Chuyện về một tổ trưởng dân phố

  • Cập nhật: Thứ ba, 28/4/2009 | 12:00:00 AM

YênBái - YBĐT - Ông Nguyễn Văn Thịnh – Tổ trưởng Tổ dân phố số 3, kiêm Ủy viên Ủy ban MTTQ phường Đồng Tâm (TP Yên Bái) đã ở tuổi 79 nhưng vẫn còn rất tráng kiện. Miệng nói tay làm, gương mẫu đi đầu trong mọi công việc, đó là nét nổi bật đáng quý của ông.

Sau 40 năm công tác, ông Thịnh nghỉ hưu từ những năm 90 của thế kỷ trước. Về sinh hoạt tại phố phường được một thời gian, thấy ông có sức khỏe, nhiệt tình, bà con dân phố tổ 3 bầu ông làm Tổ trưởng. Nhân dân trong tổ “9 người 10 làng”, mỗi người mỗi ngành nghề, mỗi điều kiện và hoàn cảnh khác nhau. Nắm bắt đặc điểm đó, ông thường xuyên đến thăm hỏi, động viên từng gia đình. Khi cấp trên có những chủ trương, chính sách mới như: vận động giúp đỡ người nghèo, thu thuế nhà đất… đều được ông phổ biến cặn kẽ, cụ thể, dễ hiểu tới từng nhà, từng người. Vì vậy, Tổ dân phố số 3 luôn là một trong những tổ chấp hành tốt đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước.

Với đặc điểm nằm trong ngõ xóm, kéo dài từ trục đường 379 vào tận cổng Trường Cao đẳng Văn hóa – Nghệ thuật và Du lịch Yên Bái, việc đi lại của nhân dân trong tổ khó khăn vì là đường đất, mưa xuống lầy lội, mất vệ sinh. Sau nhiều lần bàn tính, đầu năm 2006, ông Thịnh tiến hành họp tổ, vận động bà con lui bờ rào đúng quy định, tạo lối đi thông thoáng chung cho tất cả mọi người. Chưa dừng lại ở đó, ông phân tích cho nhân dân trong tổ và các tổ lân cận thấy sự tiện lợi, sạch sẽ của một con đường bê tông.

Thấy ông nhiệt tình, xông xáo nên tất cả các gia đình của tổ 3, một số hộ của tổ 4, tổ 9 nhất trí đóng góp để làm đường bê tông. Người nhiều thì 1,5 triệu đồng, người ít thì 100 – 200 ngàn đồng và thế là chỉ trong vài ngày đã thu gom về gần 20 triệu đồng. Nói là làm, ông cùng một vài người cao tuổi có uy tín, có kinh nghiệm thuê thợ làm đường bê tông ngõ xóm. Sau 2 ngày, một con đường bê tông rộng 3m, đổ dày 5cm đã hoàn thành. Có những người trong tổ dân phố đi công tác xa mấy ngày sau trở về đã thốt lên: “Đúng là như trong mơ! Từ nay hết cảnh phải đi xe máy xắn quần rồi”.

 Đường đã có nhưng về đêm, việc đi lại vẫn khó khăn vì không có điện đường. Lúc đầu, ông Thịnh kéo tạm một bóng điện từ nhà mình ra và vận động thêm một vài hộ nữa nhưng ánh sáng cũng không đủ, rồi lại nhà quên nhà nhớ cắm điện. Ông quyết định một lần nữa phải vận động bà con đóng góp mỗi nhà 5 – 10 ngàn đồng để mua dây, công tơ, bóng điện tiết kiệm và thuê thợ lắp đặt. Cứ cách khoảng 20m, ông cho lắp một bóng, công tắc tổng để tại nhà ông.

Buổi tối, đèn điện bật từ 18h – 23h để phục vụ bà con đi lại, còn nếu có động tĩnh gì là ông bật điện, báo động cho nhân dân toàn tổ ra đường chốt chặn. Chính vì vậy, an ninh trật tự ở địa bàn tổ 3 rất tốt, hầu như đối tượng lưu manh, nghiện hút không dám lai vãng. Mới hay, đúng là “Dễ trăm lần không dân cũng chịu/Khó vạn lần dân liệu cũng xong”. Để dân liệu, dân lo thì cũng rất cần những cán bộ tổ dân phố có trách nhiệm, nhiệt tình, dám làm như ông Nguyễn Văn Thịnh. Và nếu thành phố có nhiều cán bộ tổ dân phố như ông Thịnh, chắc chắn phong trào quần chúng sẽ ngày càng sâu rộng và có hiệu quả cao.

Vũ Quốc Toản

Các tin khác
Bà con người Mông xã Hồng Ca (Trấn Yên) nhận giống tre măng Bát Độ về trồng.

YBĐT - Cả thôn Khe Cát, xã Hồng Ca (huyện Trấn Yên - Yên Bái), ai cũng khâm phục cách làm giàu của vợ chồng ông Vừ Sáy Rua và bà Chang Thị Nhà từ hộ nghèo vươn lên thành hộ khá giả nhất trong thôn.

YBĐT - Mạnh dạn đầu tư vào chăn nuôi, bước đầu đã có hiệu quả, đó là cả một quá trình tìm kế mưu sinh của anh Hà Xuân Đạt trên con đường thoát nghèo vươn lên làm giàu...

Anh Nguyễn Quang Hòa chăm sóc đàn lợn.

YBĐT - Nói đến anh Hoà nuôi lợn thì không chỉ thôn 5 mà cả cái xã Minh Quán (Trấn Yên - Yên Bái), chẳng ai còn lạ. Bởi hễ gặp anh y rằng có vòng vo đến đâu rốt cuộc cũng quay về chủ đề lợn. Người không hào hứng thì anh bảo: “Mỗi người mỗi nghề, lúc rảnh mà được ngắm nhìn đàn lợn béo núc, trắng hồng như trong tranh vục vào mẻ cám thì các ông mới biết nó tuyệt nhường nào!”. Có người vui miệng trêu rằng: “Thằng cha này có khi ngoài lợn ra nó chẳng thể yêu quý được cái gì nữa!”.

YBĐT - Ở tuổi 42 nhưng chị dường như trẻ hơn so với tuổi của mình, dáng nhanh nhẹn, khuôn mặt phúc hậu, ưa nhìn. Gặp chị, ít ai biết rằng chị đã trải qua những năm tháng đầy khó khăn, vất vả để trở thành chủ một cơ sở đại lý thức ăn gia súc như hôm nay. Đó là chị Bùi Thị Tân Phương, cư trú tại Tổ nhân dân số 39, phường Nguyễn Thái Học (TP Yên Bái).

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục