Anh “Ba gà”
- Cập nhật: Thứ tư, 15/7/2009 | 12:00:00 AM
YênBái - YBĐT - Anh Cao Ngọc Liên ở thôn Liên Hiệp, xã Minh Quân, huyện Trấn Yên (Yên Bái) là một cựu chiến binh (CCB) làm kinh tế giỏi, khiến mọi người trong xã rất khâm phục và gọi anh bằng cái tên trìu mến là “Ba gà”.
Anh Ba Liên đang chăm sóc đàn gà của gia đình.
|
Gần 10 năm tham gia quân ngũ, phục viên năm 1989, lập gia đình, ra ở riêng, lần lượt 4 đứa con ra đời trong điều kiện kinh tế khó khăn đã khiến anh Liên phải chạy đôn chạy đáo với bao nhiêu nghề, từ trồng đao riềng, luôn lợn, nuôi cá… song cuộc sống vẫn khó khăn. “Trong chiến đấu khó khăn gian khổ, mình còn vượt qua. Vậy mà, trong cuộc sống đời thường không nhẽ lại đầu hàng? - Anh tự nhủ như vậy.
Từ những suy nghĩ đó, với bản chất người lính Cụ Hồ, anh Liên đã mày mò tìm đọc qua sách báo, xem ti vi, đồng thời tìm đến những hộ làm kinh tế giỏi trong thôn, trong xã và các tỉnh bạn để học tập kinh nghiệm. Từ những chuyến đi thực tế, anh Liên đã chọn mô hình nuôi gà thịt là hướng đi chính trong phát triển kinh tế gia đình. Hơn 10 năm nuôi gà thịt, anh Liên đã tích luỹ được bao kinh nghiệm cùng ý chí và bản lĩnh người lính bộ đội Cụ Hồ đã tạo nên sự thành công của anh ngày hôm nay.
Có được bí quyết thành công đó, theo anh là cần phải tuân thủ theo phác đồ vác xin phòng bệnh đúng quy trình, chuồng trại chăn nuôi phải gọn gàng, ngăn nắp, tránh làm chuồng trại tại những nơi ẩm thấp và một yếu tố quyết định của việc nuôi gà thả vườn đó là phải chọn được những con giống khoẻ mạnh, có nguồn gốc, xuất xứ và nơi cung cấp giống phải đảm bảo độ tin cậy cao.
Với cách bố trí khu chăn nuôi hơn 1 ha vườn đồi cho nuôi gà thả vườn rất quy củ đã cho thấy rằng anh là một nông dân năng động, có đầu óc làm kinh tế. 6 sào ruộng cấy 2 vụ cấy lúa, vụ 3 trồng ngô, không những giúp gia đình anh đủ lương thực trong cả một năm mà mà còn dư thừa để phát triển chăn nuôi. Còn 6 sào ruộng một vụ lúa, một vụ cá, ngoài thu gần tấn thóc còn cung cấp thực phẩm cải thiện bữa ăn hàng ngày và mỗi năm thu trên 6 triệu đồng từ cá. Một năm gia đình anh nuôi từ 3 đến 4 lứa gà và năm thời tiết thuận lợi, anh nuôi nhiều đến 500 – 600 con. Trừ chi phí, thu nhập từ nuôi gà trên dưới 30 triệu đồng và tổng cộng các khoản mỗi năm gia đình anh cũng thu về 60 – 70 triệu đồng.
Năm 2006, để khôi phục lại đàn gia cầm sau dịch cúm, Trung tâm Khuyến nông tỉnh đã triển khai dự án nuôi gà sinh học với quy mô 5.000 con tại một số xã của thành phố Yên Bái và huyện Trấn Yên, song chỉ riêng có gia đình anh là mô hình đạt hiệu quả. Qua hơn 2 tháng nuôi thử nghiệm, trung bình mỗi con gà đã đạt từ 2,5 – 3 kg, hơn nữa hiệu quả mô hình này đã phần nào củng cố thêm niềm tin trong anh.
Từ 200 con gà an toàn sinh học cũng đem lại thu nhập hơn 10 triệu đồng cho gia đình. Tiếng lành đồn xa, đã có nhiều đoàn khảo sát từ các tỉnh khác đến tham quan học tập kinh nghiệm nuôi gà của gia đình anh. Từ kinh nghiệm thực tế của bản thân, anh đã tự đứng ra tổ chức 2 lớp tập huấn kiến thức về kinh nghiệm nuôi gà cho trên 60 học viên là những nông dân địa phương và còn tự biên soạn được một cuốn sách nói về những kỹ năng, kinh nghiệm trong việc nuôi gà thả vườn.
Để giảm thiểu chi phí trong chăn nuôi, tháng 1 năm 2009 anh “Ba gà” đã về tận Trung tâm Dê, thỏ Sơn Tây (Hà Nội) tham quan và mua 15 kg giống giun đỏ về nuôi để làm thức ăn cho gà. Theo anh và những hộ dân đã có kinh nghiệm về chăn nuôi thì dùng giun đỏ làm thức ăn cho gà rẻ hơn gấp 3 lần so với nuôi gà bằng thức ăn công nghiệp.
Mặt khác, nuôi giun rất đơn giản, chỉ cần một khung nhà xưởng tránh mưa nắng, phân chuồng và rơm rạ hoai mục là có thể nuôi được, không tốn nhiều công sức và đầu tư, phù hợp với chăn nuôi của nông thôn miền núi. Với 15 kg giun giống chỉ mất có 1,5 triệu đồng, qua hơn 3 tháng nuôi, sản lượng đã đạt trên 1 tạ, chỉ cần đầu tư giống lần đầu còn giun sẽ tự sinh sản. Với loại thức ăn là giun thì chất lượng gà thịt sẽ ngon hơn nhiều so với việc nuôi gà bằng thức ăn công nghiệp, gà ít bị mắc bệnh hơn. Từ hiệu quả và kinh nghiệm của việc nuôi giun đỏ, anh “Ba gà” đã cung cấp giống, hướng dẫn kỹ thuật nuôi giun cho nhiều hộ dân trong và ngoài tỉnh. Nhiều hộ dân tìm đến nhờ anh tư vấn về cách nuôi. Không dừng lại ở đó, anh “Ba gà” còn đầu tư máy móc làm cám viên để mở rộng quy mô chăn nuôi theo quy mô lớn.
Năng động và đầy ý chí quyết tâm làm giàu, CCB Cao Ngọc Liên thật sự là những người tiên phong trong công cuộc phát triển kinh tế, xây dựng nông thôn mới, xứng đáng với bản lĩnh bộ đội Cụ Hồ.
Thanh Tân
Các tin khác
YBĐT - “Hiệp quế” là cái tên mà bà con thường gọi Hoàng Văn Hiệp, 45 tuổi, dân tộc Tày ở thôn 4, xã Châu Quế Thượng, huyện Văn Yên (Yên Bái).
YBĐT – Hàng ngày, người đàn ông này vẫn lên rừng chăm sóc 8 ha keo, trên 3 ha sắn và chè, những lúc rảnh rỗi anh lại len lỏi khắp nơi để tuyên truyền, động viên, khuyên nhủ những người nhiễm H (HIV/AIDS) không tiêm chích ma túy, không buồn chán nữa mà hãy vui vẻ, sống có ích cho gia đình và xã hội, phòng tránh lây nhiễm cho mọi người.
YBĐT - Ở thôn Quyết Tiến, xã Y Can, huyện Trấn Yên (Yên Bái) hẳn ai cũng biết đến ông Lê Văn Yên, thầy lang đã hơn 20 năm bốc thuốc trị bệnh cứu người. Bà con trong xã gọi ông bằng cái tên trìu mến: Thầy thuốc làng.
YBĐT - Ở xã Vũ Linh (Yên Bình - Yên Bái) rất nhiều người biết đến chị Đặng Thị Sinh - hội viên chi hội phụ nữ thôn Ngòi Tu là một tấm gương sáng trong lao động sản xuất. Chị là một trong những người đi đầu mạnh dạn phát triển mô hình chăn nuôi trên 100 con lợn và trở thành hộ chăn nuôi giỏi của xã.