Người có nhiều tên
- Cập nhật: Thứ sáu, 13/3/2009 | 12:00:00 AM
YênBái - YBĐT - Từ ngôi nhà sàn bốn gian khang trang ngay đầu bản của bác Hà Văn Tâm, dân tộc Thái ở tổ 9 phường Tân An (thị xã Nghĩa Lộ - Yên Bái) bao quát gần hết cánh đồng của phường Tân An và phường Cầu Thia. Năm 2000, nhà bác Tâm xây dựng mô hình chăn nuôi lợn với diện tích chuồng trên 50m2. Trong chuồng lúc nào cũng có trên 20 đầu lợn, hai lợn nái cỡ 150kg/con, mỗi lứa lợn mẹ sinh trên dưới 10 con, bác để nuôi tất. Mỗi năm bác Tâm xuất chuồng trên dưới 2 tấn lợn thịt.
Chăn nuôi nhiều, lượng phân thải ra lớn, được sự tư vấn và hỗ trợ 1,5 triệu của Phòng Nông nghiệp – PTNT thị xã, bác bỏ ra 8 triệu đồng xây dựng hầm biogas, khí gas dùng nấu ăn, nấm cám lợn thậm chí dùng cả để thắp sáng bằng cây đèn đốt khí gas treo trên xà nhà. Theo bác Tâm, mô hình hầm khí biogas rất tiện lợi và mang lại hiệu quả kinh tế cao. Toàn bộ chi phí đun nấu sinh hoạt hầu như không mất đồng nào, vệ sinh môi trường đảm bảo, phân từ hầm khí lấy ra bón cho ruộng được ngay lại giảm hẳn được sâu bệnh.
Có lẽ vì vậy mà năng suất lúa của gia đình bác luôn cao nhất bản. Bác nói: “Với tôi và bà con dân bản, sinh ra đã sống nhờ cây lúa, cây ngô. Bây giờ lúa đã đạt hơn 12 tấn/ha và đạt được như hôm nay là cả một quá trình vất vả lắm anh ạ...”. Nói vậy bởi bác tham gia quân ngũ từ năm 1969 và sau 6 năm ở chiến trường rồi xuất ngũ về địa phương, bám ruộng tần tảo sớm hôm mà đói khổ vẫn hoàn đói khổ. Từ đó bác suy nghĩ: Khi trước còn đi chiến đấu thì có thể đói khổ, giờ về nhà rồi thì không thể như thế được. Từ đó bác bắt tay vào phát triển kinh tế gia đình.
Cuộc “cách mạng lúa” bắt đầu từ những năm 1990. Đầu tiên bác vận động gia đình thay đổi thói quen từ quảng canh sang thâm canh, không trồng giống lúa địa phương mà trồng giống lúa lai năng suất cao, rồi làm vụ ba. Nhờ vậy, gia đình đã có cái ăn, cái mặc và dư dật chút vốn liếng. Chỉ có 5.000m2 ruộng, năm qua thời tiết không thuận lợi nhưng bác vẫn thu 6 tấn lúa, trị giá bằng 30 triệu đồng; vụ đông vừa rồi bác trồng 1.500m2 ngô nếp, 2.000m2 ngô tẻ. Ngô nếp đến vụ thu hoạch, khách đến mua cả ruộng từ cây đến bắp cho thu 2,2 triệu đồng, còn lại ngô tẻ, bác thu về để làm thức ăn chăn nuôi. Nhìn hai đàn lợn con đang bú mẹ và hơn chục lợn thịt khoảng trên dưới 40kg/con đang réo đòi ăn, tôi thực sự khâm phục sự cần cù năng động của bác Tâm.
