Bí thư chi bộ làm kinh tế giỏi
- Cập nhật: Thứ hai, 12/11/2012 | 3:30:36 PM
YBĐT - Đó là anh Trần Văn Đa ở thôn Ngọn Ngòi, xã Minh Quân, huyện Trấn Yên. Hơn 2 năm chăn nuôi, đàn thỏ của gia đình anh Đa đã liên tục phát triển, mỗi năm anh đã thu về hơn 100 triệu đồng từ việc buôn bán thỏ.
Anh Trần Văn Đa bên chuồng nuôi thỏ của gia đình.
|
Sau khi hoàn thành nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc, năm 1987 anh Trần Văn Đa ở thôn Ngọn Ngòi, xã Minh Quân, huyện Trấn Yên đã trở về với đời thường. Cuộc sống của gia đình anh gặp không ít khó khăn, thiếu thốn, nhưng với bản chất anh bộ đội Cụ Hồ, không cam chịu đói nghèo, không lùi bước trước khó khăn, anh bắt tay vào việc phát triển kinh tế gia đình bằng mô hình trang trại tổng hợp.
Song, do thiếu kinh nghiệm nên khi anh làm các mô hình đều kém hiệu quả. Anh đã quyết tâm đi tìm hiểu các mô hình của bạn bè để chọn cho mình những mô hình đảm bảo hiệu quả, cuối cùng, anh đã đầu tư phát triển mô hình chăn nuôi thỏ và lợn.
Năm 2010, anh Trần Văn Đa đã đầu tư xây dựng chuồng trại và mua 70 con thỏ giống nhập ngoại về nuôi. Ban đầu mới chăn nuôi, thỏ đẻ những lứa đầu tiên bị chết nhiều do anh chưa có kinh nghiệm chăm sóc. Không nản chí, anh tiếp tục học hỏi thêm kinh nghiệm thông qua sách báo, đi thăm quan thực tế các mô hình nuôi thỏ của bạn, bè.
Đồng thời, tích cực tham gia các lớp tập huấn do xã, Trạm Khuyến nông huyện và Hội Nông dân xã phối hợp tổ chức, từ đó anh đã có kiến thức kinh nghiệm chăm sóc và bảo vệ đàn thỏ.
Hơn 2 năm chăn nuôi, đàn thỏ của gia đình anh Đa đã liên tục phát triển, nếu như mới đầu chỉ có 70 con thỏ giống thì đến nay gia đình anh đã có trên 1.000 con thỏ thương phẩm với giá bán từ 75.000 - 80.000 đồng/1kg, mỗi năm anh đã thu về hơn 100 triệu đồng từ việc buôn bán thỏ.
Ngoài việc nuôi thỏ, anh Đa còn đầu tư xây dựng chuồng trại chăn nuôi lợn nái và lợn thương phẩm, đàn lợn của gia đình anh luôn có trên 30 con, mỗi lứa lợn bán đã thu về từ 40 đến 50 triệu đồng. Bên cạnh đó, anh còn tích cực đào ao thả cá, với 2 sào ao, anh mua các loại cá giống như: trắm cỏ, trôi, mè vào thả.
Cùng đó gia đình anh còn trồng và chăm sóc trên 1 ha nương chè. Với tính cần cù, chịu thương chịu khó, hàng năm gia đình anh đã có thu nhập khoảng trên 200 triệu đồng. Kinh tế ổn định, vợ chồng anh Đa đã có điều kiện chăm sóc và nuôi các con ăn học đến nơi đến chốn.
Nói về hướng phát triển kinh tế của gia đình, anh Đa cho hay: “Thời gian tới, gia đình tôi sẽ tiếp tục đầu tư cho việc chăn nuôi thỏ và nuôi lợn để duy trì sự ổn định của cuộc sống gia đình”.
Đánh giá về sự nỗ lực trong việc phát triển kinh tế của gia đình anh Đa, ông Lê Đức Bắc - Chủ tịch UBND xã Minh Quân, nhận xét: “Gia đình anh Đa là một trong những hộ điển hình đã mạnh dạn đầu tư cho chăn nuôi thỏ và lợn. Đây là mô hình chăn nuôi điểm tại địa phương, thời gian tới, xã sẽ tiếp tục tuyên truyền vận động nông dân trong xã học tập, làm theo cách của gia đình anh Đa để nhân rộng mô hình chăn nuôi này ra diện rộng của toàn xã”.
Không chỉ làm kinh tế giỏi, anh Trần Văn Đa còn nhiệt tình tham gia công tác xã hội ở địa phương. Với tư cách là một đảng viên và trên cương vị Bí thư chi bộ thôn Ngọn Ngòi, anh luôn gương mẫu đi đầu trong các phong trào hoạt động của địa phương.
Anh thường xuyên đi tuyên truyền vận động bà con thực hiện tốt chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước, tích cực hưởng ứng phong trào xây dựng nếp sống văn hóa mới ở khu dân cư như: "Không nên sinh đẻ nhiều con, không buôn bán, tàng trữ trái phép chất ma túy, làm chuồng trại chăn nuôi cách ly nơi ở, vận động con cháu tích cực tham gia học tập, vận động bà con đóng góp quỹ vì người nghèo, hiến đất làm đường giao thông nông thôn…".
Là một trong những thôn đặc biệt khó khăn của xã Minh Quân, hệ thống đường giao thông của thôn Ngọn Ngòi chỉ là đường đất, để tạo điều kiện thuận lợi cho bà con đi lại dễ dàng, thúc đẩy kinh tế phát triển, giảm tỷ lệ hộ nghèo của thôn.
Năm 2012 này, anh Đa đã phối hợp với các ban ngành, đoàn thể của xã và thôn tổ chức vận động bà con nhân dân tham gia đóng góp tiền và công sức để làm đường giao thông.
Để người dân đồng tình ủng hộ, anh đã phân tích cho dân thấy được lợi ích của việc mở mới và sửa chữa đường là điều kiện tốt nhất giúp cho bà con đi lại dễ dàng và tạo điều kiện cho việc phát triển kinh tế đi lên, giao thương hàng hóa thuận lợi.
Bằng sự phân tích sâu và sát với thực tế người dân trong thôn đã tích cực hưởng ứng tham gia đóng góp công sức và tiền của để tu sửa đường, đến nay đã có 18 hộ trong thôn tham gia hiến đất cho việc mở đường mà không cần nhận bất cứ một khoảng bồi thường nào.
Bằng những nỗ lực phấn đấu vươn lên thoát nghèo và sự nhiệt tình trong công tác xã hội, anh Trần Văn Đa đã trở thành một trong những tấm gương sáng luôn được quần chúng nhân dân tin yêu và mến phục.
Vàng Mai
Các tin khác
YBĐT - Sự có mặt của 82 đại biểu già làng, trưởng thôn bản, trưởng dòng tộc và những người tiêu biểu trong đồng bào các dân tộc thiểu số đại diện cho 30 dân tộc anh em trong toàn tỉnh, là những hình ảnh sinh động. Đây là những bó hoa tươi thắm trong rừng hoa Đại đoàn kết các dân tộc tỉnh Yên Bái.
YBĐT - Lồng ghép tuyên truyền trong giảng dạy môn Lịch sử, cô giáo Thạch là một trong những tuyên truyền viên tích cực về tấm gương đạo đức của Bác.
YBĐT - Sau khi hoàn thành nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc, năm 1981 ông Bùi Công Lợi ở thôn 6, xã Hoà Cuông (Trấn Yên) phục viên trở về địa phương. Là một thương binh nhưng ông Lợi đã cố gắng vượt lên và tích cực phát triển kinh tế gia đình theo mô hình vườn, ao, chuồng và rừng (VACR) giúp gia đình có thu nhập ổn định.
YBĐT - Anh Triệu Văn Bền ở thôn 10, xã Lâm Giang (Văn Yên) không chỉ là một đảng viên gương mẫu luôn tích cực vận động vợ con lao động, sản xuất phát triển kinh tế, vươn lên thành hộ khá giả mà còn vận động các đảng viên và nhân dân trong thôn chấp hành, thực hiện tốt các chủ trương chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước.