Yên Bái tập trung hỗ trợ giảm nghèo đa chiều

  • Cập nhật: Thứ hai, 11/12/2023 | 7:22:29 AM

YênBái - Mặc dù là tỉnh miền núi còn nhiều khó khăn song ngay từ đầu nhiệm kỳ, tỉnh Yên Bái đã quan tâm ban hành các nghị quyết, chính sách đặc thù của địa phương lồng ghép với các chính sách của trung ương, dốc toàn lực cho mục tiêu giảm nghèo đa chiều.

Từ các chính sách hỗ trợ đặc thù của tỉnh, tỷ lệ hộ nghèo ở thôn người Mông Khe Kẹn, xã Cát Thịnh, huyện Văn Chấn đã giảm còn 32%.
Từ các chính sách hỗ trợ đặc thù của tỉnh, tỷ lệ hộ nghèo ở thôn người Mông Khe Kẹn, xã Cát Thịnh, huyện Văn Chấn đã giảm còn 32%.


Năm 2021, tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh giảm 2,28%; năm 2022 giảm 5,15% và đến năm 2023 giảm 3,76%. Tại hai huyện vùng cao Trạm Tấu và Mù Cang Chải, tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân 7,98% trong năm 2022 và 8,84% trong năm 2023. Tỷ lệ thiếu hụt về dịch vụ xã hội cơ bản của các hộ nghèo có sự chuyển biến tích cực, đời sống của các hộ nghèo, cận nghèo và người dân sinh sống tại các địa bàn khó khăn ngày càng được nâng cao. 

Để có được kết quả này, một trong những giải pháp trọng tâm mà tỉnh triển khai là việc áp dụng các chính sách đặc thù, khuyến khích người nghèo phát triển sản xuất, kinh doanh, hỗ trợ tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản. 

Đơn cử như: chính sách hỗ trợ phát triển nông, lâm nghiệp và thuỷ sản đã giúp hộ nghèo phát triển chăn nuôi theo hướng hàng hóa, đặc sản, hữu cơ; tham gia phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị; phát triển vùng rừng trồng nguyên liệu theo hướng bền vững… Riêng năm 2023, tỉnh đã phê duyệt kinh phí cho các chính sách này gần 47 tỷ đồng. 

Chị Lờ Thị Ca ở xã Lao Chải, huyện Mù Cang Chải được hỗ trợ 15 triệu đồng để phát triển mô hình chăn nuôi lợn, quy mô 3 lợn nái và 20 lợn thịt từ chính sách hỗ trợ phát triển chăn nuôi theo hướng hàng hóa, đến nay gia đình chị đã vươn lên thoát nghèo. 

Chị Ca cho biết: "Quá trình thực hiện mô hình, chúng tôi được quan tâm, hướng dẫn nhiệt tình và khó ở đâu thì cán bộ giúp gỡ ở đấy nên việc nghiệm thu khá thuận lợi. Ngoài việc được hỗ trợ tiền, tạo động lực để sản xuất, chúng tôi còn gây dựng được một mô hình từ chuồng trại cho đến con giống, kỹ thuật đạt chuẩn. Chuồng trại rộng đủ 32 mét vuông, có hố chứa chất thải được hướng dẫn ủ rơm, trấu để bón cho ngô rất tốt. Ngô phát triển lại trở lại thành nguồn thức ăn cho gia súc. Đến nay, sau gần 2 năm, tôi đã xuất bán được trên 1,5 tấn lợn hơi, thu về 130 triệu đồng mà trong chuồng hiện vẫn còn khoảng 20 con cả to lẫn bé”. 

Hay Đề án hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, cận nghèo cũng đã giúp người nghèo ổn định chỗ ở, yên tâm sản xuất. Năm 2023 - 2024, tỉnh đề ra mục tiêu làm mới trên 3.000 căn nhà bằng việc lồng ghép các nguồn lực từ 2 chương trình mục tiêu quốc gia cùng nguồn ngân sách tỉnh và xã hội hóa (2 nguồn này chiếm khoảng 44%). 


