Để đạt được kết quả này, những năm qua, ngành du lịch đã nhận được sự quan tâm chỉ đạo sát sao của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, sự phối kết hợp chặt chẽ, hiệu quả của các ban, sở, ngành, UBND các huyện, thành phố, người lao động trong ngành du lịch; trong đó, có sự nỗ lực của các cơ sở kinh doanh dịch vụ, du lịch cũng như sự thân thiện, hài hòa của người dân. Sự đồng lòng đó, đã từng bước khẳng định Yên Bái là điểm đến hấp dẫn, an toàn, thân thiện, mến khách và từng bước đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.
Năm 2022, toàn ngành du lịch tỉnh ước đón và phục vụ được 1 triệu 589 nghìn lượt khách, vượt 44,4% kế hoạch năm; trong đó, khách quốc tế ước đạt 28 nghìn lượt khách, doanh thu ước đạt 1.101 tỷ đồng, vượt 30,2% kế hoạch năm.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, ngành du lịch tỉnh vẫn đang phải đối mặt với không ít khó khăn, thách thức, khiến du lịch chưa thể bứt phá mạnh. Ngày 18/11/2022 Tỉnh ủy đã ban hành Chương trình hành động số 135-CTr/TU về lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị năm 2023.
Theo đó, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch được giao thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm: Tập trung ưu tiên phát triển mạnh dịch vụ du lịch theo Nghị quyết số 30-NQ/TU ngày 24/02/2021 của Tỉnh ủy. Hướng dẫn, đôn đốc, hỗ trợ tháo gỡ khó khăn, vướng mắc đối với các nhà đầu tư đang nghiên cứu, khảo sát, triển khai các dự án đầu tư phát triển du lịch trên địa bàn.
Tiếp tục thu hút các dự án đầu tư hạ tầng phục vụ phát triển du lịch như khách sạn, nhà hàng, cơ sở lưu trú; hỗ trợ phát triển các mô hình du lịch cộng đồng. Nâng cao chất lượng các sản phẩm du lịch sẵn có; đồng thời, thu hút các nhà đầu tư có năng lực, kinh nghiệm để phát triển các loại hình, sản phẩm du lịch đặc sắc, độc đáo trên cơ sở khai thác tiềm năng, lợi thế của tỉnh như: du lịch cộng đồng, du lịch tâm linh, du lịch nông nghiệp, sinh thái, nghỉ dưỡng, trải nghiệm, khám phá, vui chơi, giải trí…
Tổ chức hiệu quả các lễ hội văn hóa, du lịch thường niên; các hoạt động quảng bá, xúc tiến đầu tư, liên kết phát triển du lịch; kết nối các tour, tuyến nhằm thu hút, giữ chân khách du lịch trong nước, quốc tế.
Tỉnh phấn đấu trong năm 2023 thu hút khoảng 1 triệu 500 nghìn du khách; trong đó, có khoảng 10% khách quốc tế, doanh thu từ hoạt động du lịch đạt khoảng 1.350 tỷ đồng. Trong 3 tháng đầu năm 2023, toàn ngành du lịch tỉnh ước đón 492.600 lượt khách (đạt 32,8% so với kế hoạch cả năm, vượt 36,1% so với kịch bản tăng trưởng quý I, tăng 27,6% so với cùng kỳ); trong đó, khách quốc tế 11.210 lượt khách (đạt 7,5% so với kế hoạch cả năm); doanh thu du lịch ước đạt 343,2 tỷ đồng (đạt 25,4% so với kế hoạch cả năm, vượt 13,3 % so với kịch bản tăng trưởng quý I, tăng 54,2% so với cùng kỳ).
Yên Bái xác định chủ đề phát triển du lịch năm 2023 là "Yên Bái - Điểm đến di sản thiên nhiên và văn hóa” với phương châm hành động: "Chuyển tài nguyên con người và tài nguyên văn hóa thành tài nguyên du lịch”.
Để hoàn thành kế hoạch giao, ngành du lịch tỉnh tập trung vào những giải pháp: tăng cường giới thiệu, quảng bá các sản phẩm, trải nghiệm du lịch đa dạng, hấp dẫn; khôi phục niềm tin của thị trường về du lịch của tỉnh an toàn, hấp dẫn; triển khai thực hiện có hiệu quả các chính sách, đề án về phát triển du lịch, nhất là Nghị quyết 28-NQ/TU ngày 24/2/2021 của Tỉnh ủy về phát triển du lịch giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030; Nghị quyết số 10/2021/NQ-HĐND ngày 14/4/2024 của HĐND về một số chính sách hỗ trợ phát triển du lịch; củng cố chất lượng, xây dựng và phát triển sản phẩm du lịch tại các vùng du lịch trọng điểm. Trong đó, vùng hồ Thác Bà và dọc sông Chảy thuộc các huyện Yên Bình, Lục Yên chú trọng nâng cao sản phẩm du lịch cộng đồng, tham quan hồ Thác Bà, du lịch trải nghiệm gắn với bảo tồn các giá trị văn hóa dân tộc…
Tổ chức Hội nghị xúc tiến đầu tư phát triển du lịch các vùng di sản gắn với hành trình trải nghiệm và khám phá một số điểm du lịch tại Yên Bái năm 2023. Tổ chức đón đoàn Presstrip gồm những phóng viên báo chí và những Blogger, Youtuber nổi tiếng đến khảo sát xây dựng tour du lịch kết nối các điểm tham quan tại miền Tây Yên Bái và tổ chức Hội thảo "Chuyển đổi số trong xúc tiến quảng bá du lịch”.
Tập trung xây dựng các thành phần cơ bản của du lịch địa phương: dịch vụ vận chuyển; dịch vụ lưu trú và ăn uống; dịch vụ tham quan; hàng hóa được bày bán hàng tiêu dùng, quà lưu niệm…; các dịch vụ hỗ trợ; cải thiện yếu tố bền vững về môi trường tự nhiên, tăng cường quản lý điểm đến, đảm bảo an toàn vệ sinh môi trường; thúc đẩy hoạt động của 4 vùng trọng điểm, đặc biệt trong phát triển các sản phẩm du lịch đặc trưng, các lễ hội truyền thống...
Thu Hiền