Người “say” lợn
- Cập nhật: Thứ sáu, 17/4/2009 | 12:00:00 AM
YênBái - YBĐT - Nói đến anh Hoà nuôi lợn thì không chỉ thôn 5 mà cả cái xã Minh Quán (Trấn Yên - Yên Bái), chẳng ai còn lạ. Bởi hễ gặp anh y rằng có vòng vo đến đâu rốt cuộc cũng quay về chủ đề lợn. Người không hào hứng thì anh bảo: “Mỗi người mỗi nghề, lúc rảnh mà được ngắm nhìn đàn lợn béo núc, trắng hồng như trong tranh vục vào mẻ cám thì các ông mới biết nó tuyệt nhường nào!”. Có người vui miệng trêu rằng: “Thằng cha này có khi ngoài lợn ra nó chẳng thể yêu quý được cái gì nữa!”.
Anh Nguyễn Quang Hòa chăm sóc đàn lợn.
|
"Chú đã nghe quảng cáo đồng hồ GIMIKO trên ti vi chứ? Đó là tuổi của tôi: Giáp Ngọ. Cái tuổi phải đi, không ngại khó, nhưng cũng vất vả lắm! Gần 20 năm tìm tòi, lặn lội đến các tỉnh trong cả nước, đến giờ tôi mới tìm ra hướng phát triển kinh tế phù hợp với mình”- giọng nói to, vang, dõng dạc đầy tự tin của anh muốn khẳng định lần nữa, sự lựa chọn của ông chủ lợn hôm nay đã trở thành hiện thực.
Hiện thực ấy trước mắt tôi là khu chăn nuôi rộng rãi gồm 8 chuồng, chuồng nào cũng cỡ hơn chục con cứ đều tăm tắp: to, trắng hồng, sạch sẽ, ủn ỉn luôn miệng khi ông chủ dẫn chúng tôi cùng đi. Cạnh đó là đàn lợn con siêu nạc. Phía đầu trổ ngôi nhà thêm 7 cái cũi với 7 con lợn nái, mỗi con ngót tạ, cũi nào cũng có điện sáng, nước sạch. Ông chủ tỏ ý hài lòng, thỉnh thoảng vuốt ve chú lợn nái mà rằng: “Cái giống này phải tăng lên 15- 20 con thì mới gọi là mô hình chứ! - mắt anh cười tít lại nghe chừng thú lắm- tôi có thể ngồi cả ngày ở đây được, chẳng vấn đề gì”. Nói rồi, tay anh thoăn thoắt múc từng mẻ cám khô tự pha chế với tên gọi là “thức ăn phối trộn” gồm: ngô, cám, gạo, men vi sinh, thức ăn đậm đặc chia đều ra các máng. Cả đàn lợn ăn như vỗ tay. Cách pha chế này vừa bảo đảm cho lợn đủ chất dinh dưỡng, đồng thời giảm chi phí từ 500 đến 1000 đồng/kg so với thức ăn phối hợp.
Với hơn 100 con, chưa kể đàn lợn con, vừa rồi anh cho xuất chuồng 1 tấn lợn hơi, nhẩm bán với giá 27.000 đồng/ kg, 1 tấn được 27 triệu đồng, lãi bình quân sẽ là 300.000 đồng/con. Như vậy, cứ 4 tháng lại xuất chuồng một lứa. Cứ ngồi nghe anh nói, nghe anh kể kinh nghiệm nuôi lợn, hành trình nuôi lợn, tôi mới thực sự thấm cái niềm đam mê, cái “tình yêu” anh dành cho những chú lợn kia.Và rằng, để có một mô hình chăn nuôi như vậy, anh đã phải trải biết bao nhọc nhằn, khó khăn. “Khổ thì khổ thật, nhưng cái gì không qua trải nghiệm sao có thể thành”- nhìn cái thành quả đang hiện hữu trước mặt, ông chủ lợn đúc kết.
Bản thân sinh ra và lớn lên trong một gia đình đông anh em, mẹ mất sớm, từ nhỏ anh đã quen với nỗi cơ cực. Không cam khổ, gắng học tập, năm 1970, anh theo học lớp quản lý kinh tế rồi vào làm ở Phòng Kế hoạch Nhà máy Z 183 đóng trên địa bàn xã Minh Quán. “Năm 33 tuổi mới lấy vợ, người trong làng tưởng mình bị làm sao!” - anh cười vui vẻ. Rồi công việc ở Nhà máy cũng không níu kéo được, anh quyết định xin nghỉ việc (năm 1990) về phát triển kinh tế gia đình. Đào ao, trồng rừng, nuôi lợn, làm đủ cả mà vẫn không đủ ăn. Tiếp tục hì hục phát nương rẫy trồng 4 ha keo.
Từ năm 1995 đến 1996 đã có thời điểm anh vay tiền của anh em, họ hàng để nuôi đàn bò trên chục con, rồi bị phá giá, lại bán cả đàn bò chỉ có 1 triệu đồng/con không trả đủ tiền gốc khi mua vào. Thất bại. Keo chưa cho khai thác, anh trồng 2 ha sắn, 700 m2 ao thả cá để tự cung tự cấp nhưng vẫn chưa bứt lên được. Cái duyên với “chú ỉn” chỉ đến khi năm 2000 anh có trong tay số tiền bán keo gom lại. Ngay lúc bắt đầu trong chuồng đã có trên chục con song suốt mấy năm, những “chú ỉn” mà anh yêu quý chẳng mang lại của ăn của để, bù lại là sự thấp thỏm, lo lắng về giá cả, dịch bệnh. “Tôi nhiều khi cũng tự dằn vặt mình: Tại sao cũng chăn nuôi như vậy mà không mang lại hiệu quả? Chẳng nhẽ lại bó tay? Vậy thì thử đi sang các xã khác, tìm trong thành phố, rồi đi các tỉnh bạn xem sao!” .
Nói là làm, năm 2007, anh đi tham quan các mô hình chăn nuôi lợn ở Chương Mỹ, Mỹ Đức, Hà Tây (cũ) rồi qua Vĩnh Thịnh, Vĩnh Tường (Phú Thọ), Hải Dương, vào cả Viện Chăn nuôi quốc gia... học hỏi kinh nghiệm. Ghi bằng hết, chép bằng hết để rồi về chọn lọc, phân tích từ nguồn nước, khí hậu, diện tích đất ở, đất chăn nuôi; liên hệ thường xuyên với ông Võ Văn Sự, chuyên gia ở Viện Chăn nuôi quốc gia, các cán bộ khuyến nông, kỹ thuật của tỉnh để tư vấn về kỹ thuật chăn nuôi; đến tham quan, học tập mô hình chăn nuôi lợn nổi tiếng ở phường Đồng Tâm (TP Yên Bái) từ cách pha chế cám đến kỹ thuật xây dựng chuồng trại...
Chương trình “ Nhà nông cần biết” thường phát sóng vào các buổi sáng trên kênh VTV1 Đài Truyền hình Việt Nam thì chưa bao giờ anh bỏ qua. Tích lũy được vốn kiến thức cộng kinh nghiệm chăn nuôi trước đó, giữa năm 2007, anh Hoà bắt tay vào việc gây dựng mô hình nuôi lợn theo phương pháp khoa học.
Thực tế cho thấy, chăn nuôi theo kiểu truyền thống không quản lý được dịch bệnh; thức ăn không được chú trọng về chất lượng cũng như nguồn gốc; phương pháp phòng dịch kém; chuồng trại không bảo đảm vệ sinh, thiếu khoa học... nên hiệu quả thấp. Còn theo phương thức khoa học nếu khâu giống tốt sẽ quản lý được nguồn bệnh; vệ sinh môi trường, trang trại thực hiện đủ các nguyên tắc: bảo đảm diện tích, ánh sáng, hướng gió, độ ẩm, khoảng cách giữa các chuồng, số lượng nuôi phù hợp trong một chuồng, có nguồn nước sạch và xử lý nước thải hợp lý (phân thải hiện nay đã được anh Hoà sử dụng làm biogas sử dụng trong sinh hoạt gia đình và bán cho bà con trong xã sử dụng vào trồng trọt); quan tâm đến vấn đề chăm sóc thú y: phải mời chuyên gia thú y công nghiệp về kiểm tra để phát hiện những sai phạm trong xây dựng chuồng trại, đồng thời phát hiện và ngăn chặn kịp thời khi dịch bệnh có khả năng xuất hiện trên đàn lợn...
Và trước hết “phải thực sự say nghề, kiên trì theo đúng các phương thức và nguyên tắc trong chăn nuôi, không làm theo sẽ thất bại như tôi trước đây”. Chẳng hạn, bữa ăn chính cho lợn anh duy trì vào 16 giờ chiều hàng ngày, sau khi tắm rửa sạch sẽ cho chúng; hàm lượng, chất lượng của thức ăn phải hơn buổi sáng, sau khi ăn xong tắt điện để chúng ngủ vì buổi tối không hoạt động nhiều nên nguồn thức ăn lúc đó hấp thụ nhiều nhất và đó là một phương thức đặc biệt trong chăn nuôi lợn siêu nạc, đàn lợn ít tiêu hao năng lượng sẽ chóng tăng cân.
Nuôi lợn siêu nạc sẽ là mục tiêu thời gian tới của anh Hoà, bằng việc tới đây xuất chuồng 7 tấn thịt lợn hơi, đưa vào 15 đến 20 lợn nái. “Có công mài sắt, có ngày nên kim”, mô hình chăn nuôi của anh đã được đông đảo bạn bè, những người chăn nuôi biết đến; nhiều người đến học tập, nhờ anh chỉ vẽ kinh nghiệm. Điều đó càng động viên anh phấn đấu đồng thời mong muốn thành công của mình sẽ giúp mọi người học tập, làm theo nhằm phát triển kinh tế gia đình: “Mình không giấu các phương thức trong chăn nuôi lợn đâu! Nhà báo cứ viết, để mọi người cũng tham khảo và chia sẻ kinh nghiệm...”.
Ngọc Sơn
Các tin khác
YBĐT - Ở tuổi 42 nhưng chị dường như trẻ hơn so với tuổi của mình, dáng nhanh nhẹn, khuôn mặt phúc hậu, ưa nhìn. Gặp chị, ít ai biết rằng chị đã trải qua những năm tháng đầy khó khăn, vất vả để trở thành chủ một cơ sở đại lý thức ăn gia súc như hôm nay. Đó là chị Bùi Thị Tân Phương, cư trú tại Tổ nhân dân số 39, phường Nguyễn Thái Học (TP Yên Bái).
YBĐT - Đến bản Đêu 2, xã Nghĩa An (thị xã Nghĩa Lộ - Yên Bái) ai cũng biết đến ông Lường Văn Pối, dân tộc Thái, thương binh 1/4, hội viên Hội Cựu chiến binh xã và là một trong những gia đình đi đầu trong phong trào trồng, chăm sóc, bảo vệ rừng, làm kinh tế giỏi.
YBĐT - Xã Púng Luông, huyện Mù Cang Chải (Yên Bái) rất nhiều người biết đến Vàng A Giàng ở bản Mí Háng Tâu là một cựu chiến binh tích cực phát triển kinh tế và luôn sống mẫu mực.
YBĐT - Bà Nguyễn Thị Hương ở thôn 8B, xã Nghĩa Tâm (huyện Văn Chấn - Yên Bái), được mọi người biết đến là một tấm gương điển hình vươn lên trong muôn vàn gian khó để phát triển kinh tế gia đình.