Khát vọng từ đất
- Cập nhật: Thứ sáu, 10/4/2009 | 12:00:00 AM
YênBái - YBĐT - Đến bản Đêu 2, xã Nghĩa An (thị xã Nghĩa Lộ - Yên Bái) ai cũng biết đến ông Lường Văn Pối, dân tộc Thái, thương binh 1/4, hội viên Hội Cựu chiến binh xã và là một trong những gia đình đi đầu trong phong trào trồng, chăm sóc, bảo vệ rừng, làm kinh tế giỏi.
Ông Pối sinh năm 1950 trong một gia đình nghèo ở xã Nghĩa An. Đến năm 1965, khi mới 15 tuổi ông xung phong tham gia vào đoàn dân công hoả tuyến vận chuyển lương thực, đạn dược vào chiến trường Nam Lào tại Phong Sa Lỳ, tỉnh Xiêng Khoảng. Năm 1968 ông nhập ngũ và đóng quân tại Tiểu đoàn 1, Trung đoàn 174, Sư đoàn 316 đang đóng tại Xiêng Khoảng. Giờ đây ông vẫn còn nhớ như in cái buổi trưa định mệnh giữa tháng 7 năm 1971. Hôm ấy, trên đường hành quân, tiểu đoàn của ông đã bất ngờ chạm trán với đội quân đổ bộ của địch tại ven suối. Tại trận đánh đó, ông đã bị 8 viên đạn trên người và sau khi bị thương ông đã được chuyển về tuyến sau để điều trị. Đến cuối năm 1971, ông trở về quê với thương tật hạng 1/4. Bây giờ, mỗi khi trái nắng trở giời thì đầu ông vẫn đau nhức bởi mảnh đạn còn sót lại trong đầu...
Trở về hậu phương, tuy sức khỏe yếu, song ông vẫn luôn cố gắng tham gia sản xuất và các phong trào của bản, của xã. Do vậy, cuối năm 1972 ông được bầu làm đội phó đội sản xuất; năm 1976 được bầu làm chủ nhiệm Hợp tác xã bản Đêu, xã Nghĩa An; năm 1995 được bầu làm Trưởng ban lâm nghiệp xã và đến năm 2005 thì nghỉ hưu... Khi nói chuyện về việc chuyển đổi cơ cấu kinh tế, cây trồng, vật nuôi, về phong trào trồng rừng của xã, ông lại say sưa kể: Những năm trước đây, Nghĩa An cũng như nhiều địa phương khác trong vùng, rừng bị khai thác cạn kiệt. Những cánh rừng trọc lốc không còn một bóng cây làm cho đất màu bị rửa trôi, trơ cả sỏi đá khi có mưa tràn về.
Vào thời gian đó, Nhà nước có chính sách giao đất, giao rừng cho hộ dân, song mọi người đều thờ ơ vì nghĩ rằng việc trồng rừng làm kinh tế là một việc không tưởng và sẽ không thể làm giàu. Nhìn những cánh rừng lơ thơ cây dại và sim mua mà cảm thấy xót xa vì đất rừng xưa xanh tốt là thế, vậy mà giờ đây rừng không còn. Trước tình hình đó, lãnh đạo xã cũng đã tìm mọi cách để vận động nhân dân nhận đất trồng và bảo vệ rừng với mong muốn làm cho rừng được xanh tươi trở lại, người dân có thể được làm giầu trên chính những cánh rừng quê hương mình. Ông cùng lãnh đạo xã đã tìm ra giải pháp, đó là, tổ chức cho các đoàn thể của xã đảm nhiệm nhận trồng, chăm sóc và bảo vệ rừng tập trung trên một số diện tích nhất định. Đây là rừng chung của xã quản lý, sử dụng và đó cũng là rừng trồng mẫu để mọi người học tập.
Mặt khác, các cán bộ, đảng viên trong xã gương mẫu đi đầu trong phong trào trồng rừng và ông cũng là một trong những người thực hiện đầu tiên phong trào này. Năm đầu tiên ông nhận trồng 1ha rừng thông, rồi những năm tiếp theo nhận thêm 2ha rồi 3ha nữa... Nhờ sự cần cù, chịu khó nên rừng cây của gia đình ông cũng như của xã trở nên xanh tốt. Nhân dân đã tin việc khôi phục lại màu xanh của rừng và việc trồng rừng để làm giầu không phải là khó. Từ đó, toàn bộ diện tích đất rừng trên địa bàn xã đã được nhân dân nhận chăm sóc và bảo vệ và giờ đây khắp đồi núi Nghĩa An đâu đâu cũng một màu xanh ngút ngàn.
Sau câu chuyện trồng rừng, ông Pối đưa chúng tôi ra khu rừng sau nhà. Đó là một khu đồi rộng lớn, thoai thoải dốc được chăm bón cẩn thận. Những cây vải, hồng, xoài, mơ, mận xen kẽ xanh tươi thật thích mắt. Từ trên khu đồi này có thể nhìn thấy toàn bộ khu trang trại vườn, rừng, ao, chuồng của gia đình ông Pối. Ông cho biết, hiện nay gia đình có 10 ha rừng thông, bạch đàn, bồ đề được trồng từ năm 2001 đến năm 2005. Từ những cánh rừng cây này, hàng năm ông tỉa thưa cây bạch đàn, bồ đề, keo, bán được trên 15 triệu đồng. Trên diện tích vườn đồi này, ông còn trồng xen trên 1.000 gốc sắn cao sản, hàng năm thu hoạch cũng được trên 2 tấn củ làm thức ăn chăn nuôi. Ngay gần nhà là một vườn cây ăn quả với trên 60 gốc vải thiều, 50 gốc mận và gần 100 gốc cây ăn quả khác như: xoài, hồng, nhãn... mỗi năm cho thu nhập trên 15 triệu đồng.
Kế bên vườn rừng, là khu ao cá và chuồng trại chăn nuôi của gia đình. Hiện nay nhà ông có 3 ao cá với tổng diện tích trên 1.000m2. Bên cạnh đó, hệ thống chuồng lợn, chuồng trâu được xây dựng cẩn thận để nuôi 2 con lợn lái, mỗi năm cho 4 lứa lợn con bán được trên 6 triệu đồng; nuôi gà thịt, gà đẻ và ngan, vịt, ngỗng, mỗi năm cũng được gần 9 triệu đồng. Riêng nguồn thu từ ao cá cũng giúp cho gia đình có thêm từ 5 – 7 triệu đồng. Ngoài ra, ông còn nuôi 2 con trâu vừa để lấy sức cày kéo và vừa có nguồn phân bón cho ruộng vườn. Trên diện tích đất 2 vụ lúa, ông tích cực trồng lúa chất lượng cao và cây mầu vụ 3... nên hàng năm từ mô hình vườn, rừng, ao, chuồng ông cầm chắc trong tay trên 50 triệu đồng.
Từ những khát vọng làm cho đất hồi sinh, cho rừng thêm xanh tốt và biết chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, hiện nay ông Pối là một trong những gương sáng trong phong trào trồng rừng và cũng là người làm ăn kinh tế giỏi của xã, xứng danh anh bộ đội Cụ Hồ để cho thế hệ trẻ noi theo và học tập.
Nguyễn Đức Phương
Các tin khác
YBĐT - Xã Púng Luông, huyện Mù Cang Chải (Yên Bái) rất nhiều người biết đến Vàng A Giàng ở bản Mí Háng Tâu là một cựu chiến binh tích cực phát triển kinh tế và luôn sống mẫu mực.
YBĐT - Bà Nguyễn Thị Hương ở thôn 8B, xã Nghĩa Tâm (huyện Văn Chấn - Yên Bái), được mọi người biết đến là một tấm gương điển hình vươn lên trong muôn vàn gian khó để phát triển kinh tế gia đình.
YBĐT - Trước năm 2000, gia đình ông Đặng Văn Định ở thôn 1, xã Minh Quán (huyện Trấn Yên - Yên Bái) gặp rất nhiều khó khăn, lao động vất vả và làm đủ mọi nghề mà cuộc sống vẫn thiếu thốn.
YBĐT - Hội Người cao tuổi (NCT) huyện Lục Yên (Yên Bái) hiện có 24 cơ sở hội với 7.432 hội viên sinh hoạt ở 231 chi hội và 171 tổ hội. Tuy còn gặp nhiều khó khăn về kinh phí hoạt động, đội ngũ cán bộ không đồng đều, đời sống của từng hội viên gặp nhiều thiếu thốn, song những năm qua, được sự quan tâm của các cấp ủy, chính quyền, Hội NCT huyện Lục Yên đã có nhiều chuyển biến đáng ghi nhận, nhất là trong các phong trào: người cao tuổi nêu gương sáng góp phần xoá đói giảm nghèo; nêu gương sáng xây dựng con người mới, xây dựng gia đình hiếu học, khuyến học, khuyến tài; “Tuổi cao chí càng cao, nêu gương sáng vì sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”.