1956 ở Yên Bái: Còn nhiều khó khăn

  • Cập nhật: Thứ tư, 29/8/2012 | 9:19:12 AM

YBĐT - Đào tạo nghề phù hợp với nhu cầu, nguyện vọng của LĐNT và điều kiện của địa phương đang là một hướng đi cần được quan tâm hiện nay. Do đó, trong đào tạo nghề cho LĐNT cần làm tốt công tác khảo sát nhu cầu để phân loại đối tượng, ngành nghề đào tạo một cách hiệu quả nhất.

Đồng chí Hoàng Đức Vượng - Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội kiểm tra lớp dạy nghề đan ở huyện Lục Yên.
Đồng chí Hoàng Đức Vượng - Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội kiểm tra lớp dạy nghề đan ở huyện Lục Yên.

Đề án Đào tạo nghề cho lao động nông thôn (LĐNT) đến năm 2020 (gọi tắt là Đề án 1956) theo Quyết định 1956/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ đã mở ra cơ hội cho nông dân được tiếp cận với các chương trình đào tạo nghề để có thể kiếm việc làm, cải thiện cuộc sống. Tuy nhiên, từ khi triển khai đến nay, Yên Bái vẫn gặp phải nhiều khó khăn, vướng mắc, làm giảm đi hiệu quả của Đề án.

Qua khảo sát nhu cầu lao động từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh chỉ có 11 ngàn lao động có nhu cầu học nghề, chủ yếu là các nghề về nông - lâm nghiệp, số lao động là người dân tộc thiểu số học nghề còn thấp.

Hiện nay, Yên Bái có 1 trường trung cấp nghề (Trường Trung cấp nghề Nghĩa Lộ) và 8 trung tâm dạy nghề (TTDN) công lập, trong đó đã có 4 trung tâm dạy nghề có xưởng thực hành, còn lại chưa được đầu tư xây dựng xưởng, đó là: TTDN huyện Văn Chấn, huyện Trạm Tấu, huyện Mù Cang Chải, huyện Yên Bình.

Đội ngũ giáo viên, tính đến tháng 6/2012, có 334 giáo viên tham gia vào dạy nghề cho LĐNT, trong đó biên chế 161 người, trong khi Đề án cho phép các địa phương bổ sung biên chế cho các TTDN đảm bảo ít nhất mỗi nghề có 1 giáo viên cơ hữu. Những tồn tại trên là do một số địa phương chưa có cán bộ chuyên trách làm công tác dạy nghề, đặc biệt tính tự giác tham gia học nghề trong người lao động chưa cao, tư tưởng và nhận thức về lợi ích của học nghề còn chưa thông suốt, không muốn mất thời gian cho học nghề.

 Qua tìm hiểu được biết, công tác đào tạo nghề cho LĐNT tại các địa phương còn gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là các huyện vùng cao, như Mù Cang Chải và Trạm Tấu. Nguyên nhân là do nhận thức của người dân chưa cao, đặc biệt là lao động trẻ, chưa nhận thức được việc đào tạo nghề là một nhu cầu, một yếu tố cần thiết để đảm bảo cuộc sống cho bản thân. Hơn thế, đồng bào vùng cao, vùng sâu vẫn còn tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào các chính sách hỗ trợ của Nhà nước nên chưa ý thức được lợi ích của việc học nghề.

Bên cạnh sự hạn chế về nhận thức của người lao động, nhận thức của một số cán bộ xã về đào tạo nghề chưa rõ ràng. Một số địa phương chưa làm tốt công tác tuyên truyền tới các tổ chức, đoàn thể và người lao động trên địa bàn. Việc tổ chức các lớp học nghề chỉ để đủ chỉ tiêu hoàn thành tiêu chí xây dựng nông thôn mới. Đây là tồn tại, hạn chế  khiến Đề án chưa đạt được hiệu quả cao nhất.

Cùng với đó, việc xây dựng thí điểm các mô hình dạy nghề nông nghiệp đã được triển khai trên tất cả 9/9 huyện, thị, thành phố nhưng đối với các nghề này hiệu quả kinh tế mang lại chưa cao.

