Một tấm gương lao động cần cù
- Cập nhật: Thứ ba, 10/3/2009 | 12:00:00 AM
YênBái - YBĐT - Tôi tình cờ gặp ông Phan Văn Đức ở thôn 3, xã Việt Cường (huyện Trấn Yên - Yên Bái) khi ông đang khai thác gỗ rừng trồng. Ấn tượng đầu tiên của tôi về ông là một con người thật chất phác và hiếu khách.
Có lẽ vì luôn phải nhọc nhằn với những công việc đồi rừng nên trông ông khắc khổ và già hơn cái tuổi 50 của mình. Trong câu chuyện đầu xuân, ông Đức cho biết, quê ông ở tận tỉnh Hưng Yên. Cha mẹ ông lên đây khai hoang xây dựng kinh tế từ khi ông mới lẫm chẫm biết đi. Đất Việt Cường khi ấy bao la rừng núi hoang vu, nhưng vì ruộng ở đây ít và chưa quen canh tác đất rừng nên đời sống gia đình gặp muôn vàn khó khăn. Khi đã quen canh tác rồi thì cơ chế bấy giờ nhà nông vẫn chủ yếu là “tự sản tự tiêu” nên cũng chẳng thể tích lũy được gì.
Nhưng với ông Đức có lẽ quãng thời gian vất vả nhất đối với ông là thời kỳ giữa những năm 80, đến những năm đầu thập niên 90 thế kỷ trước. Sau khi hoàn thành thành nghĩa vụ quân sự trở về địa phương, ông xây dựng gia đình, ra ở riêng rồi lần lượt sinh 3 đứa con. Kinh tế không có gì vì đất đai ở Việt Cường hầu hết là của lâm trường và nông trường chè nên nhiều lúc gia đình phải lần ăn từng bữa. Thiếu ăn, con cái ốm đau nheo nhóc, ông Đức nói rằng: “Cuộc sống khi ấy khổ đến mức mình gần như tuyệt vọng về con đường sống”. Nhưng có lẽ những lúc khó khăn tuyệt vọng nhất thì bản năng sinh tồn lại thôi thúc con người ta có những quyết tâm vượt lên, Đồng thời, cũng vào lúc ấy, Nhà nước có chủ trương giao đất giao rừng cho dân. Ông Đức vẫn tiếc mãi là hồi ấy, khi nhận giao đất người ta quán triệt rất chặt chẽ rằng, ai nhận đất thì phải làm thật tốt và phải có gỗ bán cho Nhà nước, nếu không sẽ bị phạt và thu hồi lại đất, thành thử nhà ông chỉ dám nhận 3 ha. Có đất, vợ chồng ông Đức động viên nhau sớm hôm chịu khó làm lụng. Đất nhận khoán thì ông trồng cây lấy gỗ và những năm đầu mới trồng cây thì trồng xen hoa màu. Diện tích đất vỡ hoang được thì ông trồng chè, cấy lúa, trồng màu…Bên cạnh đó, ông còn tận dụng tốt nguồn phụ phẩm nông nghiệp để phát triển chăn nuôi lợn, gà và sau này khi tích lũy được vốn thì tiếp tục chăn nuôi trâu bò.
Từ khi nhận đất trồng rừng đến nay, qua nhiều chu kỳ khai thác gỗ rừng trồng, ông Đức đã tích lũy được hàng trăm triệu đồng. Vườn chè của ông lúc chính vụ mỗi tháng hái hai lứa và mỗi lứa được một tấn búp tươi. Từ hai nguồn thu trên, cùng với thu nhập từ sắn trồng xen rừng trồng và chăn nuôi, ông Đức đã mua một máy xúc trị giá 500 triệu đồng để cho cậu con trai thứ hai đi làm thuê cho các công trình. Trong căn nhà gỗ của ông, giờ đã có nhiều tiện nghi sinh hoạt đắt tiền. Dự định tiếp theo của ông là sẽ cố gắng tích góp và vay mượn thêm để mua chiếc xe ô tô tạo việc làm đứa con trai út.
Sống ở rừng như bao người khác và từ hai bàn tay trắng nhưng với sự cần cù lao động, biết tính toán nên ông Đức đã dần dần làm thay đổi hoàn cảnh của mình. Từ cuộc sống nghèo khó đi đến mức đủ ăn, rồi đi đến có tích lũy và nay thì đã có đủ điều kiện để tính chuyện làm giàu. Tấm gương lao động cần cù của gia đình ông Đức rất đáng để cho nhiều người có chung hoàn cảnh cùng suy ngẫm và noi theo.
H.N
Các tin khác
YBĐT - Đến thôn Pang Cáng, xã Suối Giàng (huyện Văn Chấn - Yên Bái) bà con nơi đây ai cũng đều khâm phục tấm gương tự biết vươn lên của ông Vàng A Sùng.
YBĐT - Ở vào tuổi 64, mái tóc tuy đã đốm bạc nhưng dáng người ông vẫn chắc nịch, vẫn nhanh nhẹn lo toan công việc của một Chủ tịch Hội Cựu chiến binh (CCB) xã Hợp Minh (thành phố Yên Bái). Từ việc gia đình đến thôn xóm, ít khi mọi người thấy thiếu vắng sự tham gia, chỉ đạo của ông... 28 năm rèn luyện, học tập trong quân ngũ đã giúp CCB Cao Viết Truyền tôi luyện trưởng thành trên mọi trận tuyến.
YBĐT - Yên Sơn là hợp tác xã (HTX) của gia đình ông Nguyễn Văn Thuận ở thôn 2 xã Yên Phú (Văn Yên - Yên Bái), chính thức đi vào hoạt động từ tháng 1/2008. HTX được thành lập với mục tiêu là thu mua gỗ trồng và chế biến ván bóc ở Yên Phú và các xã lân cận - nơi có diện tích rừng trồng lớn. Thay vì phải bán gỗ cho các lái buôn dưới xuôi với giá bấp bênh không ổn định, nay người dân có đầu ra với giá hợp lý và ổn định. Không những thế, HTX còn tạo việc làm thường xuyên cho nhiều lao động địa phương.
YBĐT-Vấn đề thiếu việc làm trong các vùng quê đã và đang trở thành một nỗi lo của toàn xã hội! Làm gì để giải quyết việc làm cho người nông dân, nhất là những thời điểm nông nhàn và trong điều kiện đất đai dần thu hẹp đang là nỗi trăn trở của các ủy, chính quyền địa phương. Tuy mới đi vào hoạt động, nhưng Hợp tác xã mây, tre đan Toản Thắng, thị trấn Yên Thế, huyện Lục Yên, đang là một điển hình về giải quyết được nhiều việc làm cho người dân địa phương.