Người thầy của bản
- Cập nhật: Thứ ba, 8/12/2009 | 12:00:00 AM
YênBái - YBĐT - Với tấm lòng nhiệt huyết yêu nghề và sự thấu hiểu, chia sẻ với những khó khăn, thiếu thốn của các em học sinh vùng đồng bào dân tộc thiểu số, thầy Phấn luôn nỗ lực cố gắng, phấn đấu hết mình để xứng đáng với niền tin yêu, niềm tự hào là người thầy của Bản.
Thầy giáo Lý Văn Phấn người dân tộc Dao trắng, hiện đang là giáo viên của Trường tiểu học Vừ A Dính xã Động Quan huyện Lục Yên (Yên Bái). Là người con sinh ra và lớn lên trên chính mảnh đất này, chứng kiến rất nhiều thế hệ bà con đồng bào dân tộc trong thôn bản mình đọc không thông, viết không thạo còn trẻ em thì hầu hết bỏ học ở nhà để đi chăn trâu, cắt cỏ, làm ruộng... không đến trường, đến lớp. Chính điều ấy đã thôi thúc thầy quyết tâm, hành trình đi tìm “ cái chữ ” để truyền đạt lại những kiến thức cho đồng bào con em dân tộc mình.
Sinh ra trong một gia đình có 10 anh, chị em nên điều kiện hoàn cảnh kinh tế gia đình còn gặp nhiều khó khăn, nhưng với ý chí và lòng quyết tâm, vừa di học, vừa đi lấy củi bán lấy tiền ăn học, thầy Phấn đã vượt qua khó khăn, vất vả, để theo đuổi niềm ước mơ của mình được trở thành người thầy giáo của Bản.
Năm 1995 sau khi tốt nghiệp lớp sư phạm 9 + 1, rồi tiếp tục theo học lớp sư phạm 12 + 2 tại thị xã Nghĩa Lộ. Thầy Phấn được phân công về giảng dạy tại phân hiệu thôn 14, 15 xã Động Quan. Trước đó, thầy cũng đã từng là người tham gia dạy xoá mù cho bà con trong thôn bản.
Những năm trước đây, hầu hết đối với các em học sinh khi bước vào lớp 1 đều không biết nói, hiểu được tiếng phổ thông, đây cũng chính là những khó khăn, trở ngại lớn đối với các thầy, cô giáo ở miền xuôi lên công tác tại trường, còn đối với thầy Phấn là người dân địa phương lại thông thạo các thứ tiếng dân tộc Tày, Nùng, Dao..đó là điệu kiện thuận lợi đối với thầy trong khi giảng dạy, trò chuyện tiếp xúc với học sinh.
Với 9 năm liên tục làm chủ nhiệm học sinh khối lớp 1, thầy Phấn luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, là người gần gũi, dìu dắt dạy bảo các em phấn đấu vươn lên trong học tập. Sáng tạo, tìm tòi phương pháp giảng dạy sao cho phù hợp với đặc thù của học sinh vùng đồng bào dân tộc, đối với nhiều từ ngữ khó hiểu thầy vừa là người dạy tiếng phổ thông, lại vừa dịch tiếng Dao. Với phương pháp giảng dạy như vậy đã giúp các em tiếp thu và hiểu bài một cách dễ dàng hơn.
Thôn 14 – 15 xã Động Quan là một trong thôn bản vùng đặc biệt khó khăn, 100% là đồng bào dân tộc Dao sinh sống, đời sống kinh tế còn nhiều khó khăn, trình độ dân trí còn nhiều hạn chế nên việc đầu tư cho con cái học hành không mấy được quan tâm. Vì vậy, việc vận động học sinh ra lớp gặp không ít khó khăn. Thầy Phấn tâm sự : " Có nhiều lần đi vận động học sinh ra lớp, đến nhà phụ huynh thì không muốn cho con đi học, còn học sinh thì sợ thầy giáo bắt đến lớp học nên bỏ trốn vào rừng ".
Ngoài giờ dạy học ở trên lớp, thầy Phấn đã dành thời gian đi xuống tới từng thôn bản “ Đến từng ngõ, gõ từng nhà” để tuyên truyền, vận động, giải thích thuyết phục bằng cách đơn giản, dễ hiểu nhất đó là muốn thoát nghèo trước tiên phải biết “ cái chữ ” thì mới áp dụng KHKT vào sản xuất... Bằng cách làm ấy, thế rồi dần dần bà con trong bản cũng hiểu ra, nhận thấy lợi ích của việc học hành và cho con em mình đến lớp, đến trường ngày một đông.
Với tấm lòng nhiệt huyết yêu nghề và sự thấu hiểu, chia sẻ với những khó khăn, thiếu thốn của các em học sinh vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Thầy Phấn luôn nỗ lực cố gắng, phấn đấu hết mình để có thể đem được " cái chữ " đến với con em mình, để xứng đáng với niền tin yêu, niềm tự hào là người thầy của Bản.
Đức Toàn
Các tin khác
YBĐT - Bắt đầu bằng hai bàn tay trắng như rất nhiều đôi vợ chồng trẻ khác, nhưng nhờ chịu khó học hỏi mà vợ chồng anh Phạm Đức Toàn và chị Nguyễn Thị Điểm ở tổ 8, phường Yên Thịnh (thành phố Yên Bái) đã thoát nghèo và bắt đầu làm giàu.
YBĐT - “Được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước đến đồng bào vùng cao, vùng dân tộc thiểu số, đồng bào Xa Phó chúng tôi đã có cơm ăn áo mặc. Bản thân tôi được tham gia nhiều lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật nên đã mạnh dạn đầu tư vào phát triển kinh tế. Đến nay, gia đình tôi đã có của ăn của để, các cháu được học hành tiến bộ...”. Đó là lời tâm sự chân thành, cởi mở của ông Lương Minh Các, người dân tộc Xa Phó, ở thôn 7, xã Châu Quế Thượng (huyện Văn Yên) khi nói về những đổi thay của gia đình và địa phương.
YBĐT - Nhỏ nhắn và dịu dàng, đó là cảm nhận đầu tiên của chúng tôi khi gặp cô giáo Nguyễn Thị Xuân Thủy – một trong những thầy, cô giáo đạt thành tích cao trong phong trào thi đua “Hai giỏi” của Trường tiểu học Nguyễn Trãi (thành phố Yên Bái).
YBĐT - Với niềm trăn trở tìm cách thoát nghèo năm 2001 anh Hoàng Văn Hậu ở thôn 5 xã Tân Đồng, huyện Trấn Yên (Yên Bái) đã đi học nghề trồng dâu nuôi tằm ở Vĩnh Phúc về làm thử nghiệm tại gia đình. Những ngày đầu dù đã say sưa chăm chút nhưng những lứa tằm nuôi đầu tiên do thiếu kinh nghiệm nên chết rất nhiều. Không nản chí, anh tiếp tục vừa làm vừa học, vừa rút kinh nghiệm để có bằng được thành công.