Đối với mô hình dạy nghề phi nông nghiệp đã triển khai xây dựng thêm 4 mô hình. Cụ thể, nghề xây dựng ở xã Xuân ái, huyện Văn Yên... tỷ lệ có việc làm sau khi học xong đạt 100%. Tuy nhiên, đối với nghề xây dựng - một nghề chỉ thiết thực đối với số ít người lao động và phù hợp với điều kiện thực tế ở từng địa phương ở vùng thấp.

Điều đó cho thấy sự lúng túng trong việc xác định nghề đào tạo cho lao động và chương trình đào tạo chưa phù hợp với nhu cầu của người học. Thực tế cho thấy, còn nhiều hạn chế trong công tác lựa chọn ngành nghề phù hợp nhu cầu của người lao động cũng như đặc điểm của từng địa phương.

Một khó khăn nữa trong thực hiện Đề án 1956 ở Yên Bái là vấn đề về kinh phí. Nguồn kinh phí được xác định thực hiện các hoạt động của Đề án chủ yếu từ ngân sách Trung ương hỗ trợ. Nếu như năm 2010, với kinh phí hỗ trợ dạy nghề từ Trung ương là 5.608 triệu đồng, ngân sách địa phương 2.455 triệu đồng thì sang năm 2011, Trung ương hỗ trợ 3.980 triệu đồng, ngân sách địa phương 3.000 triệu đồng. Nguồn kinh phí phân bổ chậm về các địa phương, gây ra sự chậm trễ trong tổ chức các lớp học nghề so với chỉ tiêu, kế hoạch đề ra. Điều này ảnh hưởng lớn tới công tác đào tạo nghề cho LĐNT ở các địa phương, các cơ sở đào tạo nghề cũng như ảnh hưởng trực tiếp đến LĐNT.

Với những khó khăn trên, mục tiêu phấn đấu đến năm 2015 tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề đạt 45% theo Nghị quyết Đại hội lần thứ XVII của Đảng bộ tỉnh sẽ khó đạt được trong khi đến thời điểm này tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề của tỉnh mới chỉ đạt 22,65%.

Đào tạo nghề cho LĐNT không chỉ là một chính sách an sinh xã hội lớn  mà còn là một tiêu chí quan trọng trong 19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới. Vì vậy, các địa phương cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tư vấn  dạy nghề, tạo việc làm cho LĐNT. Do nhận thức của đa số LĐNT còn hạn chế nên trước mắt, Yên Bái cần tập trung vào các nghề gần gũi với người nông dân phù hợp với điều kiện của từng địa phương như: trồng trọt - chế biến lâm sản, nuôi trồng thủy sản nước ngọt, quản lý phát triển trang trại... Ngoài ra, tỉnh cần đáp ứng kinh phí đảm bảo để thực hiện các chỉ tiêu giao về đào tạo nghề cho LĐNT.

Ông Lê Anh Tuấn, Phó hiệu trưởng Trường Cao đẳng Nghề Yên Bái

Trong nhiều năm qua, nhà trường đã thực hiện mô hình đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm. Trong các năm 2011 - 2012, thực hiện Đề án 1956, nhà trường đã phối hợp đào tạo 765 học viên với các nghề: điện dân dụng, kỹ thuật xây dựng dân dụng, sửa chữa vận hành máy nông cụ. Các học viên kết thúc khóa học đều có việc làm, thu nhập ổn định, cải thiện đời sống và được các doanh nghiệp trong, ngoài tỉnh đánh giá cao. Hiệu quả của mô hình này đã được các cấp, các ngành đánh giá cao.

Để nhân rộng mô hình này, cần tổ chức các diễn đàn để người dân có cơ hội tiếp xúc với doanh nghiệp. Qua đó, tạo cho người dân hướng mở và quyết định chọn nghề nào cho phù hợp. Như vậy để tìm được một nghề thật sự phù hợp với người dân, địa phương cần có liên kết chặt chẽ giữa người học, cơ sở đào tạo và doanh nghiệp để đáp ứng đầy nhu cầu đủ cho LĐNT.

Anh Nguyễn Minh Tráng, thôn Bảo Yên, xã Minh Bảo, thành phố Yên Bái

Qua các phương tiện thông tin đại chúng, tôi cũng biết và tìm hiểu về Đề án 1956. Tôi mong muốn được đào tạo nghề theo nhu cầu của bản thân để sau khi học nghề có công ăn việc làm. Tôi nghĩ rằng, đề án này có ý nghĩa rất lớn với người LĐNT nên cần được phổ biến rộng rãi và có định hướng cho người dân nên học những nghề gì cho phù hợp để người dân có thể ổn định cuộc sống, phát triển ngành nghề đã  được học.

Ông Cao Xuân Thanh, Chủ tịch UBND xã Minh Bảo, thành phố Yên Bái

Từ khi Đề án 1956 được triển khai đến nay, Minh Bảo đã có gần 200 học viên theo học các ngành nghề: chăn nuôi - thú y, trồng trọt, chế biến nông - lâm - thủy sản... Chúng tôi đang xúc tiến mở một lớp nghề may cho đối tượng là đoàn viên, thanh niên, phụ nữ nhưng chưa thực hiện được do thiếu kinh phí.

Theo quan điểm cá nhân tôi, để thực hiện tốt công tác đào tạo nghề cho LĐNT trước hết, cần phải khảo sát kỹ nhu cầu học nghề của LĐNT, các cơ sở đào tạo nghề phải xác định ngành nghề đào tạo, đáp ứng nhu cầu xã hội, phù hợp với yêu cầu của thị trường lao động, điều kiện cụ thể từng địa phương.

Bên cạnh đó, các cơ sở đào tạo nghề cần tư vấn, định hướng cho người lao động chọn đúng nghề để học, tạo việc làm ổn định, nhằm hạn chế đến mức thấp nhất tình trạng người lao động sau khi kết thúc khóa học không tìm được việc làm hoặc không có việc làm phù hợp.

 Trần Minh

Các tin khác
Đội ngũ cán bộ, giáo viên Trung tâm Dạy nghề Văn Yên không ngừng nâng cao trình độ chuyên môn. Ảnh: Cán bộ, giáo viên tham gia hội giảng cấp tỉnh.

YBĐT - Những năm qua, Trung tâm Dạy nghề huyện Văn Yên (Yên Bái) đã đa dạng hóa các loại hình đào tạo nghề, tăng cường đội ngũ giáo viên, trang thiết bị, từng bước đạt chuẩn về cơ sở vật chất, ngành nghề đào tạo; quy mô dạy nghề được mở rộng đáp ứng ngày càng cao nhu cầu đào tạo nghề cho lao động nông thôn (LĐNT).

Học viên khoa cơ khí hệ trung cấp trường Đại học công nghiệp TPHCM trong giờ thực hành trên máy phay.

Sáng 21-8, trước khi trả lời chất vấn trực tiếp trong khuôn khổ phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Phạm Thị Hải Chuyền đã có báo cáo gửi đại biểu Quốc hội về tình hình đào tạo nghề, công tác quản lý lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam.

Lớp học nghề may tại trường Trung cấp nghề Nghĩa Lộ.

YBĐT - Hoạt động dạy nghề phải gắn với tạo việc làm song cần thiết hơn là phải lựa chọn các nghề phù hợp, đồng thời bám sát kế hoạch, mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương. Có như thế, mới mong công tác đào tạo nghề và chuyển đổi ngành nghề cho lao động nông thôn (LĐNT) trên địa bàn tỉnh Yên Bái đạt hiệu quả cao nhất.

Ngày 10-8, tại Hải Dương, Bộ LĐTB-XH tổ chức hội nghị hợp tác lao động Việt Nam - Hàn Quốc nhân kỷ niệm 20 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước. Quan hệ cung ứng và sử dụng lao động giữa Việt Nam và Hàn Quốc đã bắt đầu từ năm 1993.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục