Sáng mãi phẩm chất bộ đội cụ Hồ
- Cập nhật: Thứ ba, 21/7/2009 | 12:00:00 AM
YênBái - YBĐT - Vượt lên để chiến thắng đói nghèo và trở thành một trong những điển hình làm kinh tế giỏi của địa phương, đó là ý chí quyết tâm của người thương binh 4/4 Đỗ Quốc Nhuận, thôn Văn Thi 4, xã Sơn Thịnh, huyện Văn Chấn (Yên Bái).
Sinh ra và lớn lên trên mảnh đất Hưng Yên, theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, chàng thanh niên Đỗ Quốc Nhuận hăng hái lên đường. Gần 10 năm tham gia kháng chiến chống Mỹ ở chiến trường Tây Nguyên, rời quân ngũ trở về địa phương với những vết thương của bom đạn trên người.
Lập gia đình, lần lượt 3 đứa con ra đời trong điều kiện kinh tế khó khăn đã khiến cho gánh nặng gia đình cứ mãi đè nặng lên vai người lính. Không chịu đầu hàng trước đói nghèo, song với diều kiện kinh tế của địa phương, có cố gắng mấy cũng chỉ đủ ăn chứ không dư giả gì. Năm 1991 có chính sách của Đảng, Nhà nước di dân lên vùng kinh tế mới, ông đã cùng gia đình khăn gói lên đường lập nghiệp tại mảnh đất mới Sơn Thịnh.
Những bỡ ngỡ ngày đầu lập nghiệp tại vùng đất mới rồi cũng qua nhanh nhường lại cho ý chí và quyết tâm làm giàu của người lính Cụ Hồ. Lấy sản xuất thâm canh cây lúa cây chè, phát triển chăm nuôi làm hướng đi chính trong phát triển kinh tế gia đình. Tìm đọc sách báo, chịu tìm đến thăm quan các mô hình làm kinh tế giỏi trong xã, trong huyện để đúc rút cho mình những kinh nghiệm trong phát triển kinh tế gia đình.
Có chính sách giao đất giao rừng của Nhà nước, ông đã mạnh dạn nhận hơn 10 ha diện tích đất hoang hoá rồi vay mượn để cải tạo phát triển kinh tế đồi rừng. Đối với diện tích đất dốc ông trồng keo, bạch đàn, những diện tích đất bằng phẳng ông tập trung cải tạo trồng chè kinh doanh, các loại cây ăn quả, cây lương thực ngắn ngày phục vụ nhu cầu chăn nuôi.
Khi rừng chưa khép tán, ông tận dụng trồng sắn, ngô mỗi năm một vụ cũng giúp gia đình ông có đồng ra đồng vào, bên cạnh đó với diện tích hơn 2 ha chè kinh doanh mỗi, bình quân 2 tháng 3 lứa chè, gia đình ông cũng thu về gần 20 triệu đồng. Với diện tích đồi rừng, đồng cỏ rộng, đã có lúc ông nuôi hàng chục con dê, trâu bò.
Các con ông đã khôn lớn trưởng thành lập nghiệp ở xa, chỉ có hai ông bà và cô con gái út lấy chồng gần nhà, không có lao động nên ông đã bán hết đàn gia súc để tập trung làm kinh tế đồi rừng.
Gần 20 năm trên vùng đất mới, bằng ý chí, quyết tâm của người lính Cụ Hồ, ông đã biến những ước mơ của mình thành hiện thực. Cả một vùng đất gò bãi hoang hoá năm nào giờ đã phủ kín một màu xanh no ấm của chè, rừng cây kinh tế. Ngôi nhà xây khang trang nổi bật giữa thôn, một mô hình kinh tế tổng hợp với tổng thu nhập trên 70 triệu đồng/năm là minh chứng cho phẩm chất người lính cụ Hồ năm xưa.
Không chỉ biết làm giàu cho gia đình mà với bản chất của người lính bộ đội Cụ Hồ năm xưa, ông thường xuyên giúp đỡ các hội viên trong hội CCB xã vươn lên thoát nghèo. Nhiều hộ gia đình áp dụng mô hình chăn nuôi sản xuất của gia đình ông mà đã trở nên khá giả cùng nhau làm giàu cho quê hương.
Tân - Ba
Các tin khác
YBĐT - Anh Cao Ngọc Liên ở thôn Liên Hiệp, xã Minh Quân, huyện Trấn Yên (Yên Bái) là một cựu chiến binh (CCB) làm kinh tế giỏi, khiến mọi người trong xã rất khâm phục và gọi anh bằng cái tên trìu mến là “Ba gà”.
YBĐT - “Hiệp quế” là cái tên mà bà con thường gọi Hoàng Văn Hiệp, 45 tuổi, dân tộc Tày ở thôn 4, xã Châu Quế Thượng, huyện Văn Yên (Yên Bái).
YBĐT – Hàng ngày, người đàn ông này vẫn lên rừng chăm sóc 8 ha keo, trên 3 ha sắn và chè, những lúc rảnh rỗi anh lại len lỏi khắp nơi để tuyên truyền, động viên, khuyên nhủ những người nhiễm H (HIV/AIDS) không tiêm chích ma túy, không buồn chán nữa mà hãy vui vẻ, sống có ích cho gia đình và xã hội, phòng tránh lây nhiễm cho mọi người.
YBĐT - Ở thôn Quyết Tiến, xã Y Can, huyện Trấn Yên (Yên Bái) hẳn ai cũng biết đến ông Lê Văn Yên, thầy lang đã hơn 20 năm bốc thuốc trị bệnh cứu người. Bà con trong xã gọi ông bằng cái tên trìu mến: Thầy thuốc làng.