Văn Yên thực hiện mục tiêu ứng phó kịp thời, giảm thiểu thiệt hại trong phòng chống thiên tai

  • Cập nhật: Thứ năm, 6/7/2023 | 8:57:34 AM

YênBái - Mục tiêu phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (PCTT-TKCN) năm 2023 của huyện Văn Yên là nhằm giảm thiểu đến mức thấp nhất thiệt hại về người và tài sản do thiên tai gây ra, chủ động phòng tránh, ứng phó kịp thời, khắc phục khẩn trương có hiệu quả. Trong đó, lấy phòng ngừa là chính, công tác khắc phục hậu quả thiên tai sẽ được kết hợp với khôi phục, nâng cấp và đảm bảo phát triển bền vững.

Các lực lượng tham gia diễn tập phòng chống thiên tai - tìm kiếm cứu nạn tại xã Châu Quế Hạ.
Các lực lượng tham gia diễn tập phòng chống thiên tai - tìm kiếm cứu nạn tại xã Châu Quế Hạ.

Những năm gần đây, Văn Yên thường xuyên xảy ra các loại thiên tai: lũ, lũ quét, sạt lở đất do mưa lũ, hoàn lưu bão và áp thấp nhiệt đới, rét hại, mưa lớn, lốc, sét, mưa đá… Điển hình năm 2017, thiên tai mưa lũ ở Văn Yên đã làm 4 người chết, 6 người bị thương; trên 250 ngôi nhà bị ảnh hưởng, thiệt hại; trên 1.000 ha lúa, ngô, hoa màu, cây lâm nghiệp, thủy sản bị ảnh hưởng và thiệt hại; 1.816 con gia súc, gia cầm bị chết, ước tổng thiệt hại trên 80 tỷ đồng; năm 2018, mưa lũ làm 3 người chết và mất tích, 300 ngôi nhà và nhiều hệ thống giao thông, thủy lợi bị hư hỏng..., ước tổng thiệt hại hơn 53 tỷ đồng. 

Năm 2021 đến hết năm 2022, thiên tai, bão lũ đã làm chết 3 người, thiệt hại nhiều nhà ở, công trình, cây cối hoa màu, chăn nuôi. Riêng trong 6 tháng đầu năm 2023, huyện bị ảnh hưởng của 3 đợt thiên tai gây thiệt hại về nhà ở, sản xuất nông nghiệp của nhân dân với 91 hộ dân bị tốc mái, hư hỏng, 46 ha bị gãy đổ, ước thiệt hại vào khoảng 100 triệu đồng. 

Năm nay được dự báo là năm thời tiết có nhiều diễn biến phức tạp, có thể xảy ra những đợt mưa kéo dài với cường độ mạnh, gây ra lũ ống, lũ quét, sạt lở đất ở những địa bàn vùng núi cao, gây ngập úng ở những khu vực ven sông, suối. 

Nhận định rõ nguy cơ đó, Ban Chỉ huy PCTT-TKCN huyện Văn Yên, 100% các cấp ủy, chính quyền đã chủ động kiện toàn Ban Chỉ huy công tác PCTT-TKCN, rà soát đánh giá thực tế đối với các loại hình thiên tai có thể xảy ra trên địa bàn như: sạt lở đất, sạt lở bờ sông, lũ ống, lũ quét, úng ngập; đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến kiến thức về thiên tai và cách phòng tránh, tăng cường hệ thống truyền tin, thông tin liên lạc cũng được triển khai sâu rộng. 


Để chủ động phòng ngừa, ứng phó với mọi tình huống thiên tai có thể xảy ra, hạn chế mức thấp nhất thiệt hại về người, tài sản, từ đầu năm đến nay, huyện đã tích cực tuyên truyền, phổ biến đến các cấp, ngành và nhân dân về mức độ nguy hiểm của thiên tai, từ đó có các phương pháp phòng tránh, sơ tán kịp thời. 

Cùng với đó, Ban Chỉ huy PCTT-TKCN và các địa phương trong huyện đã xây dựng phương án ứng phó với các loại hình và cấp độ rủi ro của thiên tai; trong đó, đặc biệt quan tâm chỉ đạo, chỉ huy vận dụng linh hoạt phương châm "4 tại chỗ” trong 3 thời điểm trước, trong và sau thiên tai; tăng cường vận động, khuyến cáo người dân di dời nhà ở ra khỏi khu vực cảnh báo nguy hiểm; thực hiện điều tra nắm chắc số nhà xiêu vẹo, tạm bợ để đôn đốc nhân dân sửa chữa, neo chằng chắc chắn.

Thực hiện chặt tỉa cành, nhánh cây cao ở gần khu vực nhà ở, lưới điện; chuẩn bị lực lượng, phương tiện, trang thiết bị sẵn sàng để huy động ứng cứu kịp thời khi xảy ra thiên tai, đặc biệt là tại các khu vực có nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất, ven sông, suối...

Hiện tại, trên địa bàn huyện có 329 công trình hồ chứa, thủy lợi, bao gồm: 35 hồ chứa nước, 28 đập ngăn nước, 2 trạm bơm, 523 km kênh dẫn nước. Các công trình này có tầm quan trọng trong bảo đảm an ninh nguồn nước và an toàn đập, hồ chứa nước, liên quan trực tiếp đến đời sống, sản xuất của nhân dân. 

Do đó, huyện và các ngành chức năng đã tiến hành kiểm tra, rà soát các công trình hồ, đập nước để có kế hoạch duy tu bảo dưỡng, sửa chữa kịp thời. Đặc biệt để đảm bảo an toàn tính mạng cho người dân trong mùa mưa lũ, huyện đã chỉ đạo 25/25 xã, thị trấn thống kê các hộ, các điểm nằm trong vùng nguy cơ thiên tai để có phương án di dời đến nơi an toàn. 

Toàn huyện có 911 hộ nằm trong vùng nguy cơ thiên tai, 121 điểm nguy cơ thiên tai. Trong đó, 724 hộ sống trong vùng nguy cơ sạt lở đất; 96 hộ sống trong vùng nguy cơ ngập, lũ; 91 hộ sống trong vùng nguy cơ lũ quét; 11 điểm lũ quét; 15 điểm ngập, lũ; 95 điểm sạt lở đất. 

Những hộ dân nằm trong vùng nguy có thiên tai và các điểm nguy cơ thiên tai đều được các địa phương xây dựng phương án cụ thể, sẵn sàng lực lượng ứng trực khi có tình huống xảy ra. Ngoài ra, các xã, thị trấn đã kiện toàn và tập huấn tổ đội xung kích trên địa bàn...

Ban Chỉ huy PCTT-TKCN huyện Văn Yên đã xác định nhiệm vụ phòng, chống thiên tai là một trong những nhiệm vụ quan trọng gắn liền với phát triển kinh tế - xã hội. Hiện nay, Ban Chỉ huy PCTT-TKCN huyện Văn Yên đã tập trung rà soát địa bàn, kịp thời phát hiện những khu vực xung yếu, có phương án phòng chống ngập úng cục bộ và sạt lở đất. Ban Chỉ huy PCTT-TKCN huyện, các xã, thị trấn, các cơ quan, đơn vị chủ động cập nhật các bản tin cảnh báo sớm và tham mưu, ban hành các công điện, văn bản chỉ đạo ứng phó với các tình huống thiên tai cụ thể. 

Tiến hành kiểm tra, phát hiện và xử lý sự cố công trình phòng, chống thiên tai, công trình trọng điểm về kinh tế - xã hội và quốc phòng - an ninh; vận động người dân nâng cao ý thức tự bảo vệ tài sản, tính mạng của mình; chuẩn bị lương thực, thực phẩm, nước uống phục vụ cho tiêu dùng tại chỗ. Đồng thời, Ban Chỉ huy PCTT-TKCN huyện Văn Yên thường xuyên duy trì nghiêm chế độ trực ban, trực chiến, tiếp nhận thông tin để triển khai kế hoạch công tác phù hợp.




Thu Nhài (Văn Yên)

Các tin khác
Mô hình trồng cây mướp đắng cho hiệu quả kinh tế cao của nông dân xã Phúc Sơn.

Những năm qua, Hội Nông dân (HND) thị xã Nghĩa Lộ đã khuyến khích, tạo điều kiện để các hộ sản xuất, kinh doanh giỏi - nòng cốt xây dựng các mô hình liên kết, hợp tác trong nông nghiệp, nông thôn. Đồng thời, chia sẻ cùng cộng đồng về cách thức, kinh nghiệm trong hoạt động sản xuất, kinh doanh đem lại hiệu quả kinh tế cao.

Cán bộ Kiểm lâm huyện Trấn Yên hướng dẫn người dân xã Việt Hồng, huyện Trấn Yên kỹ thuật trồng tre măng Bát Độ.

Năm 2023, tỉnh Yên Bái có kế hoạch trồng mới 15.500 ha rừng. Đến thời điểm này, toàn tỉnh đã trồng được 14.308 ha, đạt 92,3%. Trong đó, trồng rừng tập trung là 9.565 ha, trồng cây phân tán 4.742 nghìn cây, quy diện tích 4.742 ha.

Thương lái đến mua lợn của một hộ dân tại khu vực Đầm Mỏ, phường Đồng Tâm, thành phố Yên Bái.

Giá lợn hơi tại Yên Bái hiện đang dao động từ 62.000 đến 64.000 đồng. Đây là mức giá cao nhất trong vòng một năm trở lại đây. Với mức giá này, người chăn nuôi sẽ có lãi từ 800.000 đến 1 triệu đồng/con.

Giá bán xăng dầu địa bàn vùng 2 cao hơn vùng 1 khoảng 360-420 đồng/lít. Ảnh: Văn Hưng.

Do 46 địa phương là các địa bàn xa cảng, xa kho đầu mối, xa cơ sở sản xuất xăng dầu nên giá bán cao hơn các tỉnh, thành còn lại 2%.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục