“Còn sức còn giúp ích cho đời”

  • Cập nhật: Thứ năm, 17/9/2009 | 12:00:00 AM

YênBái - YBĐT - 70 năm tuổi đời, gần 40 năm tuổi Đảng, vinh dự năm lần được gần Bác Hồ, cho đến bây giờ, ông Nguyễn Ngọc Hoan - Bí thư Chi bộ 11, phường Pú Trạng, thị xã Nghĩa Lộ (Yên Bái) vẫn không ngừng cống hiến cho cộng đồng và xã hội. Ông là một điển hình trong cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” của thị xã Nghĩa Lộ.

Năm lần vinh dự được gần Bác

Ông Hoan quê ở Nhập Tân, Tiên Lữ, Hưng Yên. Nhà nghèo song từ khi học phổ thông, cậu bé Hoan luôn là một học sinh xuất sắc của trường. Vì thế, trong dịp Bác Hồ về dự tổng kết công tác thủy lợi ở Hưng Yên, cậu bé Hoan đã được chọn cùng Đội Thiếu niên tiền phong thôn An Trạch, xã Nhập Tân đi đón Bác. Lần khác, cậu bé Hoan lại là một trong những thiếu niên tiêu biểu được đi đón Bác về thăm công trình kết nghĩa giữa Hưng Yên và Tân An đào sông Báo Đáp ở khu vực xã Ngô Quyền (Tiên Lữ, Hưng Yên).

Năm 1962, cậu bé Hoan ngày nào đã trở thành sinh viên Trường Trung cấp Thể dục Thể thao ở Thanh Xuân - Hà Nội. Trong sự kiện đón Phó chủ tịch nước Trung Quốc sang thăm tại Quảng trường Ba Đình, Trường Trung cấp Thể dục Thể thao có một tiết mục biểu diễn võ cổ truyền chào mừng, lần này Nguyễn Ngọc Hoan cũng được tham gia biểu diễn. Năm 1963, trong sự kiện đón Tổng thống In-đô-nê-xi-a sang thăm Việt Nam, Nguyễn Ngọc Hoan và đoàn võ thuật của nhà trường lại tham gia biểu diễn tại Quảng trường Ba Đình.

Và lần thứ năm được gần Bác ở khoảng cách rất gần, đến bây giờ mỗi khi nhớ lại, ông đều bồi hồi, xúc động: “Tôi cứ nghĩ rằng, Bác là Chủ tịch nước bận trăm công nghìn việc, không có thời gian quan tâm đến phong trào thể dục thể thao. Thế nhưng trong lần chúng tôi biểu diễn, một sinh viên do mải nhìn Bác nên đã biểu diễn sai một động tác. Bác đã xuống sân và chỉnh lại động tác cho sinh viên đó bằng hành động chứ không nói một lời nào, đúng với tác phong của một người thầy trong võ thuật. Hình ảnh đó sau này đã được thầy cô trong trường chúng tôi đưa vào thảo luận rất nhiều. Còn tôi, qua những lần được thấy Bác, tôi rất vinh dự và đó là động lực để tôi không ngừng phấn đấu, học tập, rèn luyện, cống hiến cho quê hương, đất nước”.

Khi ra trường, ông Hoan đã xung phong lên công tác tại Tây Bắc, trở thành thầy giáo của Trường cấp 2 + 3 thị xã Nghĩa Lộ, rồi Trường Sư phạm 12 + 2 Nghĩa Lộ với nhiều thành tích trong công tác và sớm được đứng trong hàng ngũ của Đảng.

“Còn sức còn giúp ích cho đời”

Bây giờ, đã gần 20 năm nghỉ hưu nhưng cũng bằng đó thời gian, ông Hoan không ngơi nghỉ mà tiếp tục cống hiến trên cương vị của một Bí thư Chi bộ tổ dân phố. Nhìn lịch sinh hoạt hàng tháng cũng đủ biết ông khá bận rộn: ngày 5 họp Chi bộ, ngày 6 báo cáo Đảng ủy phường, từ ngày 7 đến 15 họp tổ dân phố, ngày 20 giao ban giữa các chi bộ với Đảng ủy phường, các ngày khác lại tranh thủ dự hoạt động của các đoàn thể, đi vận động ủng hộ, quyên góp... Với sự nhiệt tình và tinh thần trách nhiệm cao, ông đã cùng Chi bộ lãnh đạo tổ dân phố xây dựng quy ước tổ dân phố văn hóa, điều tra khảo sát các hộ dân theo tiêu chí giàu - nghèo, xem xét các điều kiện về hạ tầng cơ sở, đường dân sinh, môi trường... 

Qua đó đề ra các giải pháp để có thể làm đường bê tông trong tổ, xây nhà văn hóa cũng như giúp các hộ xóa đói giảm nghèo như tạo điều kiện cho các hộ gia đình vay vốn phát triển nghề phụ: làm chổi chít, đan rổ rá, nuôi ong, làm vườn. Đến nay, Tổ dân phố 11 không còn hộ nghèo, 80% hộ có nhà xây, 100% hộ có phương tiện nghe nhìn, 95% hộ có xe máy, 100% hộ dùng nước sạch... Đường bê tông và nhà văn hóa của tổ cũng đã hoàn thành.

Bản thân ông Hoan và gia đình luôn làm gương cho bà con thôn xóm, trong đó phải kể đến sự dũng cảm của ông trong việc góp phần giữ gìn an ninh trật tự. Vết sẹo ở chân vẫn còn, đó là chứng tích sau lần vật lộn với kẻ gian hồi đầu tháng 4/2009 khi ông phát hiện kẻ gian đột nhập vào một nhà dân ăn trộm. Ông đã hô hoán và trực tiếp đấu tranh với hai tên trộm, sau đó phối hợp với Công an phường điều tra, bắt giữ. Ông cho biết một trong số đối tượng này đã đến gia đình ông uy hiếp, dọa dẫm nhưng với sự mưu trí và bằng cả tấm lòng, ông đã cảm hóa được. Đây là lần thứ ba, ông trực tiếp bắt kẻ gian, nhiều người bảo ông quá liều. Còn người Bí thư Chi bộ ấy thì hành động chỉ với một suy nghĩ đơn giản: “Còn sức còn giúp ích cho đời bằng những việc làm thiết thực”.

Hoàng Linh

Các tin khác

YBĐT - Là người nông dân quanh năm quen với cảnh một nắng hai sương cũng chỉ dám mong có đủ ăn, đủ mặc chứ ít ai dám nghĩ đến việc làm giàu. Đó là suy nghĩ của đa số những người nông dân một số xã ở Trấn Yên, bởi diện tích đất nông nghiệp bình quân trên đầu người còn thấp và đa phần là đất cằn cỗi, bạc màu. Vậy mà trái với những suy nghĩ ấy, nông dân Phí Đắc Hùng ở thôn Thịnh An, xã Quy Mông vẫn đang ngày ngày làm giàu cho bản thân và cho quê hương bằng sự thông minh, cần cù của mình.

YBĐT - Mặc dù định cư tại tổ 2, thị trấn Yên Bình (huyện Yên Bình) chưa lâu, song thương binh 4/4 - Trần Công Hùng được hội viên cựu chiến binh cũng như người dân địa phương khâm phục bởi ý chí và nghị lực vượt khó làm giàu.

YBĐT - Người dân Hán Đà huyện Yên Bình (Yên Bái), ai cũng biết đến gia đình ông Đặng Văn Hãnh ở thôn Hồng Quân là một trong những hộ chăn nuôi giỏi vào hạng nhất nhì ở xã này.

YBĐT - Bà Nguyễn Thị Quế trước kia ở huyện Yên Bình, sau đó bà cùng gia đình lên Văn Yên (Yên Bái) xây dựng vùng kinh tế mới và gắn bó với thôn Khe Cỏ xã An Thịnh suốt hơn 40 năm qua. Nhớ lại mấy chục năm về trước, do biết tiếng của đồng bào dân tộc thiểu số lại có văn hóa, bà được mời làm giáo viên giảng dạy cho con em đồng bào các xã Đại Sơn, An Thịnh.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục