Xôn xao khi ngoại ngữ thành môn thi tự chọn: Bộ Giáo dục và Đào tạo nói gì?

  • Cập nhật: Thứ năm, 30/11/2023 | 8:50:32 AM

Nhiều ý kiến không đồng tình khi từ năm 2025, môn ngoại ngữ không còn là môn thi bắt buộc trong kỳ thi tốt nghiệp THPT. Bộ Giáo dục và Đào tạo nói gì?

Thí sinh dự kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023 tại một điểm thi ở Hà Nội
Thí sinh dự kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023 tại một điểm thi ở Hà Nội

Theo phương án 2+2, về cơ bản, 3/4 môn là trùng với tổ hợp định hướng tuyển sinh, học sinh sẽ chú ý học ngay từ khi vào đầu cấp nên giảm nhẹ được khâu ôn thi tốt nghiệp, tạo điều kiện cho việc đẩy sớm được kỳ thi tốt nghiệp THPT vì thế cũng hạn chế việc học thêm, tránh thời tiết nắng nóng, tăng thời gian cho công tác tuyển sinh.

Ông HUỲNH VĂN CHƯƠNG 

Chiều 29-11, Bộ Giáo dục và Đào tạo chính thức công bố phương án thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025. Theo đó, phương án được chốt là 2+2, gồm hai môn bắt buộc là toán và ngữ văn và hai môn tự chọn nằm trong số các môn học lớp 12 của Chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Trao đổi với Tuổi Trẻ về phương án 2+2, ông Huỳnh Văn Chương - Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng giáo dục (Bộ Giáo dục và Đào tạo), cho biết Bộ Giáo dục và Đào tạo đã thận trọng nghiên cứu, lấy ý kiến các đối tượng phù hợp gồm giáo viên THPT và cán bộ quản lý cấp trường, sở; chuyên gia, đại diện các ban ngành để đưa ra lựa chọn cuối cùng.

"Phương án này đảm bảo được các nguyên tắc lớn để căn cứ đề xuất phương án, trong đó bám sát chủ trương, nghị quyết của Đảng, Quốc hội, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và Chương trình giáo dục phổ thông 2018, kế thừa những kết quả nhiều năm qua về công tác tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT" - ông Chương nói.

* Các kỳ thi tốt nghiệp THPT nhiều năm nay ngoại ngữ luôn là môn thi bắt buộc. Trong Chương trình giáo dục phổ thông 2018 cấp THPT, nó cũng nằm trong nhóm môn học bắt buộc. Vậy vì sao từ năm 2025, môn ngoại ngữ lại không còn là môn thi bắt buộc, thưa ông?

- Việc lựa chọn môn thi chúng tôi đã cân nhắc kỹ lưỡng trên cơ sở phân tích Chương trình giáo dục phổ thông 2018, đặc thù môn học, kinh nghiệm quốc tế và tình hình thực tiễn trong nước.

Bộ Giáo dục và Đào tạo xác định ngoại ngữ là môn học quan trọng, có tính bắt buộc ở các bậc học. Ở bậc tiểu học, THCS, THPT theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018, ngoại ngữ là môn học bắt buộc với mọi học sinh từ lớp 3 cho đến lớp 12.

Ở bậc học cao đẳng, đại học, ngoại ngữ cũng là môn học duy nhất tiếp tục được quy định một cách bắt buộc (quyết định 1982/QĐ-TTg 2016 phê duyệt Khung trình độ quốc gia Việt Nam) về chuẩn đầu ra (bậc 2 với trình độ cao đẳng, bậc 3 với trình độ đại học theo Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc của Việt Nam).

Như vậy, dù không thi bắt buộc với mọi học sinh ở kỳ thi THPT nhưng ngoại ngữ vẫn là môn học bắt buộc với mọi học sinh từ lớp 3 đến hết các bậc học cao đẳng, đại học (nếu các em học tiếp sau THPT).

Môn ngoại ngữ giống như các môn học khác đều có đánh giá bằng điểm số trong quá trình dạy học. Kết quả học tập môn ngoại ngữ ở các bậc học này có ý nghĩa quan trọng ngay trong quá trình học tập mà không phụ thuộc vào kỳ thi tốt nghiệp THPT.

* Ngoại ngữ không còn là môn thi bắt buộc có thể sẽ khiến khoảng cách trình độ ngoại ngữ của lớp trẻ ở các vùng miền bị đẩy xa hơn nữa và rất có thể sẽ tụt dốc ở một số địa phương. Bộ có tính đến tình huống này không?

- Một ngoại ngữ bất kỳ đều có bốn kỹ năng nghe, nói, đọc, viết. Với đặc điểm của kỳ thi tốt nghiệp THPT hiện nay là làm bài thi trên giấy nên với môn ngoại ngữ chỉ đánh giá được kỹ năng đọc. Do vậy, việc đánh giá năng lực ngoại ngữ theo quá trình (đầy đủ bốn kỹ năng) phù hợp hơn so với đánh giá tổng kết (chỉ một kỹ năng đọc ở kỳ thi tốt nghiệp THPT).

Đúng là ở Việt Nam, kết quả môn ngoại ngữ của kỳ thi tốt nghiệp THPT rất chênh lệch giữa các khu vực khác biệt về cơ sở vật chất và đầu tư học tập cho con người. Ví dụ với môn tiếng Anh, các địa phương có điểm trung bình cao nhất là TP.HCM, Bình Dương, Hà Nội, Đà Nẵng, Hải Phòng... Còn các địa phương có điểm trung bình thấp nhất là Hà Giang, Điện Biên, Sơn La, Đắk Nông...

Sự chênh lệch này đã được ghi nhận trong nhiều năm. Nên dù có là môn thi bắt buộc với mọi học sinh nhưng nếu không tăng cường đầu tư về cơ sở vật chất và con người thì kết quả học ngoại ngữ vẫn khó được cải thiện.

Như vậy, để cải thiện chất lượng học tập môn ngoại ngữ, Bộ Giáo dục và Đào tạo xác định phải dựa trên nền tảng cải thiện về cơ sở vật chất và đầu tư cho con người trong việc giảng dạy và học tập môn học này.

Nhìn ra thế giới, cũng rất ít quốc gia và vùng lãnh thổ lựa chọn ngoại ngữ là môn thi bắt buộc trong kỳ thi cấp quốc gia.

* Việc giảm số môn thi có nhiều lợi thế nhưng cũng có ý kiến cho rằng sẽ giảm động lực học tập của học sinh. Đặc biệt ở nhiều nhà trường có thể sẽ cắt giảm bớt tiết môn học không thi dẫn tới không thực hiện đủ chương trình. Bộ Giáo dục và Đào tạo có giải pháp nào cho tình trạng này?

- Các cơ sở giáo dục phải thực hiện đầy đủ khối lượng học tập của từng môn học đã được quy định trong thông tư 32/2018-TT-BGDĐT được sửa đổi bởi thông tư 13/2022-TT-BGDĐT. Công tác kiểm tra, giám sát được thực hiện đúng và đủ sẽ đảm bảo yêu cầu này.

Mặc dù phương án thi 2+2 chỉ thi bốn môn, nhưng việc xét tốt nghiệp yêu cầu phải có kết quả học tập của tất cả các môn học qua việc đánh giá quá trình. Hiện nay, tỉ lệ điểm thi tốt nghiệp và điểm quá trình là 7/3 (điểm thi chiếm 70%, điểm đánh giá kết quả học tập của học sinh ở lớp 12 là 30%).

Vấn đề này Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ nghiên cứu kỹ lưỡng có tăng hay không tỉ lệ điểm quá trình cũng như ngưỡng điểm trung bình của đánh giá quá trình mỗi môn học như điều kiện để được thi tốt nghiệp.

Dữ liệu & đồ họa: MINH GIẢNG

(Theo TTO)

Các tin khác
Robot dạy tiếng Anh

Robot gia sư đóng vai trò như một trợ giảng trong lớp học và có khả năng giao tiếp bằng tiếng Anh như người bản xứ.

Nữ sinh THPT tại TP.HCM.

Bộ Giáo dục -Đào tạo công bố phương án tổ chức kỳ thi và xét công nhận tốt nghiệp THPT từ năm 2025. Phương án được lựa chọn là phương án 2+2, tức là 2 môn thi bắt buộc (Ngữ văn, Toán) và 2 môn lựa chọn.

Ban tổ chức trao 18 giải cuộc thi khoa học kỹ thuật dành cho học sinh THCS có sản phẩm xuất sắc.

Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Văn Yên vừa tổ chức Ngày hội STEM và cuộc thi khoa học kỹ thuật (KHKT) dành cho học sinh THCS huyện năm học 2023- 2024.

Cô và trò điểm trường Cu Vai, Trường Mầm non Hoa Hồng, xã Xà Hồ

Cu Vai được biết đến là một bản người Mông nằm biệt lập trên ngọn núi cao 1.000 mét so với mực nước biển, được bao phủ bởi sương mù quanh năm. Chính vì thế mà nhiều người xem nơi này như “thiên đường” tách biệt với cuộc sống bên ngoài.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục