới xuôi với giá bấp bênh không ổn định, nay người dân có đầu ra với giá hợp lý và ổn định. Không những thế, HTX còn tạo việc làm thường xuyên cho nhiều lao động địa phương.

Anh Toản hướng dẫn chị em phụ nữ xã Yên Thắng (Lục Yên) cách tạo hình sản phẩm. (Ảnh: Thanh Thủy)

YBĐT-Vấn đề thiếu việc làm trong các vùng quê đã và đang trở thành một nỗi lo của toàn xã hội! Làm gì để giải quyết việc làm cho người nông dân, nhất là những thời điểm nông nhàn và trong điều kiện đất đai dần thu hẹp đang là nỗi trăn trở của các ủy, chính quyền địa phương. Tuy mới đi vào hoạt động, nhưng Hợp tác xã mây, tre đan Toản Thắng, thị trấn Yên Thế, huyện Lục Yên, đang là một điển hình về giải quyết được nhiều việc làm cho người dân địa phương.

Già làng Hờ Khua Giàng.

YBĐT - Tà Chí Lừ là bản người Mông vùng sâu còn nhiều khó khăn của xã La Pán Tẩn (Mù cang Chải) có gần 80 hộ dân cùng sinh sống. Cuộc sống vốn đã vất vả vì người dân trước đây chỉ quen canh tác một vụ, lại trồng nhiều cây thuốc phiện nên càng vất vả hơn. Nhờ được sự tuyên truyền, vận động người dân thực hiện tốt chính sách “ba bỏ” của già làng Hờ Khua Giàng mà cuộc sống của đồng bào Mông trong bản hôm nay đã đổi thay rõ rệt.

Cây xăng của ông Tuyến bảo đảm phục vụ khách hàng.

Đến thị trấn Mù Cang Chải của huyện Mù Cang Chải (Yên Bái), nếu nói đến tên ông Tuyến “cát” thì ai cũng biết, vì từ việc khai thác cát, sỏi mà ông đã dựng nên cơ nghiệp.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục