Cùng với đó, bài giảng của cô giáo được chuẩn bị kỹ lưỡng từ kiến thức đến hình ảnh minh họa đã giúp các em được trải nghiệm môi trường kỹ thuật số, tăng sự tương tác và nâng cao khả năng ghi nhớ và tự học của các em.
Em Lò Thị Huệ - học sinh lớp 7A hào hứng: "Chúng em được học bằng hình ảnh sinh động nên dễ nhớ, dễ thuộc bài hơn và mỗi tiết học trở nên sinh động, không nhàm chán”.
Cô giáo Sao cho biết: "Với 100% học sinh là người dân tộc thiểu số, việc tiếp cận với công nghệ của học sinh còn nhiều hạn chế, nên khi các bài giảng ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) đã giúp học sinh hứng thú hơn với các bài học. Thông qua đồ họa, hình ảnh, âm thanh trên bảng tương tác giúp học sinh học tốt môn ngoại ngữ, phát triển song song các kỹ năng nghe, nói, đọc, viết”.
So với các tiết học thông thường, tiết học triển khai trong phòng học thông minh, phòng học tương tác đã tạo hứng thú cho cả giáo viên và học sinh do nguồn tư liệu phong phú được lấy trực tiếp từ ngân hàng hiện có hoặc khai thác từ hệ thống Internet trực tiếp từ màn hình thông minh. Tuy nhiên, số lượng phòng học tương tác trên địa bàn Trạm Tấu còn ít, chưa đáp ứng nhu cầu giảng dạy và học tập của thầy và trò.
Ông Bùi Thanh Tùng - Phó Trưởng phòng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Trạm Tấu thông tin: "Huyện có 27/27 trường học có đường truyền mạng Internet; 100% trường học được trang bị máy tính phục vụ quản lý, hành chính và có 21 phòng học thông minh, phòng học tiên tiến tại 5 đơn vị trường học. Tuy còn rất nhiều khó khăn như: nguồn nhân lực CNTT phục vụ yêu cầu chuyển đổi số (CĐS) thiếu; đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên chưa thực sự thành thạo sử dụng các phần mềm phục vụ dạy và học; hạ tầng mạng, trang thiết bị CNTT còn thiếu, chưa đồng bộ, nhưng bước đầu, CĐS trong công tác giảng dạy, quản lý đã tạo ra những hiệu ứng tích cực”.
Với Trường Phổ thông Dân tộc Bán trú Tiểu học & THCS Chế Cu Nha, huyện Mù Cang Chải, để nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, nhà trường đã xây dựng lộ trình thực hiện CĐS trong công tác giảng dạy.
Cùng với tuyên truyền nâng cao nhận thức cho đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên về vai trò, lợi ích của CĐS trong dạy học và quản lý giáo dục; tổ chức tập huấn khai thác, sử dụng phần mềm hỗ trợ giảng dạy các môn học cho cán bộ, giáo viên, nhà trường đã quan tâm đầu tư, trang bị cơ sở vật chất, hạ tầng công nghệ giúp giáo viên có thể khai thác đa dạng tài nguyên âm thanh, hình ảnh số, giúp giờ học sinh động, tạo môi trường tương tác toàn diện giữa thầy và trò. Hiện, nhà trường được trang bị 9 bảng tương tác, 5 ti vi và triển khai giáo án, sổ điểm điện tử, học bạ điện tử, số hóa các hồ sơ...
Thầy giáo Hoàng Tiến Thịnh - Hiệu trưởng nhà trường đánh giá: "Qua thời gian thực hiện CĐS, nhất là ứng dụng phần mềm công nghệ vào công tác quản lý, điều hành, trường chúng tôi tiết kiệm khá nhiều thời gian, chi phí, đảm bảo nhanh chóng, linh hoạt và tiện lợi, góp phần nâng cao chất lượng quản lý, điều hành, tạo điều kiện, nền tảng nâng cao chất lượng giảng dạy và học tập”.
Trước yêu cầu CĐS đang diễn ra mạnh mẽ, ngành giáo dục và đào tạo Yên Bái xác định sứ mệnh tiên phong trong thực hiện nhiệm vụ này, góp phần rút ngắn quá trình đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục, nhất là đối với các trường học ở vùng sâu, vùng xa. Tuy có nhiều nỗ lực nhưng khó khăn chung của các trường học ở vùng cao Yên Bái trong quá trình CĐS vào việc dạy học là cơ sở vật chất, hạ tầng mạng, trang thiết bị công nghệ thông tin… còn thiếu, chưa đồng bộ.
Cùng với đó, ở vùng cao đa số phụ huynh có đời sống kinh tế khó khăn, không có khả năng tiếp cận phần mềm, các ứng dụng. Bởi vậy, các trường học vùng cao mong muốn tỉnh tăng cường đầu tư thiết bị công nghệ thông tin; tiếp tục tổ chức tập huấn, bồi dưỡng cho đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên về CĐS, kỹ năng ứng dụng CNTT trong giảng dạy để thúc đẩy đổi mới, sáng tạo, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện cho vùng cao.
Thanh Chi