Nữ bác sĩ bền bỉ chống lao
- Cập nhật: Thứ sáu, 24/12/2010 | 2:51:43 PM
YBĐT - Hơn ba mươi năm chuyên tâm cho công tác khống chế bệnh lao, Phó Giám đốc Trung tâm Phòng chống bệnh xã hội tỉnh, bác sỹ, thầy thuốc ưu tú Nguyễn Thị Đề đã trở thành gương mặt quen thuộc trên khắp các phường xã, thôn bản của tỉnh.
|
Bước chân của chị và các đồng nghiệp hình như vẫn chưa muốn ngừng nghỉ dù tỷ lệ dân nhiễm lao trên địa bàn đã rất thấp.
Có lẽ cuộc sống nhiều khốn khó của những bệnh nhân lao luôn làm bác sĩ Nguyễn Thị Đề day dứt, bận tâm vì thế chị đã bắt đầu câu chuyện nghề nghiệp của mình với hình ảnh về những bệnh nhân lao. Đa phần họ đều rất nghèo và bị cộng đồng xa lánh, nên cuộc sống đã khổ lại càng khó khăn, nhọc nhằn gấp bội. Chuyện nhiều bệnh nhân của chị không có tiền đi tàu xe để đến khám bệnh là bình thường.
Có lần đi thăm khám tại nhà người bệnh, ở đó đến cái ghế để ngồi để khám bệnh cũng không có. Bác sĩ Đề cho hay: “Bệnh nhân lao có đến 80% là người nghèo. Thời gian điều trị bệnh lại rất dài, đến 8 tháng. Vậy nên không chỉ người bệnh mà nếu cán bộ làm công tác chống lao không kiên trì, không có tâm huyết và không có lương tâm thì không thể điều trị được”.
Hơn ba mươi năm trước, cô bác sỹ đa khoa Nguyễn Thị Đề tốt nghiệp Đại học Y Thái Nguyên về nhận công tác Trạm Khám lao của tỉnh. Ngày đầu đi làm, tiếp xúc với bệnh nhân lao, chị không khỏi bận lòng. Lại nhìn sang bạn bè đồng trang lứa trong màu áo blue trắng, làm việc ở các bệnh viện lớn càng khiến chị thấy lòng tủi tủi.
Nhưng chưa đầy một tuần tiếp xúc với các bệnh nhân của mình, bao băn khoăn qua đi nhanh chóng: “Sau mấy ngày làm công tác lưu động đi khám chữa bệnh cho nhân dân ở các xã, các thôn bản, trực tiếp chứng kiến nhiều cảnh đời của những người mắc lao đã khổ lại còn khó, những bận lòng trong tôi không còn nữa, chỉ còn lại suy nghĩ làm thế nào để những bệnh nhân lao vơi bớt khó khăn”.
Trước năm 1986, số người bị lao không thể thống kê vì chưa từng có một chiến dịch điều tra toàn địa bàn. Cộng đồng mấy người hiểu rõ bản chất của bệnh, người bị bệnh càng không đi khám chữa vì đều cho rằng bệnh lao là một trong “tứ chứng nan y”. Trạm Chống lao Yên Bái chỉ có hai bác sỹ, cơ sở vật chất quá đơn sơ. May thay cho chị Đề và các đồng nghiệp, sau đó, chương trình chống lao trở thành một trong những chương trình mục tiêu quốc gia.
Từ đây, các chị đã có những điều kiện ban đầu để chiến đấu chống lại căn bệnh này. Từ năm 1996 đến 2002 có thời điểm số bệnh nhân lao lên đến hàng nghìn người, nhưng với những nỗ lực của chị Đề và các đồng nghiệp, tỉ lệ số bệnh nhân lao trên địa bàn tỉnh hiện nay chỉ còn 40/100 nghìn dân, trong khi tỉ lệ trung bình của cả nước lên đến 145/100 nghìn dân. Để có những kết quả ấy, trong hơn 30 năm qua, bước chân chị Nguyễn Thị Đề và các đồng nghiệp đã đi qua hầu khắp các thôn bản trên địa bàn tỉnh, để thăm khám, tuyên truyền, tư vấn...
Sự lăn lộn của các chị chẳng thể kể hết. Chỉ biết có những đêm ngủ lại rừng, có những mùa mưa đường trơn ngã lên ngã xuống. Có những buổi đi quên ăn quên nghỉ. Mệt mỏi là thế nhưng cứ vào đến bản, đến thôn, nhìn những bệnh nhân đang ngóng đợi họ là quên hết. Vội vàng bắt tay vào thăm khám, như thể sợ để thêm một chút thời gian nữa là người bệnh bỏ về hết.
Chính sự ân cần và quên mình đó đã khiến những người bệnh nhẹ lòng. Nhiều người dân vùng cao thấy các bác sỹ thân mật với bệnh nhân mới hiểu ra là bệnh không đến nỗi đáng sợ như mình tưởng. Từ đó, ý thức của người dân đối với căn bệnh nhẹ nhàng hơn rất nhiều. Chị Đề bảo, đến bây giờ, ngoài những kết quả về điều trị bệnh, chị tự hào vì mình đã có một đội ngũ cán bộ chuyên tâm với công tác chống lao. Đó là một điều không dễ dàng gì, bởi một lẽ đơn giản, nếu có một ai gắn bó với công tác chống lao thì đó chính là vì tấm lòng, nếu không thì chẳng ai có thể yên tâm trụ lại với công việc này quá mười năm.
Bác sỹ Nguyễn Thị Đề say sưa kể về những lần lên bản, rồi bỗng dưng quay lại với một nỗi lo mới. Hiện tại trên địa bàn tỉnh, tình hình bệnh nhân lao đồng nhiễm HIV diễn biến rất phức tạp. Số người nghiện ma túy, nhiễm HIV bị nhiễm lao tăng rất nhanh. Trung bình toàn quốc chỉ có 5% số người nhiễm HIV đồng nhiễm lao, số này ở Yên Bái là 13 đến 16%, vậy nên Yên Bái trở thành 1 trong 10 tỉnh có số bệnh nhân HIV đồng nhiễm lao cao nhất cả nước.
Việc điều trị cho số bệnh nhân này vô cùng khó hầu hết các bệnh nhân không cộng tác với bác sỹ. Trong quá trình điều trị, nguy cơ lây nhiễm bệnh từ các bệnh nhân là rất lớn. Đó là chưa kể tình trạng các bệnh nhân đang điều trị bỗng bỏ đi hoặc bỏ thuốc.
“Đại dịch HIV bùng nổ đã tước đoạt đi nhiều thành công của công tác chống lao mà mấy chục năm qua những người làm nhiệm vụ phòng chống lao trong toàn tỉnh, toàn quốc phải nỗ lực phấn đấu rất nhiều mới đạt được" - bác sỹ Đề băn khoăn. Hơn 30 năm miệt mài với công tác chống lao, giờ đây thực trạng này không khỏi khiến bác sỹ Đề lo lắng, nhất là khi ngày nghỉ chế độ của chị đang đến gần.
Thu Hạnh
Các tin khác
YBĐT - Đến thôn 8, xã Việt Thành (Trấn Yên), không ai là không biết đến chị Nguyễn Thị Chuyển - nguyên là cộng tác viên dân số, bởi những đóng góp và cống hiến của chị trong công tác DS/KHHGĐ của địa phương trong hơn 10 năm làm cộng tác viên.
YBĐT - "Ông nói mọi người tin, ông làm bà con tín nhiệm" - đó là nhận xét của Chủ tịch xã Nậm Lành (Văn Chấn) - Lý Kim Kinh về ông Mùa A Sử - Trưởng bản Ngọn Lành.
YBĐT - “Nuôi nhím là mô hình phát triển kinh tế, mang lại hiệu quả giá trị kinh tế cao hơn các loại vật nuôi khác mà đầu ra lại ổn định, hiện phong trào nuôi nhím ngày một được nhân rộng góp phần vào công cuộc xoá đói giảm nghèo ở nông thôn”. Đó là lời tâm sự của bác Trần Văn Đệ, 56 tuổi thôn Văn Tiên 3, xã Thượng Bằng La (Văn Chấn) - một điển hình phát triển kinh tế giỏi từ nuôi nhím.
YBĐT - Ở thôn Mầu, thị trấn Mậu A, huyện Văn Yên (Yên Bái) mọi người khen gia đình chị Vũ Thị Thiết khéo làm ăn, giỏi áp dụng khoa học kỹ thuật vào chăn nuôi.