Gương mẫu để dân làm theo
- Cập nhật: Thứ năm, 19/3/2009 | 12:00:00 AM
YênBái - YBĐT - Là một trong những gia đình thuộc diện nghèo khó, song với ý chí, nghị lực và biết áp dụng tiến bộ KHKT vào sản xuất nên gia đình ông Hoàng Văn Mẳn, dân tộc Thái đã trở thành hộ khá giả của thôn Búng Sổm, xã Tú Lệ, huyện Văn Chấn (Yên Bái).
Ông Mẳn tâm sự: “Cách đây khoảng gần mười năm, gia đình tôi khổ lắm! Cuộc sống chỉ trông vào mấy sào ruộng, không đủ lương thực ăn nên vào dịp tháng ba ngày tám tôi phải đi làm thuê kiếm tiền đong gạo và mỗi bữa ăn vẫn phải độn sắn…”. Thế nhưng, ông Mẳn cũng đã trăn trở để nghĩ cách thoát nghèo. Ông cũng đã ngẫm thấy không có kiến thức, không có vốn thì không thể làm kinh tế được.
Vậy là, ông đã đi học hỏi các mô hình làm kinh tế giỏi ở trong xã và các xã bạn về áp dụng. Đồng thời, ông tích cực tham gia các lớp tập huấn kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi tại xã. Được Hội Nông dân xã tín chấp cho vay 7 triệu đồng tiền vốn, ông quyết định đầu tư vào sản xuất, trong đó đưa giống lúa lai Tiên Ưu và giống lúa nếp tan đặc sản Tú Lệ vào gieo cấy toàn bộ diện tích ruộng 4.200m2 để thu trên 2 tấn thóc nếp mỗi năm.
Ngoài ra, ông còn tận dụng đất vườn luân canh trồng cây rau màu, tăng thêm thu nhập và để đầu tư phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm. Hiện gia đình ông đã nuôi được 3 con trâu, bò, bình quân mỗi năm xuất chuồng được trên 1 tấn lợn thịt và hàng trăm con gà, vịt... Từ hộ nghèo, đến nay gia đình ông Mẳn đã trở thành hộ khá giả trong xã và có thu nhập 30- 40 triệu đồng/năm. Toàn bộ vốn vay ngân hàng ông đã trả xong và nhà cửa được sửa sang khang trang, mua sắm đầy đủ các tiện nghi sinh hoạt đắt tiền: xe máy, ti vi , tủ lạnh… Các con của ông được học hành đầy đủ.
Được bà con tín nhiệm bầu làm trưởng thôn, ông Mẳn luôn gương mẫu vận động bà con trong thôn đoàn kết xây dựng cuộc sống mới ở khu dân cư. Thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước về phát triển trồng rừng và bảo vệ rừng. từ năm 1997 đến năm 1999, ông đã vận động bà con trong thôn nhận 45 ha đất rừng, cây giống của lâm trường Văn Chấn và đến nay đã trồng kín các loại cây: thông, keo, trám, mỡ…
Mới đây, ông đã vận động các hộ thôn Búng Sổm nhận bảo vệ 21 ha rừng khoanh nuôi và khoanh nuôi tái sinh 21 ha đang phát triển tốt, góp phần phủ xanh đất trống đồi núi trọc.
Nhiều năm qua, rừng phòng hộ đầu nguồn xã Tú Lệ được bảo vệ tốt, không có vụ cháy rừng xảy ra. Kết quả đó có sự đóng góp tích cực của trưởng thôn Hoàng Văn Mẳn. Từ năm 2005 đến nay, thôn luôn đạt thôn văn hoá cấp xã và đang hướng tới ra mắt thôn văn hoá cấp huyện vào năm 2010.
P.V
Các tin khác
YBĐT - Từ ngôi nhà sàn bốn gian khang trang ngay đầu bản của bác Hà Văn Tâm, dân tộc Thái ở tổ 9 phường Tân An (thị xã Nghĩa Lộ - Yên Bái) bao quát gần hết cánh đồng của phường Tân An và phường Cầu Thia. Năm 2000, nhà bác Tâm xây dựng mô hình chăn nuôi lợn với diện tích chuồng trên 50m2. Trong chuồng lúc nào cũng có trên 20 đầu lợn, hai lợn nái cỡ 150kg/con, mỗi lứa lợn mẹ sinh trên dưới 10 con, bác để nuôi tất. Mỗi năm bác Tâm xuất chuồng trên dưới 2 tấn lợn thịt.
YBĐT - Với cương vị là Chủ tịch Hội Nông dân xã Lâm Giang (huyện Văn Yên - Yên Bái), ông Đào Ngọc Động luôn xác định mình không chỉ là người đứng đầu phụ trách công tác tổ chức, chỉ đạo hội viên thực hiện các nhiệm vụ của Hội mà còn là một hội viên - một người nông dân.
YBĐT - Tôi tình cờ gặp ông Phan Văn Đức ở thôn 3, xã Việt Cường (huyện Trấn Yên - Yên Bái) khi ông đang khai thác gỗ rừng trồng. Ấn tượng đầu tiên của tôi về ông là một con người thật chất phác và hiếu khách.
YBĐT - Đến thôn Pang Cáng, xã Suối Giàng (huyện Văn Chấn - Yên Bái) bà con nơi đây ai cũng đều khâm phục tấm gương tự biết vươn lên của ông Vàng A Sùng.