"Thầy thuốc làng"

  • Cập nhật: Thứ năm, 2/7/2009 | 12:00:00 AM

YênBái - YBĐT - Ở thôn Quyết Tiến, xã Y Can, huyện Trấn Yên (Yên Bái) hẳn ai cũng biết đến ông Lê Văn Yên, thầy lang đã hơn 20 năm bốc thuốc trị bệnh cứu người. Bà con trong xã gọi ông bằng cái tên trìu mến: Thầy thuốc làng.

Ông Yên sinh năm 1953 tại chính mảnh đất Y Can này, lớn lên trong một gia đình có nghề thuốc gia truyền từ tổ tiên để lại tới ông là đời thứ năm. Năm 1972, chàng thanh niên Lê Văn Yên lên đường nhập ngũ tham gia kháng chiến chống Mỹ, đến năm 1975, đất nước hoàn toàn độc lập, người lính trẻ trở về quê hương. Lúc đó, trong gia đình ông có cụ Lê Văn Giang đang làm nghề bốc thuốc chữa bệnh cho mọi người.

Dưới sự dìu dắt chỉ bảo của cụ, ông đã có ít nhiều kinh nghiệm cùng với gần 10 năm chịu khó nghiên cứu, học hỏi về cách chữa các bệnh: bong gân, trật khớp, gãy xương, tìm hiểu về các bài thuốc nam, ông đã có được một vốn kiến thức về đông y khá phong phú. Tuy vậy, lý do thôi thúc ông gắn bó cả đời với nghề bốc thuốc lại khác. Đó là vào năm 1984, người con trai thứ hai của ông lúc đó chưa đầy 4 tuổi bị ngã trật khớp xương bả vai. Mặc dù không nguy hiểm đến tính mạng nhưng đây là một tổn thương khá lớn, nếu không được cứu chữa đúng cách có thể sẽ bị tật nguyền suốt đời.

Với lòng thương con vô hạn, ông đã quyết định tự tay mình chữa và đã thành công ngay trong lần chữa trị đầu tiên. Cũng chính từ lần đó, những người hàng xóm trong thôn đã tìm đến ông mỗi khi họ hay người thân trong gia đình bị tai nạn hoặc gặp tổn thương nào đó. Tiếng lành đồn xa, càng ngày càng có nhiều người tìm đến nhờ ông giúp. Mới đầu thì các bệnh nhân trong thôn, trong xã, lâu dần thì đến các xã khác như: Quy Mông, Minh Tiến, Lương Thịnh... rồi xa hơn nữa có người bệnh từ Lào Cai cũng đến.

Có một điều đặc biệt là ông chữa bệnh cho tất cả mọi người điều miễn phí hoàn toàn, không hề lấy tiền công. "Tôi chữa bệnh bằng cái tâm, làm phúc giúp mọi người thôi, ai có bệnh tìm đến thì mình giúp, khả năng có bao nhiêu thì mình giúp bấy nhiêu" - ông tâm sự. Cứ thế thấm thoát đã 25 năm ông theo nghề và cũng không nhớ hết mình đã chữa bệnh cho bao nhiêu người mà nhiều trong số đó là những ca phức tạp. Đến cả Chủ tịch xã hiện nay là anh Triệu Đình Khoa từng bị ngã vỡ đầu gối, sau khoảng một tháng nhờ ông Yên chữa trị, đắp thuốc, anh đã có thể đi lại bình thường.

Rồi anh Dương Kim Yên bị ngã gãy xương đùi, cũng nhờ ông tận tình chữa trị đã hồi phục hoàn toàn và lên đường làm nghĩa vụ quân sự. Đáng nhớ nhất là lần ông chữa trị cho một em bé gái mới 6 tháng tuổi bị ngã từ trên giường xuống gãy xương quai xanh, ông giúp cháu bé sớm trở lại lành lặn. Về dược liệu thì ngoài những cây thuốc có sẵn trong vườn tự trồng, ông phải lên rừng xuống suối để tìm thêm cây thuốc về bôi, đắp cho người bệnh. Công việc chữa bệnh cứu người của ông Yên luôn được tất cả mọi thành viên trong gia đình hết sức đồng tình, ủng hộ. Đặc biệt người bạn đời của ông luôn cổ vũ tinh thần cũng như gánh vác công việc gia đình, giúp ông yên tâm làm công việc đầy nghĩa tình này.

Ở bệnh viện, hình ảnh người thầy thuốc là phải mặc áo blu trắng nhưng thầy lang Lê Văn Yên là thầy thuốc mặc áo nông dân, trước cổng nhà không hề có biển quảng cáo, tên hiệu, vậy mà có rất nhiều người biết và tìm đến. Ông chính là niềm tự hào của cả gia đình, làng xã khiến ai cũng quý mến, cảm phục tài năng và tấm lòng. Người "thầy thuốc làng" thực sự xứng đáng với câu nói "Lương y như từ mẫu".

Nguyễn Thanh Tiến

Các tin khác
Mô hình chăn nuôi lợn của gia đình chị Đặng Thị Sinh thôn ngòi Tu xã Vũ Linh (Yên Bình) mỗi năm thu lãi trên 60 triệu đồng.

YBĐT - Ở xã Vũ Linh (Yên Bình - Yên Bái) rất nhiều người biết đến chị Đặng Thị Sinh - hội viên chi hội phụ nữ thôn Ngòi Tu là một tấm gương sáng trong lao động sản xuất. Chị là một trong những người đi đầu mạnh dạn phát triển mô hình chăn nuôi trên 100 con lợn và trở thành hộ chăn nuôi giỏi của xã.

Chị Xiêng đang hướng dẫn kỹ thuật dệt thổ cẩm cho các chị em trong tổ hợp.

YBĐT - Với việc thành lập tổ hợp thêu may thổ cẩm Nghĩa An, chị Điêu Thị Xiêng, dân tộc Thái ở bản Đêu 2 xã Nghĩa An, thị xã Nghĩa Lộ đã góp phần lưu giữ và phát triển nghề dệt truyền thống của dân tộc. Không những thế, tổ hợp thêu may thổ cẩm của chị Xiêng còn giải quyết việc làm cho hàng chục lao động nông nhàn địa phương.

YBĐT - Nhà ông Sùng A Hù cũng như bao gia đình người Mông khác ở xã Khau Mang, huyện Mù Cang Chải (Yên Bái), trước đây nghèo lắm. Vì chưa có kiến thức và vốn sản xuất nên muốn thoát đói nghèo cũng rất khó. Trăn trở mãi rồi ông Hù cũng tìm được cách làm giàu cho riêng mình.

Ông Cảnh chăm sóc đàn gà thương phẩm.

YBĐT - Ở xã Hoà Cuông, huyện Trấn Yên (Yên Bái), không ai không biết đến ông Phạm Văn Cảnh ở thôn 5, từ nghèo khó vươn lên giàu có nhờ mô hình kinh tế rừng - ao - chuồng.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục