Đào tạo nghề cho lao động nông thôn: Cần có cách tiếp cận phù hợp đối với người học

  • Cập nhật: Thứ ba, 12/4/2011 | 9:33:28 AM

YBĐT - Năm 2010, Yên Bái đã mở 108 lớp đào tạo nghề cho lao động nông thôn với 3.260 người được đào tạo, mở 54 lớp đào tạo nghề cho người nghèo thu hút 1.594 người tham gia, mở 5 lớp đào tạo nghề cho 125 học viên là người dân tộc thiểu số.

Trung tâm Dạy nghề thành phố Yên Bái được đầu tư xây dựng các phòng học mới.
Trung tâm Dạy nghề thành phố Yên Bái được đầu tư xây dựng các phòng học mới.

Sau hơn một năm triển khai thực hiện Quyết định 1956/QĐ - TTg của Thủ tướng Chính phủ về Đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020, nhiều lao động ở nông thôn Yên Bái đã có nghề, góp phần xóa đói giảm nghèo tại địa phương. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện Đề án đã nảy sinh không ít khó khăn, vướng mắc cần được các ngành chức năng tập trung tháo gỡ.

Năm 2010, Yên Bái đã mở 108 lớp đào tạo nghề cho lao động nông thôn với 3.260 người được đào tạo, mở 54 lớp đào tạo nghề cho người nghèo thu hút 1.594 người tham gia, mở 5 lớp đào tạo nghề cho 125 học viên là người dân tộc thiểu số. Thông qua đào tạo, nhiều lao động nông thôn đã có nghề và áp dụng hiệu quả vào quá trình phát triển kinh tế gia đình.

Theo ông Hoàng Đức Vượng - Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ,TB&XH), bên cạnh những kết quả đã đạt được, việc triển khai thực hiện Đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn còn gặp không ít khó khăn. Trước hết, nhận thức của một số ngành, địa phương về công tác này chưa đầy đủ, chưa đưa ra được các giải pháp cụ thể để triển khai thực hiện. Còn thiếu sự phối hợp giữa quản lý Nhà nước và các doanh nghiệp, giữa doanh nghiệp với các cơ sở dạy nghề, cơ sở cung ứng và giới thiệu việc làm.

Công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn chưa có quy hoạch, chưa xây dựng được chương trình khung, tiêu chí chọn nghề phù hợp với nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội địa phương, doanh nghiệp và các cơ sở có nhu cầu sử dụng lao động. Tiếp đến, địa bàn mở các lớp dạy nghề rộng, phân bố tại nhiều địa phương khác nhau trong tỉnh, do đó, việc kiểm tra, giám sát của Sở LĐ,TB&XH, Sở Tài chính về tình hình học tập, nội dung và chất lượng đào tạo chưa thường xuyên.

Đội ngũ giáo viên dạy nghề thiếu về số lượng, chưa đạt chuẩn về chất lượng. Chương trình đào tạo nghề của một số đơn vị mở lớp mang nặng tính lý thuyết, thời gian "cầm tay, chỉ việc" cho người lao động ít.

Thêm vào đó, do trình độ nhận thức, lứa tuổi của học viên không đồng đều đã ảnh hưởng đến việc tiếp thu các kiến thức và quá trình truyền đạt của giáo viên. Cá biệt, tại một số xã, học viên tham gia học nghề lại chưa thực sự có nhu cầu học nghề, tạo việc làm để nâng cao thu nhập cho bản thân và gia đình mà chủ yếu trông chờ vào sự hỗ trợ của ngân sách Nhà nước.

Cũng về vấn đề này, bà Huỳnh Thị Hoa - Giám đốc Trung tâm Dạy nghề Trạm Tấu cho rằng, cần phải có cách tiếp cận phù hợp đối với người học. Chẳng hạn, tại huyện Trạm Tấu, cơ sở dạy nghề tập trung ở thị trấn, xa chỗ ở của người dân nên nếu tham gia học thì phải ở trọ. Người dân dù được hỗ trợ kinh phí, song gia đình họ lại mất đi một lao động phụ giúp việc đồng áng nên nhiều gia đình ngại không cho con đi học. Thứ hai, trình độ văn hóa thấp là rào cản lớn trong việc học nghề, ảnh hưởng đến tỷ lệ lao động được đào tạo, đến khả năng tiếp thu, cách thức tiếp cận, dẫn đến tình trạng bỏ học giữa chừng của người học.

Ông Trần Đình Thắng - Giám đốc Trung tâm Dạy nghề thành phố Yên Bái cho biết: "Cơ cấu lao động, trình độ lao động qua đào tạo nghề và ngành nghề đào tạo chưa cân đối đã gây ra tình trạng thiếu hụt lao động có trình độ tay nghề cao trong các ngành sản xuất, kinh doanh chủ yếu của địa phương. Việc định hướng về nghề cho lao động chưa được chuyên sâu, chưa đáp ứng nhu cầu của người học, các ngành, nghề được đào tạo còn ít và thiếu những ngành, nghề mũi nhọn và mang tính đột phá".

Hầu hết các trung tâm dạy nghề ở các huyện, thị, thành phố trong tỉnh đều mới được thành lập. Hệ thống trường lớp đã được đầu tư song chưa đáp ứng được yêu cầu đặt ra, trang thiết bị phục vụ cho công tác đào tạo nghề còn thiếu và chưa đồng bộ. Việc xã hội hóa lĩnh vực dạy nghề còn chậm, nguồn huy động xã hội hóa cho công tác dạy nghề còn hạn chế, đến nay, toàn tỉnh mới có 3 cơ sở dạy nghề tư thục.

Việc mở các lớp dạy nghề cho lao động nông thôn ngay tại cơ sở cũng gặp khó khăn về cơ sở vật chất, vật tư thực hành. Xã Đại Phác, huyện Văn Yên là đơn vị được chọn thí điểm để thực hiện Đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn trên địa bàn tỉnh cũng gặp phải khó khăn này.

Ông Phạm Tùng Nguyên - Chủ tịch UBND xã cho biết: "Với đặc thù của một xã thuần nông, cơ sở vật chất phục vụ cho công tác dạy nghề còn thiếu và yếu. Xã chỉ có một trung tâm học tập cộng đồng nằm ngay tại trụ sở UBND xã nhưng diện tích nhỏ, thiếu ánh sáng lại không có các phương tiện cần thiết như vật tư thực hành, sách tham khảo. Đại Phác mong muốn được Nhà nước quan tâm đầu tư xây dựng một trung tâm học tập cộng đồng mới để xã có nơi tổ chức đào tạo nghề cho lao động".

Để công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn đạt hiệu quả, cần có sự phối hợp giữa các cấp, các ngành chức năng với chính quyền địa phương hỗ trợ, tìm thị trường tiêu thụ sản phẩm cho nông dân. Sau khi được đào tạo nghề, cần quan tâm hỗ trợ cho nông dân vay vốn đầu tư vào sản xuất. Như vậy, người nông dân mới yên tâm tham gia các lớp đào tạo nghề và Quyết định 1956/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về Đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn mới thực sự mang lại hiệu quả cao cho lao động nông thôn.

Hà Anh

Các tin khác
Dự án

Tỉnh Yên Bái có 2 dự án đoạt giải Nhì và giải Ba Cuộc thi "Học sinh, sinh viên với ý tưởng khởi nghiệp” lần thứ VI trong Ngày hội Khởi nghiệp quốc gia của học sinh, sinh viên lần thứ VI, năm 2024 vừa diễn ra tại thành phố Cần Thơ.

Danh sách đơn vị được phê duyệt liên kết tổ chức thi cấp chứng chỉ năng lực ngoại ngữ của nước ngoài tại Việt Nam tính đến tháng 5/2024.

Quang cảnh Trường THCS Quang Trung, thành phố Yên Bái

Theo Quyết định số 854 của UBND tỉnh Yên Bái vừa ban hành về điều chỉnh, bổ sung chỉ tiêu tuyển sinh đối với Trường THPT Chuyên Nguyễn Tất Thành có nội dung điều chuyển chỉ tiêu tuyển sinh lớp 6 cấp THCS của Trường THPT Chuyên Nguyễn Tất Thành (2 lớp với 80 học sinh) sang Trường THCS Quang Trung (thuộc Sở Giáo dục và Đào tạo).

Năm 2030, tỉnh Yên Bái đặt mục tiêu có 97% số thanh niên, thiếu niên độ tuổi 15 đến 18 tuổi có bằng tốt nghiệp trung học cơ sở. (Giờ học của các em học sinh Trường THPT Nguyễn Huệ, thành phố Yên Bái)

Yên Bái phấn đấu tối thiểu 60% tỷ lệ học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở vào học trung học phổ thông; 30% vào học giáo dục nghề nghiệp. Tỷ lệ học sinh tốt nghiệp trung học phổ thông vào học đại học đạt 35%, vào học giáo dục nghề nghiệp đạt 45%.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục