Một đời binh nghiệp

  • Cập nhật: Thứ hai, 18/5/2009 | 12:00:00 AM

YênBái - YBĐT - Trong những ngày tháng 5 lịch sử, chúng tôi trở lại xã An Thịnh (huyện Văn Yên) để tìm gặp người cựu chiến binh năm xưa. Ông là Hoàng Cao Hỷ, người đã từng tham gia chiến dịch Sông Thao và từng cùng đội du kích trực tiếp đánh đồn Đại Bục, Đại Phác.

Ông tuổi 87 nhưng ông Hỷ vẫn còn khoẻ mạnh và khá nhanh nhẹn, chỉ có phần tai hơi nặng do sức ép của đạn pháo trong trận chỉ huy đánh Mỹ ở Kon Tum, Đắc Lắc và mặt trận Tây Ninh. Nói về thời kỳ đầu tham gia cách mạng, ông chậm rãi kể: “Tôi sinh ra tại huyện Điềm He, tỉnh Lạng Sơn và là con thứ hai trong gia đình có 8 anh em. 16 tuổi trốn nhà đi tham làm cách mạng, tôi tìm tới cơ sở du kích Vần Dọc của ta vào thời điểm tháng 4 năm 1945. Thời kỳ đầu được các chú, các bác giúp đỡ huấn luyện và đưa vào Đội tuyên truyền giải phóng quân. Do có nhiều cố gắng nên tháng 4 năm 1947, tôi được giao nhiệm vụ là Trung đội phó Trung đội Lục Lập. Thời kỳ này, Pháp kéo về đóng quân ở đồn Đại Bục, Đại Phác và đồn Gióm. Là chỉ huy, tôi được giao 7 khẩu súng trường và một số đạn, còn các đồng chí du kích của ta không có súng thì dùng dao, dùng gậy với nhiệm vụ là đánh Pháp tại ba đồn trên. Sau này đơn vị phối hợp cùng bộ đội đánh đồn Đại Bục, Đại Phác khiến chúng phải rút chạy, lực lượng của ta tiếp tục dồn đánh tới tận khu vực suối Ngòi Thia. Tháng 10 năm 1950, Trung đội sáp nhập với Tiểu đoàn Tây Tiến, tôi được giao nhiệm vụ ở lại địa phương thành lập đội du kích mới đóng ở xã Đại Đồng (Yên Bình).

Năm 1952, chúng tôi cùng tham gia chiến dịch giải phóng Nghĩa Lộ. Tháng 7 năm 1953, cấp trên điều động tôi về Đại đội 90 đóng quân ở huyện Lục Yên với nhiệm vụ chính là đánh phỉ ở Bắc Hà, Bát Xát, Xi Ma Cai, Bảo Thắng tỉnh Lào Cai…Năm 1956, tôi được chuyển về Quân khu Việt Bắc, thời kỳ đó đóng tại tỉnh Thái Nguyên. Do có nhiều thành tích trong chiến đấu, tháng 3 năm 1957 tôi được cấp trên cử sang nước bạn Liên Xô học 5  năm tại Học viện Quân sự. Sau khi về nước làm giáo viên một thời gian, hồi đó chiến trường miền Nam diễn ra rất ác liệt.

Năm 1967, với cương vị là Trung đoàn phó Trung đoàn 174,  tôi cùng đơn vị hành quân vào Kon Tum, trực tiếp tham gia cao điểm 875 với nhiệm vụ tiêu diệt Lữ đoàn không quân của Mỹ để chuẩn bị cho chiến dịch Mậu Thân 1968. Tháng 8 năm 1967, Trung đoàn 174 sáp nhập cùng Trung đoàn 33 đóng quân ở Đắc Lắc trực tiếp đánh vào Trung đoàn xe tăng và Trung đoàn pháo của địch. Cuối năm 1968, Trung đoàn nhận lệnh hành quân vào mặt trận Tây Ninh tham gia các trận Chà Là 1 và Chà Là 2. Tại đây, quân ta đã tiêu diệt hàng ngàn xe tăng và pháo các loại của địch. Thời gian sau tôi được chuyển về Quân khu 7 đóng quân ở Bà Rịa - Vũng Tầu. Năm 1972 chuyển ra Bắc và đến tháng 8 năm 1977  nghỉ hưu với chức vụ là Tỉnh đội phó Tỉnh đội Hoàng Liên Sơn…”

Ba mươi năm bảy tháng trong quân ngũ, trực tiếp cầm súng tham gia hàng trăm trận đánh, khi được hỏi về tinh thần, khí thế của cán bộ, chiến sĩ ta ngày ấy, ông Hỷ cười bảo: “Anh em vào trận là không hề có một chút nao núng tinh thần, kể cả sẵn sàng hy sinh tính mạng. Mỗi người chúng tôi đều chung một ý chí chiến đấu theo lời dạy của Hồ Chủ tịch: “Thà hy sinh tất cả chứ không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ”. Trong các trận đánh, nhiều đồng chí của ta mải chiến đấu mà bị thương cũng không hay biết, đến khi ngoảnh lại thấy máu chảy, tự tay băng bó rồi lại đánh tiếp. Đồng chí nào bị thương nặng hay hy sinh thì được chuyển về tuyến sau, ngay lập tức đồng chí  khác kế tiếp chỗ để chiến đấu…”.

 Bà Mạc Thị Sến, vợ ông Hỷ ngồi bên cạnh kể: “Tiếng là vợ chồng nhưng có mấy khi được gần nhau đâu, ông ấy đi biền biệt có khi cả năm không về. Mẹ con ở nhà rau cháo nuôi nhau. Thời kỳ đó hậu phương cũng phải làm ngày, làm đêm để sản xuất ra nhiều thóc gạo cung cấp cho chiến trường chứ. Vợ chồng tôi có 3 mụn con, nhưng 2 cháu ốm, ngày ấy thuốc thang khan hiếm nên đành mất con. Hiện tại chỉ còn có một cô con gái, đây là nhà của chúng nó cùng với vợ chồng tôi tiết kiệm xây năm ngoái, cuộc sống giờ cũng tạm ổn.

Là một người không ngại khó, không ngại khổ, luôn tận tuỵ với công việc, trong những năm tham gia kháng chiến ông Hoàng Cao Hỷ  luôn hoàn thành xuất sắc mọi nhiệu vụ được giao. Ông đã được Đảng, Nhà nước tặng thưởng nhiều phần thưởng cao quý như: huân chương Quân công hạng Ba, 2 Huân chương Chiến công hạng Ba… Năm 2008, ông được tặng huy hiệu 60 năm tuổi Đảng. Trong chiến đấu cũng như cuộc sống thường nhật, ông Hỷ luôn là tấm gương sáng để lớp cháu con học tập noi theo.

Thái Hưng

Các tin khác

YBĐT - Ở bản Cung 11 xã Mồ Dề (huyện Mù Cang Chải - Yên Bái), ai cũng khâm phục và mến mộ ông Sùng A Vàng, người dân tộc Mông là một điển hình làm kinh tế giỏi, vươn lên thoát nghèo.

YBĐT - Đến Bản Đêu 2, xã Nghĩa An (thị xã Nghĩa Lộ - Yên Bái) ai cũng biết đến bà Chu Thị Mặc, dân tộc Thái là một người phụ nữ đảm đang, tháo vát và làm ăn kinh tế giỏi.

YBĐT - Nhanh nhẹn, hóm hỉnh, thông minh thông thạo tiếng phổ thông là ấn tượng đầu tiên của tôi khi gặp Thào A Tông, cán bộ văn phòng xã Tà Xi Láng (Trạm Tấu - Yên Bái). Tuổi thơ của Tông lớn lên gắn bó với miền đất khó khăn này.

Mô hình trang trại lợn của ông Trịnh Văn Thanh tại 
thị trấn Cổ Phúc (huyện Trấn Yên) có thu nhập
80 triệu đồng/năm.

YBĐT - Từ một gia đình nông dân nghèo ở thị trấn Yên Thế (huyện Lục Yên - Yên Bái), ông Hoàng Văn Minh - trưởng thôn Đồng Phú đã lấy chăn nuôi làm ngành sản xuất chính để làm giàu ngay trên chính mảnh vườn hẹp nhà mình. Từ đàn lợn ban đầu chỉ có 30 con, đến nay ông Minh có trong tay một khu chuồng trại rộng 400m2 cùng đàn lợn trên trăm con mỗi lứa. Mô hình chăn nuôi của gia đình ông được đánh giá là một trong những người làm kinh tế có hiệu quả nhất trong toàn huyện.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục