Thoát nghèo nhờ nuôi thỏ
- Cập nhật: Thứ hai, 7/12/2009 | 12:00:00 AM
YênBái - YBĐT - Bắt đầu bằng hai bàn tay trắng như rất nhiều đôi vợ chồng trẻ khác, nhưng nhờ chịu khó học hỏi mà vợ chồng anh Phạm Đức Toàn và chị Nguyễn Thị Điểm ở tổ 8, phường Yên Thịnh (thành phố Yên Bái) đã thoát nghèo và bắt đầu làm giàu.
Tham quan, trao đổi kinh nghiệm nuôi thỏ tại Câu lạc bộ nuôi thỏ phường Yên Thịnh (TP. Yên Bái).
|
Xây dựng gia đình đã mười năm nay, cuộc sống ban đầu vô cùng khó khăn đối với đôi vợ chồng trẻ. Bố mẹ già yếu, gia đình đông anh em lại thêm đất đai canh tác ít nên không thể giúp đỡ anh chị được nhiều. Làm rất nhiều nghề để kiếm sống nhưng cuộc sống vẫn rất bấp bênh, thu nhập không ổn định, anh chị thấy cần phải tìm ra hướng đi mới cho gia đình mình.
Sau một thời gian mò mẫm thử nghiệm, anh Toàn nhận thấy con thỏ phù hợp với điều kiện gia đình: không cần diện tích chuồng trại lớn; vốn đầu tư thấp, có thể tận dụng nguồn thức ăn có sẵn trong tự nhiên; thỏ lại sinh sản nhanh (một con thỏ mẹ một năm có thể cho 40 con thỏ con và thời gian nuôi ngắn), một lứa thỏ trong vòng bốn tháng đã có thể xuất chuồng... Vì vậy, năm 2007, nhận được 5 triệu đồng vốn vay của Quỹ tín dụng nhân dân phường Yên Thịnh, anh chị đã đầu tư nuôi lứa thỏ đầu tiên gồm 7 con thỏ sinh sản. Vạn sự khởi đầu nan, thời gian đầu bắt tay vào chăn nuôi không phải không có những khó khăn. Do chưa có kinh nghiệm nên thỏ bị chết mà không rõ nguyên nhân.
Không nản chí, anh đã đến Trung tâm Nghiên cứu dê và thỏ ở Sơn Tây để học cách nuôi khoa học và đi thăm quan học hỏi kinh nghiệm từ các trang trại nuôi thỏ thành công ở Hải Dương, Nam Định, Thái Bình...và tự tìm hiểu qua sách báo để ứng dụng những tiến bộ KHKT vào chăn nuôi. Năm đầu tiên nuôi thỏ, gia đình anh Toàn đã thu được 20 triệu đồng. Anh trả được vốn vay cho Quỹ Tín dụng phường và còn có tiền để tiếp tục đầu tư. Sau 3 năm thực hiện, nay trong gần 100 ô chuồng của gia đình thường xuyên có 200 con thỏ các loại, trong đó có gần 100 con thỏ giống. Với giá thỏ thịt là 50.000đồng/kg và thỏ giống là 80.000đồng/kg, trang trại của anh chị cho thu nhập ổn định 120 triệu đồng mỗi năm, trừ chi phí còn được 50 triệu đồng.
Sẽ không nói quá chút nào nếu gọi anh Toàn là “chuyên gia về thỏ”. Anh có thể dễ dàng phân biệt các giống thỏ Niu-di-lân, thỏ Ca-li-phoóc-ni-a hay nắm rõ từng giai đoạn sinh trưởng của thỏ để chăm sóc hợp lý. Anh nắm rõ các loại bệnh mà thỏ hay mắc phải như: bệnh ghẻ, bệnh cầu trùng, bệnh viêm ruột... hoặc cách cho thỏ ăn hợp lý để tiết kiệm thức ăn mà vẫn cho hiệu quả kinh tế cao. Để đàn thỏ phát triển tốt, đem lại hiệu quả kinh tế, anh đặc biệt chú trọng khâu tiêm phòng. Phòng bệnh cho thỏ ngay sau khi thỏ tập ăn bằng cách trộn thuốc vào thức ăn và khi thỏ được 2 tháng tuổi sẽ bắt đầu tiêm các văcxin phòng bệnh bại huyết và viêm ruột..
Gia đình anh Toàn không chỉ biết cách thoát nghèo và bắt đầu vươn lên làm giàu từ nuôi thỏ mà anh chị còn tận tình hướng dẫn các hộ khác cũng biết cách chăn nuôi thỏ ở rất nhiều nơi như: Văn Chấn, Văn Yên (Yên Bái), Tuyên Quang, Phú Thọ... Hiện nay anh Toàn là hội viên của Hội Chăn nuôi thỏ Việt Nam và là Chủ nhiệm Câu lạc bộ nuôi thỏ của phường Yên Thịnh. Anh đã mạnh dạn mang sản phẩm của mình tham dự Hội chợ Khuyến nông năm 2008 và Hội chợ Thương mại kích cầu tiêu dùng năm 2009.
Hồng Khanh
Các tin khác
YBĐT - “Được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước đến đồng bào vùng cao, vùng dân tộc thiểu số, đồng bào Xa Phó chúng tôi đã có cơm ăn áo mặc. Bản thân tôi được tham gia nhiều lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật nên đã mạnh dạn đầu tư vào phát triển kinh tế. Đến nay, gia đình tôi đã có của ăn của để, các cháu được học hành tiến bộ...”. Đó là lời tâm sự chân thành, cởi mở của ông Lương Minh Các, người dân tộc Xa Phó, ở thôn 7, xã Châu Quế Thượng (huyện Văn Yên) khi nói về những đổi thay của gia đình và địa phương.
YBĐT - Nhỏ nhắn và dịu dàng, đó là cảm nhận đầu tiên của chúng tôi khi gặp cô giáo Nguyễn Thị Xuân Thủy – một trong những thầy, cô giáo đạt thành tích cao trong phong trào thi đua “Hai giỏi” của Trường tiểu học Nguyễn Trãi (thành phố Yên Bái).
YBĐT - Với niềm trăn trở tìm cách thoát nghèo năm 2001 anh Hoàng Văn Hậu ở thôn 5 xã Tân Đồng, huyện Trấn Yên (Yên Bái) đã đi học nghề trồng dâu nuôi tằm ở Vĩnh Phúc về làm thử nghiệm tại gia đình. Những ngày đầu dù đã say sưa chăm chút nhưng những lứa tằm nuôi đầu tiên do thiếu kinh nghiệm nên chết rất nhiều. Không nản chí, anh tiếp tục vừa làm vừa học, vừa rút kinh nghiệm để có bằng được thành công.
YBĐT - Nhìn ngôi trường khang trang sạch sẽ với những lớp học gọn gàng, khuân viên rộng rãi thoáng mát cùng những cô bé, cậu bé hồn nhiên thông minh, ít ai nghĩ Trường tiểu học Nam Cường, thành phố Yên Bái đã có những lúc chỉ còn có hơn 70 em học sinh. Cơ sở vật chất cũ nát, chất lượng dạy và học không đáp ứng yêu cầu đã khiến cho nhiều gia đình tìm mọi cách để xin chuyển trường cho con em họ. Những giáo viên trẻ có trình độ cũng lần lượt xin chuyển trường. Đó là những khó khăn mà khi cô giáo Bùi Thị Hồng Như bắt đầu đảm nhận nhiệm vụ hiệu trưởng nhà trường từ năm học 2006 - 2007.