Như cây tùng …
- Cập nhật: Thứ ba, 24/4/2012 | 3:10:15 PM
Trả bài kiểm tra, như ai cũng có thể đoán trước, Mai gục mặt xuống bàn và khóc. Không hiểu sao tôi thấy khó mà thông cảm được cho bạn ấy, dù ít nhất là chạy lại vỗ vai an ủi.
Cây tùng là hình ảnh cho người quân tử. (Ảnh minh họa)
|
Không phải tôi vô cảm mà là với Mai, việc (lại) ngồi khóc dường như đã là một… thói quen, hoặc là một cách xả stress. Các bạn trong lớp lúc đầu còn vỗ về, hỏi han, về sau quen dần và thậm chí thấy ngán ngẩm và mệt mỏi với những giọt nước mắt của Mai. Điểm của bạn ấy không phải là thấp, toàn bộ phẩy các môn cũng luôn cao, hơn nữa, phần bài làm sai chấm điểm rất sát. Chúng tôi cũng chẳng thể hiểu nổi lý do của việc Mai khóc.
Trong quãng đời học sinh của mình, tôi hiếm khi buồn rầu vì điểm chác. Dù tôi không phải là một học sinh lười hay các bạn học có thể coi tôi là kẻ bất cần, bàng quan, sao cũng được, riêng đối với tôi, điểm số là thước đo quá trình học tập nhưng không phải là tất cả. Nó đơn giản chỉ là con số cho biết kết quả học tập, rèn luyện của ta đến đâu chứ không hẳn đã là thực chất năng lực của bản thân mình là thế.
Nói cách khác, những bài kiểm tra là cách chúng ta thể hiện khả năng của bản thân mà thôi. Cũng có thể ngay từ khi tôi bắt đầu đi học, bố mẹ tôi cũng không hề đặt áp lực rằng con phải học thật giỏi, con phải đạt điểm cao. Bố không bao giờ trách phạt hay nặng lời mỗi khi tôi bị điểm kém và mẹ thì luôn động viên, khích lệ. “Quan trọng là con đã cố gắng và nỗ lực như thế nào.”
Xung quanh tôi, nhiều bạn có khi chỉ lăm lăm học vì điểm, có bạn lại luôn muốn những con điểm “ảo”- miễn là có điểm cao dù phải xoay xở bằng mọi cách, những bạn học giỏi thì chịu áp lực điểm số, lúc nào cũng phải xếp thứ hạng cao trong lớp…
Nhưng có người nói với tôi: “Hãy là một cây tùng vươn thẳng!”.
Bởi vì mải miết chạy đua theo những danh hiệu hào nhoáng không có thực, tôi sẽ không nhận ra khả năng của chính mình. Bởi vì khổ sở vì thành tích, tôi có thể đánh mất chính mình: sự tự tin, lòng tự trọng, sự độc lập… Bởi vì “điểm số chỉ là kẹo” và cuộc đời sẽ chấm điểm công bằng cho bạn.
Học sinh châu Á nói chung và học sinh Việt Nam nói riêng luôn đạt kết quả cao trong các kì thì quốc tế nhưng kỹ năng vận dụng kiến thức, áp dụng lý thuyết và tỉ lệ thành công trong cuộc sống lại kém hơn các học sinh châu Âu, Mĩ. Có thể học sinh ta thường quá coi trọng điểm năng lực trên giấy tờ hơn là khả năng thực tế, chạy theo cái hư và tự tạo áp lực để rồi nhận lại những yếu kém thực về cả thể chất lẫn tinh thần. Cứ nghĩ thành tích cao, bằng cấp tốt thì sẽ có một cuộc sống hạnh phúc nhưng rồi lại để mình phải khổ sở vì nó.
Tôi thầm cảm ơn bố mẹ tôi vì để tôi nhận ra được đâu mới là điều quan trọng trên hành trình tiếp nhận tri thức, chấp nhận thất bại như một phần tất yếu trong cuộc sống. Tôi phục cô tôi đã rèn cho các em tôi một tinh thần thép.
“Trừ khi con đau đớn về thể xác hay có những tổn thương trong tâm hồn thì hãy khóc. Còn đừng bao giờ nhỏ lệ". Nghe thì tưởng chừng khắt khe nhưng cô đã cho chúng tôi bài học sống cứng rắn hơn. Mãi rầu rĩ nghĩ về nỗi đau chẳng giải quyết được gì ngoài việc làm chùn bước bản thân. Thất bại không phải đau khổ mà là bài học, kinh nghiệm. Vì thế, cuộc sống đã cho nó đến trước thành công và để ta cảm nhận vị ngọt thành công như thế nào.
Giờ thì tôi hiểu tại sao cây tùng là hình ảnh cho người quân tử. Cây tùng luôn vươn thẳng, như con người sống thẳng thắn, trung thực với một nhân cách cao thượng. Cây tùng hiên ngang trong gió bão, như bản lĩnh đang thách thức lại khó khăn; như điềm tĩnh, bình thản đón nhận sóng gió cuộc đời.
Và tôi muốn nói với bạn: “Hãy là một cây tùng vươn thẳng!”…
Nguyễn Diệu Huyền - (Lớp 11Anh, Trường THPT Chuyên Nguyễn Tất Thành)
Các tin khác
Em ước gì thời gian ngừng trôi để anh em mình mãi là cô bé cậu bé vô tư lự, được sống dưới vòng tay che chở của bố mẹ. Để em mãi là cô gái bé bỏng được nũng nịu anh mỗi ngày.
Gia đình là nơi ta được chở che, được đùm bọc, được tình thương, cảm nhận hơi ấm và hạnh phúc tuổi thơ bên cạnh bố mẹ. Nhưng với riêng tôi, điều ấy chỉ còn là giấc mơ - một giấc mơ không bao giờ thành hiện thực.