Điểm mới trong cách làm của Yên Bái là tỉnh đã hỗ trợ thêm cho người dân kinh phí làm nhà từ nguồn ngân sách tỉnh và xã hội hóa với mức hỗ trợ làm nhà của tỉnh là 50 triệu đồng/nhà làm mới, 25 triệu đồng/nhà sửa chữa; riêng tại 2 huyện nghèo Trạm Tấu và Mù Cang Chải mức hỗ trợ là 60 triệu đồng/nhà làm mới, 30 triệu đồng/nhà sửa chữa. Nhờ đó, đến nay, toàn tỉnh đã khởi công được gần 1.600 nhà. 

Cùng với đó là chính sách về hỗ trợ cho giáo dục, nâng cao chất lượng chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục, đặc biệt là giáo dục vùng cao, giáo dục dân tộc; chính sách về phát triển y tế, hỗ trợ thẻ bảo hiểm y tế; chính sách về đào tạo nguồn nhân lực, đào tạo nghề, làm đường giao thông nông thôn… 

Ông Vừ A Phềnh - Bí thư Chi bộ thôn Khe Kẹn, xã Cát Thịnh, huyện Văn Chấn bày tỏ: "Năm 2021, 100% người dân ở thôn Khe Kẹn là hộ nghèo nhưng đến năm nay đã giảm còn 32%. Từ làm đường giao thông, làm nhà ở cho đến sản xuất, khám chữa bệnh, con cái đi học người dân đều được Nhà nước hỗ trợ. Mặc dù hỗ trợ không nhiều như trước kia nhưng cách hỗ trợ có điều kiện đã tạo động lực mạnh mẽ giúp chúng tôi nâng cao cơ hội tiếp cận các dịch vụ cơ bản của xã hội, đẩy mạnh sản xuất và vươn lên thoát nghèo. Những chính sách đặc thù này đang bám sát với nhu cầu thực tế, đáp ứng nguyện vọng của người nghèo chúng tôi”. 

Có thể thấy, các chính sách đặc thù không chỉ trợ giúp toàn diện, thiết thực đối với địa bàn nghèo, người nghèo, tạo cơ hội cho các địa phương, hộ gia đình vươn lên thoát nghèo một cách bền vững mà còn góp phần thay đổi nhận thức, khơi dậy ý chí nỗ lực hăng hái lao động sản xuất, tự lực vươn lên xây dựng cuộc sống ấm no, hạnh phúc.

Hoài Anh

Tags Yên Bái tập trung hỗ trợ giảm nghèo Trạm Tấu Mù Cang Chải Lao Chải

Các tin khác
Lãnh đạo huyện Yên Bình và hai ngân hàng trao hỗ trợ làm nhà ở và quà cho hộ bà Nguyễn Thị Đàm, thôn Mạ, xã Vĩnh Kiên.

Ngày 9/12, huyện Yên Bình phối hợp Văn phòng UBND tỉnh, Ngân hàng Vietinbank Chi nhánh Đông Hà Nội, Ngân hàng Vietinbank Chi nhánh Yên Bái trao kinh phí hỗ trợ làm nhà ở cho 3 hộ nghèo.

Nhờ sử dụng nguồn vốn vay có hiệu quả nên nhiều hộ dân ở Mù Cang Chải từ diện khó khăn nay thành hộ khá, hộ sản xuất, kinh doanh giỏi.

Những năm qua nhờ được tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách Xã hội (NHCSXH), hàng trăm hộ nghèo, cận nghèo trên địa bàn huyện vùng cao Mù Cang Chải đã có thêm nguồn lực đầu tư phát triển kinh tế.

Các chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất của tỉnh đã góp phần thúc đẩy sản xuất theo hướng hàng hóa, tạo việc làm và nâng cao thu nhập cho  nông dân Mù Cang Chải.

Từ đầu năm đến nay, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Mù Cang Chải phối hợp với Phòng Tài chính - Kế hoạch và UBND các xã nghiệm thu 168 cơ sở phát triển chăn nuôi theo hướng sản xuất sản phẩm hàng hóa, đặc sản, hữu cơ. Tổng kinh phí giải ngân trên 3,2 tỷ đồng.

Tủ sách cộng đồng cung cấp nhiều thông tin hữu ích cho người dân.

Thực hiện các giải pháp giảm nghèo về thông tin cho người dân, bên cạnh việc giúp người dân tiếp cận thông tin từ công nghệ số, nhiều khu dân cư trên địa bàn tỉnh Yên Bái đã xây dựng và duy trì hiệu quả tủ sách cộng đồng, giúp người dân dễ dàng tiếp cận các thông tin phục vụ đời sống.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục