Đại học không phải con đường duy nhất
- Cập nhật: Thứ tư, 1/4/2015 | 9:38:49 AM
Ngày... tháng... năm.... Sắp được đi học rồi, vui quá. Chỉ hai ngày nữa thôi là mình được đi học rồi. Chắc có các thầy cô và bạn bè mới sẽ vui lắm. Hôm nay bố đã dẫn mình đi mua sách vở và đồ dùng học tập mới, mùi sách mới thơm quá. Mình sẽ thật chăm chỉ để trở thành một bác sĩ giỏi, chữa bệnh cho tất cả mọi người. Cố lên! Nhất định mình sẽ thành công...
Ngày... tháng... năm....
Vui quá! Ngày đầu tiên vào lớp 10. Cô giáo chủ nhiệm dạy Toán vui tính. Các bạn mới ai cũng hòa đồng, dễ gần. Nhưng chắc do cái nắng hè gay gắt làm mình đuối sức. Chắc bố lo cho mình lắm. Nhìn vào mắt bố mình đã tự nhủ là phải thật cố gắng, không để bố buồn và phải lo lắng cho mình.
Ngày... tháng... năm....
Ngày thứ hai đi học. Trước khi vào cổng trường bố đã dặn: "Nếu mệt quá thì con xin cô nghỉ, rồi gọi bố lên đón về, đừng gắng sức quá con nhé!" Nghe bố nói vậy mà mình đã suýt khóc ở giữa cổng trường. Mình luôn nghĩ là sẽ cố gắng để không phải nghỉ học, vì chỉ nghỉ một buổi thôi là mình sẽ không theo kịp các bạn. Nhưng sao ông trời lại tàn nhẫn đến thế, mình chỉ muốn được đi học như các bạn thôi, không muốn phải nghỉ học dù chỉ một ngày. Và tại sao? Tại sao mình lại mắc bệnh lupus ban đỏ...
Ngày... tháng... năm....
Lâu qúa rồi mình không viết nhật kí. Cũng gần một năm rồi. Mình lại sắp được đi học, lại sắp vào lớp mười, sau một năm nghỉ học chữa bệnh, chắc mình cũng không còn đủ khả năng học lớp chọn nữa. Mình sẽ thật chăm chỉ để không phụ lòng bố mẹ. Hy vọng rằng năm nay mình sẽ không phải nghỉ học giữa chừng nữa. Mình sẽ cố gắng sống thật tốt, đấu tranh sống vượt qua căn bệnh lupus ban đỏ đáng ghét...
Ngày... tháng... năm....
Hôm nay mình đã cắt tóc ngắn, nhìn những lọn tóc rơi xuống đất mà xót xa quá. Nhưng tóc mình ngày càng mỏng, phải cắt đi trông cho đỡ xấu, mong là tóc không bị rụng nữa. Hu hu, liệu mình có bị rụng hết tóc, rồi đầu chọc lốc như những nhà sư trên chùa không? Không! Không thể như thế được, mình sẽ chăm chỉ uống thuốc. Rồi tóc mình sẽ mọc lại thôi.
Ngày... tháng... năm....
Sáng nay mình quên không uống thuốc, lên lớp mà các khớp tay chân thi nhau biểu tình, đau nhức cả buổi. Cả đời này mình phải sống với thuốc ư? Chỉ được quên uống thuốc một hôm nay thôi. Phải chăm chỉ uống để có sức đi học....
Ngày... tháng... năm....
Tay mình dạo này làm sao không biết? Cứ nổi những nốt như máu tụ lại, đau nhức kinh khủng. Chạm nhẹ thôi cũng đau. Lúc nó khô rồi bong vẩy còn để lại sẹo nữa chứ. Trên mặt cũng có hai nốt như vậy rồi. Không biết nó có lan khắp người không? Mình không muốn nghỉ học đi điều trị nữa đâu. Mình ghét bệnh viện, ghét thuốc... Cầu trời là mọi chuyện sẽ không sao...
Ngày... tháng... năm....
Hôm nay nghe tin một em lớp 10 cũng bị bệnh lupus ban đỏ đã đi xa... thật sự mình thấy hoang mang quá! Mất bao nhiêu tiền để chữa trị mà bệnh không thể khỏi hoàn toàn được.
Ngày... tháng... năm....
Hôm nay đi học thêm, vô tình gặp một bạn học khối A cũng bị bệnh như mình. Nhìn bạn ấy phải đội mũ len lụp xụp để che đi cái đầu không còn một cọng tóc, bất giác mình đưa tay lên đầu.... một cảm giác ớn lạnh chạy dọc sống lưng.... Một từ thôi "SỢ".
Ngày... tháng... năm....
Hè lại đến rồi, mình ghét mùa hè. Trời thì nắng nóng mà mình lại phải kiêng không tiếp xúc với ánh nắng. Cứ như kiểu đồ vật phải bảo quản tránh ánh nắng trực tiếp vậy. Ra nắng một tí là hoa mắt, chóng mặt. Haiza.. mình phải cố thôi. Chăm chỉ uống thuốc.
Ngày... tháng... năm...
Sắp tốt nghiệp rồi, vậy là mình phải tạm biệt ước mơ trở thành bác sĩ rồi. Cứ nay ốm, mai đau, rồi liên tục phải đi bệnh viện khám định kì như thế này thì sao mình có thể học làm một bác sĩ giỏi được. Rồi bệnh của mình lại phải kiêng tiếp xúc với các hóa chất nữa chứ! Buồn lắm, nhưng thôi gác lại ước mơ làm bác sĩ vậy. Mình sẽ đi học nghề. Tương lai sẽ rộng mở chào đón mình. Cố lên!!
Lướt nhanh qua những trang nhật kí của một "chị" cùng lớp mà tôi thấy thương chị quá. Chị học khá và rất chăm chỉ. Nếu như chị không mắc bệnh lupus ban đỏ, làm đầu năm lớp mười chị phải xin bảo lưu kết quả học tập một năm để ở nhà chữa bệnh thì có lẽ bây giờ chị đã tốt nghiệp và đang bước gần hơn tới con đường trở thành bác sĩ của mình. Chị ngồi cùng bàn với tôi, trông chị gầy còm, làn da trắng bệch vì không được tiếp xúc với nắng. Chị hay phải nghỉ học để đi khám bệnh nhưng học lực của chị vẫn rất khá, năm nào cũng đạt danh hiệu học sinh tiên tiến và được các thầy cô giáo bộ môn yêu quý. Có lần nghe chị tâm sự về ước mơ làm bác sĩ nhưng do bệnh tật rồi thấy sức mình không theo được nên chị đành phải chọn thi tốt nghiệp xong học nghề. Nhất là năm cuối cấp này, chị hay phải đi khám bệnh, rồi uống bao nhiêu thuốc mà không khá hơn. Thấy chị buồn, tôi cũng chỉ biết lấy ví dụ về những người rất thành đạt từ việc học nghề, làm ăn buôn bán nhỏ mà có thu nhập khá cao để động viên chị.
Thế đấy, ước mơ không thể thành hiện thực dù đã cố gắng hết sức. Chúc cho chị sẽ có được một công việc phù hợp với sức khỏe của mình. Đại học không phải là con đường vào đời duy nhất mà chị. Cố gắng lên chị nhé! Mọi người luôn bên chị và ủng hộ con đường mà chị đã chọn.
Phạm Thị Thủy (Lớp B3k21, Trường THPT
Trần Nhật Duật, Yên Bình)
Các tin khác
Tuổi 16 sắp qua, tôi lại mỉm cười chào đón tuổi 17 với những kế hoạch, dự định cho tương lai ngày một rõ nét nhưng cũng xen lẫn nhiều tâm tư, lo lắng. Bước sang tuổi 17, tôi hiểu tôi không còn là trẻ con nữa, không còn thời gian để cho tôi nói câu: "Mai tính tiếp…" nữa. Tôi bắt đầu lên kế hoạch "xây dựng" ước mơ của mình.
Có lẽ con là đứa con hư, vì lúc nào con cũng chỉ biết cãi lại lời cha. Mỗi khi cha mắng mỏ, con cảm thấy thật khó chịu.
Đôi khi trong cuộc sống ta hay kiếm tìm một người hiểu ta nhất, yêu thương, chiều chuộng ta hơn cả mà không hề nhận ra rằng người ấy luôn ở ngay bên cạnh mình. Em thường phàn nàn với anh rằng: "Em chẳng có bạn thân đâu, em chẳng biết chơi với ai cả, có nhiều chuyện muốn tâm sự mà chẳng biết nói với ai…".
Tôi gặp các em trên một chuyến xe đầu năm đông đúc, dòng người hối hả ngược xuôi khiến các em trở nên nhỏ bé vô cùng. Lúc đầu, tôi lấy làm lạ vì trông các em còn nhỏ quá! Mà bố mẹ các em đâu? Sao lại để chúng đi một mình? Khoảng 3, 4 đứa trẻ bước lên xe, đồ đạc của chúng chỉ gói gọn trong chiếc ba lô con con đã cũ sờn. Chúng chọn chỗ ngồi cùng nhau và cứ thế rúc rích trò chuyện suốt chặng đường.