Yêu cầu bắt buộc trong ngành công nghiệp hiện đại
Cả nước hiện có gần 900.000 doanh nghiệp đang hoạt động, trong đó, hơn 97% là doanh nghiệp nhỏ và vừa. Con số này có thể đạt 1,5 triệu vào năm 2025 và hơn 2 triệu doanh nghiệp đến năm 2030.
Do đó, với mỗi chính sách kinh tế được đưa ra đều có tác động mạnh mẽ đến sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp nhỏ và vừa. Chính sách phát triển điện mặt trời áp mái, điện mặt trời tự sản tự tiêu được xây dựng trong Quy hoạch điện VIII cũng không ngoại lệ.
Theo đó, Việt Nam đặt mục tiêu đến năm 2030 có 50% các tòa nhà công sở và 50% nhà dân sử dụng điện mặt trời áp mái tự sản, tự tiêu (phục vụ tiêu thụ tại chỗ, không bán điện vào hệ thống điện quốc gia).
Điều này đã và đang góp phần thay đổi nhận thức của doanh nghiệp về điện mặt trời. Trước đây, từ năm 2016, nhiều doanh nghiệp đua nhau đầu tư lắp đặt hệ thống điện mặt trời với hi vọng vừa tiết kiệm chi phí điện, vừa có thể hòa vào lưới điện quốc gia để bán lại cho EVN. Tuy nhiên, từ ngày 1/1/2021, chính sách này hết hiệu lực, khiến các doanh nghiệp lo lắng sẽ lãng phí lượng điện dư thừa.
Với mục tiêu rõ ràng trong Quy hoạch điện VIII vừa được phê duyệt, doanh nghiệp sẽ phải tính toán, ưu tiên xây dựng hệ thống điện mặt trời áp mái vừa đủ dùng, tiêu thụ tại chỗ phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh, trước khi có ý định sinh lời trong tương lai. Định hướng phát triển điện mặt trời phải kết hợp với pin lưu trữ khi giá thành phù hợp. Bên cạnh đó, chứng chỉ xanh đang là yêu cầu bắt buộc của nhiều đối tác nước ngoài khi doanh nghiệp Việt tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Như vậy, việc doanh nghiệp đầu tư hệ thống điện mặt trời, giảm thiểu CO2 trong sản xuất là một trong những yêu cầu bắt buộc của thời đại.
Ông Nguyễn Quang Vinh, Phó chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết: "Xanh hóa giúp các doanh nghiệp thuận lợi hơn trong thu hút đầu tư xanh. Đặc biệt, với các đối tác tại thị trường phát triển, việc đáp ứng các tiêu chuẩn về phát triển bền vững, bảo vệ môi trường được xem là bắt buộc đối với hàng hóa nhập khẩu. Do đó, nếu doanh nghiệp Việt Nam không sớm có giải pháp để chứng minh hàng hóa, nguyên vật liệu, năng lượng, sử dụng đạt tiêu chuẩn "xanh” thì rất khó xuất khẩu được sang các thị trường khác như châu Âu”.
Về cơ bản, điện mặt trời có lợi thế rất lớn so với các nguồn năng lượng hóa thạch bởi nó rất ít tác động tiêu cực đến môi trường, sức khỏe hoặc sinh kế người dân, góp phần giảm phụ thuộc vào nhập khẩu năng lượng và có chi phí ban đầu rất thấp. Đối với doanh nghiệp, điện mặt trời sẽ giúp cải thiện nguồn cung cấp điện và giảm chi phí tiền điện dùng trong sản xuất, kinh doanh.
Ông Lê Anh Tuấn, Giám đốc phát triển kinh doanh Quỹ đầu tư GreenYellow Việt Nam chia sẻ: "Điện mặt trời áp mái đang là giải pháp tối ưu cho các doanh nghiệp tại Việt Nam hiện nay, giúp doanh nghiệp có thể sản xuất liên tục, không bị gián đoạn bởi các sự cố về điện lưới hoặc tình trạng thiếu điện cục bộ trong mùa nắng nóng. Hệ thống này có thể hoạt động từ 5h sáng đến 5h chiều, có thể đưa vào thống lưu trữ điện để sử dụng vào buổi tối và ban đêm. Tại miền Bắc, điện mặt trời giúp giảm chi phí tiền điện từ 15-20%, giảm phát thải CO2 từ 7-20%”.
Đại diện GreenYellow cũng cho biết, trong ngành công nghiệp ô tô điện, Quỹ cũng đã xây dựng chiến lược phát triển điện mặt trời tại các trạm sạc ở Việt Nam. Theo đó, các trạm sạc hoàn toàn có thể vừa đấu nối điện lưới, vừa lắp đặt hệ thống điện mặt trời. Hiện Quỹ đang hợp tác với nhiều hãng xe nước ngoài để triển khai các dự án về điện mặt trời trong tương lai gần.
Theo dự báo, điện năng lượng tái tạo, trong đó có điện mặt trời có thể giúp doanh nghiệp cắt giảm phát thải hơn 83.000 tấn CO2 trong vòng 25 năm tới, tương đương với việc trồng gần 7 triệu cây xanh, phục vụ đắc lực cho chiến lược sản xuất xanh của doanh nghiệp.
Nhiều doanh nghiệp còn băn khoăn
Trên thị trường hiện có một số doanh nghiệp đã bắt đầu cung cấp dịch vụ, giải pháp về điện mặt trời áp mái dành cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, trong đó có Công ty CP Đầu tư và Phát triển Năng lượng Mặt Trời Bách Khoa (SolarBK), Quỹ đầu tư GreenYellow Việt Nam...
Doanh nghiệp có thể lựa chọn hai phương án triển khai. Một là, nhà thầu đầu tư toàn bộ chi phí lắp đặt và bán lại điện mặt trời cho chủ đầu tư với giá cạnh tranh. Hai là, chủ đầu tư tự đầu tư vốn, thuê nhà thầu thực hiện thi công, lắp đặt.
Với phương án thứ nhất, không phải doanh nghiệp nào cũng đáp ứng được điều kiện, yêu cầu. Ví dụ, GreenYellow Việt Nam đặt ra tiêu chí doanh nghiệp lắp đặt hệ thống điện mặt trời áp mái phải có quy mô diện tích nhà xưởng trên 5.000 m2, hóa đơn tiền điện hàng tháng trên dưới 500 triệu đồng, báo cáo doanh thu 3 năm gần nhất ở mức khá hoặc có lãi. Bên cạnh đó, chủ đầu tư cũng phải đảm bảo các vấn đề pháp lý như giấy phép xây dựng, chứng nhận phòng cháy chữa cháy v.v...
Trong tháng 5, Công ty TNHH Dụng cụ An Mi (An Mi Tools), doanh nghiệp sản xuất nhiều thiết bị cơ khí chính xác cho các ông lớn trong ngành công nghiệp ô tô, đã hoàn thành lắp đặt điện mặt trời áp mái với tổng diện tích 5.200 m2, công suất 730kWp/giờ.
"Anmi đã đầu tư và thấy rằng có hiệu quả tiết giảm chi phí sử dụng điện (giảm khoảng 30%), giảm nhiệt độ nhà xưởng, tăng độ bền cho mái. Thực tế, việc lắp đặt hệ thống năng lượng mặt trời rất đơn giản với bất kỳ công ty nào, mọi thứ đều do nhà thầu thực hiện”, ông Nguyễn Hồng Phong, CEO An Mi Tools cho biết.
Với các doanh nghiệp quy mô nhỏ trên dưới 2.000 m2 có thể lựa chọn mua giải pháp, thuê nhà thầu lắp đặt hệ thống điện mặt trời theo công suất phù hợp với thực tế sử dụng. Tuy nhiên, khi triển khai lắp đặt điện mặt trời, khó khăn đầu tiên đối với doanh nghiệp nhỏ là vốn đầu tư. Theo đại diện một ngân hàng ở Hà Nội, việc hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ vay vốn lắp đặt hệ thống điện mặt trời cũng tương tự như việc đầu tư máy móc, thiết bị. Với hệ thống điện mặt trời công suất nhỏ, ngân hàng hoàn toàn có thể giải ngân khoản vay trên dưới 1 tỷ đồng, phần còn lại do doanh nghiệp tự chi trả.
Tại Hội thảo ứng dụng điện mặt trời trong sản xuất công nghiệp do Hiệp hội Doanh nghiệp Công nghiệp hỗ trợ Thành phố Hà Nội mới đây, một số doanh nghiệp đã bày tỏ băn khoăn về công nghệ pin lưu trữ điện năng để phát điện vào buổi tối hoặc những ngày thiếu nắng, trời mưa. Trên thị trường đã xuất hiện một số sản phẩm pin lưu trữ năng lượng dạng lithium. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, doanh nghiệp, người dân nên sử dụng các sản phẩm pin lưu trữ đi kèm với hệ thống điện mặt trời để đảm bảo hoạt động đồng bộ, an toàn và hiệu quả. Đại diện GreenYellow cho biết, Công ty đã thí điểm triển khai hệ thống pin lưu trữ điện năng tại hai doanh nghiệp ở Việt Nam và dự kiến mở rộng trên toàn thị trường trong năm nay.
Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp mong muốn Chính phủ có thêm nhiều chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa xây dựng, lắp đặt hệ thống điện mặt trời áp mái. Hiện tại, các doanh nghiệp vẫn đang tự triển khai theo nguồn lực hiện có, thiếu tính hệ thống, gây lãng phí trong hoạt động đầu tư.
Cần mở rộng chính sách hỗ trợ phát triển điện mặt trời áp mái
Theo Dự thảo quyết định về cơ chế khuyến khích phát triển điện áp mái được Bộ Công Thương xây dựng, từ nay đến năm 2025, các tổ chức, cá nhân đầu tư phát triển hệ thống điện mặt trời áp mái được miễn trừ giấy phép hoạt động điện lực, giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh điện. Các hệ thống điện mặt trời áp mái lắp đặt tại công sở được ưu tiên bố trí ngân sách để thực hiện. Các tổ chức, cá nhân đầu tư và sử dụng hệ thống điện mặt trời áp mái được miễn giảm các loại thuế, phí; được vay vốn với lãi suất ưu đãi theo quy định của pháp luật.
Nhiều doanh nghiệp cho rằng, Dự thảo trên chỉ ưu tiên hỗ trợ nhà ở, công sở, trụ sở công ty, không đề cập đến các nhà máy sản xuất là một thiếu sót, bởi doanh nghiệp đang ở trong thế buộc phải xanh hóa quy trình sản xuất để đáp ứng các tiêu chuẩn ngày càng khắt khe của thị trường. Bên cạnh đó, Dự thảo cũng quy định không bán điện cho tổ chức, cá nhân khác. Một số ý kiến cho rằng, với những tòa nhà tổ hợp, cần tạo cơ chế cho các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân thỏa thuận trong sử dụng điện mặt trời áp mái.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư đánh giá, các cơ chế khuyến khích điện mặt trời áp mái thời gian qua còn chung chung, chưa thực sự tạo ra cơ chế mang tính hấp dẫn, thu hút việc đầu tư của các doanh nghiệp. Do đó, trong thời gian tới, cần có các kế hoạch cụ thể xây dựng chương trình hỗ trợ người dân, tổ chức, doanh nghiệp tham gia vào việc đầu tư xây dựng hệ thống điện mặt trời áp mái.
Một số chuyên gia cho rằng, trong hoạt động công nghiệp, chủ đầu tư của các khu công nghiệp có thể sẽ là đầu mối cung cấp, lưu trữ năng lượng điện mặt trời phục vụ chính các nhà máy trong khu công nghiệp. Điều này giúp quá trình đầu tư có tính hệ thống, đồng bộ, đạt tiêu chuẩn và dễ dàng trong quản lý, phân phối; đồng thời, tạo sự cạnh tranh mạnh mẽ giữa các khu công nghiệp, hướng đến phát triển bền vững.
(Theo Vneconomy)