Hiệp “quế”
- Cập nhật: Thứ ba, 14/7/2009 | 12:00:00 AM
YênBái - YBĐT - “Hiệp quế” là cái tên mà bà con thường gọi Hoàng Văn Hiệp, 45 tuổi, dân tộc Tày ở thôn 4, xã Châu Quế Thượng, huyện Văn Yên (Yên Bái).
Rời quân ngũ năm 1986, cuộc sống gia đình anh Hiệp gặp vô vàn khó khăn và cái đói, cái nghèo cứ đeo bám năm này qua năm khác. Trong hoàn cảnh đó, những câu hỏi đặt ra trong anh là cần phải làm như thế nào để thoát khỏi đói nghèo? Sau nhiều trăn trở cuối cùng anh cũng đã tìm được lối thoát cho gia đình mình.
Nhớ lại thời quân ngũ, anh đã từng được đi công tác tại, nhiều nơi thuộc các huyện vùng cao của hai tỉnh Lào Cai và Hà Giang, thấy đất đai, khí hậu ở đó khắc nghiệt và cằn cỗi hơn quê hương mình nhưng nhiều người ở đó vẫn có đủ cơm no, áo ấm là do họ biết áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, đồng thời họ luôn tích cực thâm canh tăng vụ, tăng năng suất cây trồng. Vì thế, với diện tích 5 sào ruộng của gia đình, anh đã đưa vào gieo cấy hai vụ bằng các giống lúa có năng suất cao, thu đạt 3 tấn thóc/năm. Với 3 ha đất nương, anh trồng ngô xen sắn. Bên cạnh đó, anh còn tận dụng diện tích đất đồi cỏ gianh ở xung quanh để trồng mía làm đường phên và chăn nuôi gia súc.
Theo cách nghĩ lấy ngắn nuôi dài, dần dần gia đình anh Hiệp thoát diện hộ đói. Nhưng anh Hiệp vẫn trăn trở nếu chỉ dựa vào ruộng nương thì sẽ không thể giầu được và anh nghĩ ngay đến việc trồng quế. Bằng cách nghĩ đó, anh đã mua quế giống từ Đại Sơn về trồng, bình quân mỗi năm nhà anh trồng từ 7000 - 8000 cây. Sau nhiều năm phát triển, đến nay gia đình anh đã có gần chục ha quế và bồ đề, riêng quế có 6 ha, cây to khoảng gần 20 năm tuổi, cây nhỏ 1 năm tuổi…
Khai thác bán tỉa quế mỗi năm thu về trên chục triệu đồng. Riêng năm. 2008 - 2009, gia đình anh Hoàng Văn Hiệp đã khai thác 3 ha quế thu về trên 100 triệu đồng và bằng số tiền thu nhập từ quế này, anh đã làm được nhà xây 2 tầng với diện tích 150 m2. Anh còn thuê máy mở một đoạn đường dài gần 1 km, tạo thuận lợi cho việc đi lại.
Ngoài việc trồng rừng, anh Hiệp còn tích cực phát triển chăn nuôi để phục vụ cho cuộc sống hàng ngày. Gia đình anh lúc nào cũng có khoảng 100 con gà, vịt, 4 con lợn, 2 con trâu lấy sức kéo, 1 con ngựa thồ, trên dưới chục con dê và 3 ao thả cá. Nhờ có hướng phát triển kinh tế năng động, gia đình anh đã từ hộ nghèo vươn lên trở thành hộ giàu và có điều kiện cho các con đến trường.
Ngoài việc làm giàu cho bản thân, anh còn là một cựu chiến binh tích cực giúp đỡ các hội viên và bà còn hàng xóm. Hai hộ nghèo mà đã được anh giúp đỡ tích cực là hộ ông Lê Quang Trung dân tộc kinh và hộ ông Thào A Chu dân tộc Mông cùng ở thôn 8 cả về đất ở, đất sản xuất và đến nay cả hai gia đình ông Trung và ông Chu đều đã thoát nghèo trở thành hộ khá giả.
Là một cựu chiến binh, kiêm Bí thư chi bộ thôn 4, anh Hiệp luôn là tấm gương sáng cho bà con noi theo.
Sùng Đức Hồng
Các tin khác
YBĐT – Hàng ngày, người đàn ông này vẫn lên rừng chăm sóc 8 ha keo, trên 3 ha sắn và chè, những lúc rảnh rỗi anh lại len lỏi khắp nơi để tuyên truyền, động viên, khuyên nhủ những người nhiễm H (HIV/AIDS) không tiêm chích ma túy, không buồn chán nữa mà hãy vui vẻ, sống có ích cho gia đình và xã hội, phòng tránh lây nhiễm cho mọi người.
YBĐT - Ở thôn Quyết Tiến, xã Y Can, huyện Trấn Yên (Yên Bái) hẳn ai cũng biết đến ông Lê Văn Yên, thầy lang đã hơn 20 năm bốc thuốc trị bệnh cứu người. Bà con trong xã gọi ông bằng cái tên trìu mến: Thầy thuốc làng.
YBĐT - Ở xã Vũ Linh (Yên Bình - Yên Bái) rất nhiều người biết đến chị Đặng Thị Sinh - hội viên chi hội phụ nữ thôn Ngòi Tu là một tấm gương sáng trong lao động sản xuất. Chị là một trong những người đi đầu mạnh dạn phát triển mô hình chăn nuôi trên 100 con lợn và trở thành hộ chăn nuôi giỏi của xã.
YBĐT - Với việc thành lập tổ hợp thêu may thổ cẩm Nghĩa An, chị Điêu Thị Xiêng, dân tộc Thái ở bản Đêu 2 xã Nghĩa An, thị xã Nghĩa Lộ đã góp phần lưu giữ và phát triển nghề dệt truyền thống của dân tộc. Không những thế, tổ hợp thêu may thổ cẩm của chị Xiêng còn giải quyết việc làm cho hàng chục lao động nông nhàn địa phương.