Vẫn giọng nói lơ lớ, chậm rãi, bác tâm sự: Nếu chỉ thuần làm nông nghiệp khó có thể giầu mà phải tìm cách làm thêm dịch vụ. Nghĩ là làm, năm 1996 bác đầu tư hơn 20 triệu đồng mua một máy xay xát thóc liên hoàn về làm thêm. Hàng tháng trừ hết mọi chi phí cũng bỏ ra được vài triệu. Năm 1999, có thêm vốn, bác tiếp tục đầu tư hơn 10 triệu mua máy tuốt lúa vừa phục vụ gia đình vừa đi làm dịch vụ ngày mùa. Nếu là vụ gặt thì cả tháng đi làm từ sáng sớm đến tối mịt vì bà con đăng ký tuốt lúa trước cả tuần. Mỗi một vụ gặt đi tuốt lúa thuâ cũng thu khoảng 2 tấn thóc, theo giá bây giờ là 10 triệu đồng. Chỉ qua 2 vụ gặt, bác Tâm đã hoàn vốn mua máy tuốt và các vụ sau cứ như vậy để tích luỹ. Năm 2000, bác lại bỏ ra hơn 10 triệu mua thêm một máy cày cũng vừa thay con trâu nhà vừa đi cày bừa thuê. Mỗi nghìn mét cuông ruộng bác chỉ thu 90 ngàn đồng. Mỗi khi vào vụ cày bừa thuê, bác thu hơn 1 tấn thóc trong vòng khoảng 3 tuần và nhẩm tính sơ sơ từ chăn nuôi lợn, làm dịch vụ xay xát, tuốt lúa, cày bừa, mỗi năm bác cũng thu cỡ 70 triệu đồng ấy, là chưa kể còn 18 con trâu bò đang nuôi chia ở các bản ven đồi và số trâu bò này mỗi năm lại thêm ba đến bốn con nữa cũng đã là hơn 20 triệu.
Nhờ biết làm giầu mà năm 2007, bác Tâm đã làm lại căn nhà sàn 4 gian hai chái, các cửa khung kính, trần nhà ốp gỗ to đẹp nhất bản. Căn nhà bếp bác xây riêng ngay bên cạnh và lắp đặt hệ thống nước sạch dùng cho sinh hoạt trị giá cả trăm triệu đồng. Cũng trong năm 2007 và 2008, bác chi hơn trăm triệu làm nhà cho con trai cả và cô con gái ngay bên nhà mình. Còn anh con trai út Hà Nội học trung cấp tài chính kế toán nay về làm ở HTX An Hoà và lấy vợ ở cùng với bố mẹ.
Trong căn nhà 4 thế hệ gồm bà cụ thân sinh ra bác Tâm nay đã 104 tuổi nhưng vẫn mạnh khỏe minh mẫn và vợ chồng bác Tâm, vợ chồng, con cái của anh con út lúc nào cũng đầy ắp tiếng cười.
Nói về dự định tiếp theo, bác Tâm nói: “Tôi đã sắp bước vào tuổi 60 nên công việc đang dần dần giao cho các con. Vụ vừa rồi đi tuốt lúa, cày bừa thuê giao cho con trai cả và con rể, máy xát chạy cầm chừng vì không có người làm. Cái cốt lõi bây giờ là định hướng cho con cái biết cách làm ăn, biết làm giầu thì tôi mới yên tâm”.
Phải học, phải đổi mới, đó là cách nghĩ, cách làm của bác Tâm – một người dân tộc thiểu số có tư duy năng động mà dân trong vùng không ai không biết đến vì bác được dân bản gọi bằng nhiều cái tên rất nhà nông ngay bác cũng thấy thích ấy là “bác Tâm biogas”; “bác Tâm máy xát”, “bác Tâm máy tuốt, nay lại gọi “bác Tâm máy cày...”.
Mạc Khải
Các tin khác
YBĐT - Với cương vị là Chủ tịch Hội Nông dân xã Lâm Giang (huyện Văn Yên - Yên Bái), ông Đào Ngọc Động luôn xác định mình không chỉ là người đứng đầu phụ trách công tác tổ chức, chỉ đạo hội viên thực hiện các nhiệm vụ của Hội mà còn là một hội viên - một người nông dân.
YBĐT - Tôi tình cờ gặp ông Phan Văn Đức ở thôn 3, xã Việt Cường (huyện Trấn Yên - Yên Bái) khi ông đang khai thác gỗ rừng trồng. Ấn tượng đầu tiên của tôi về ông là một con người thật chất phác và hiếu khách.
YBĐT - Đến thôn Pang Cáng, xã Suối Giàng (huyện Văn Chấn - Yên Bái) bà con nơi đây ai cũng đều khâm phục tấm gương tự biết vươn lên của ông Vàng A Sùng.
YBĐT - Ở vào tuổi 64, mái tóc tuy đã đốm bạc nhưng dáng người ông vẫn chắc nịch, vẫn nhanh nhẹn lo toan công việc của một Chủ tịch Hội Cựu chiến binh (CCB) xã Hợp Minh (thành phố Yên Bái). Từ việc gia đình đến thôn xóm, ít khi mọi người thấy thiếu vắng sự tham gia, chỉ đạo của ông... 28 năm rèn luyện, học tập trong quân ngũ đã giúp CCB Cao Viết Truyền tôi luyện trưởng thành trên mọi trận tuyến.