Tư tưởng tiến bộ hơn những chị em trong thôn bản có trong con người Lý Thị Cầu từ khi còn là cô học trò vùng cao, để Cầu là số ít phụ nữ ở xã thời điểm đó tốt nghiệp trung học phổ thông.
Cũng bởi vậy khi được học hành ngày một nhiều, Cầu càng hiểu rõ hơn những thiệt thòi của người phụ nữ vùng cao đến từ nhiều nguyên nhân, mà một trong những nguyên nhân quan trọng là họ thiếu kiến thức, ít được học hành nên thường cam chịu, nhẫn nhục. Cũng bởi vậy, khi trở thành cán bộ Hội Phụ nữ, điều Lý Thị Cầu luôn nghĩ đến là làm thế nào để nhiều chị em tham gia sinh hoạt Hội, có cơ hội giao lưu xã hội, có thêm nhiều kiến thức để thêm tự tin trong cuộc sống, bước ra khỏi cái vòng luẩn quẩn của cam chịu, thiệt thòi.
Lý Thị Cầu vẫn nhớ: "Ngày trước, đi vận động chị em tham gia vào sinh hoạt Hội là rất khó khăn. Bản thân rất nhiều chị em vô cùng tự ti, còn những ông chồng thì không thích vợ tham gia, sợ vợ khôn hơn chồng, không nghe lời chồng”. Nhưng sự kiên trì trong Cầu luôn có sẵn, bởi mong muốn được đồng hành cùng với chị em vùng cao vươn lên. Mưa dầm thấm lâu, nhiều chị em trong các thôn bản được sự tuyên truyền, động viên, khích lệ, cùng sự giải thích tận tình của Cầu dần hiểu ra những lợi ích khi tham gia vào tổ chức Hội và mạnh dạn trở thành hội viên phụ nữ.
Chị Vì Thị Ngân - hội viên Chi hội Phụ nữ thôn Pa Te bảo rằng: "Trước đây, mình luôn nghĩ phụ nữ thì chỉ nên ở nhà, lo làm nương rẫy, việc nhà, nghe lời chồng. Khi được chị Cầu động viên tham gia vào tổ chức Hội Phụ nữ, ban đầu mình cũng e dè lắm. Nhưng chị Cầu nói rõ cho mình hiểu mình sẽ được gì khi là hội viên, mà quan trọng nhất là bản thân phải biết nỗ lực, mở rộng quan hệ xã hội hơn, không chỉ bó hẹp quẩn quanh ở nhà như vậy. Đến giờ, nhờ tham gia sinh hoạt Hội mà mình có được sự tự tin mà trước nay chưa có. Mình mạnh dạn tham gia múa hát trên các sân khấu ở xã, ở huyện. Mình cũng có nhiều kiến thức chăm sóc gia đình hơn, con cái hơn, có được nhiều hiểu biết xã hội hơn trước”.
Sinh ra và lớn lên ở vùng cao này, nên Lý Thị Cầu hiểu rất rõ một trong những lý do khiến cuộc sống của chị em vùng cao vốn đã khổ càng thêm khổ đó lấy chồng sớm, rồi sinh nhiều con. Chị muốn chị em cũng hiểu rõ điều này. Chi hội Phụ nữ thôn Pa Te được Cầu chọn làm điểm thực hiện mô hình không sinh con thứ ba trở lên. Việc tuyên truyền để thay đổi tư tưởng của các gia đình hội viên, phụ nữ cũng chưa bao giờ dễ dàng, nhất là phải đối diện với những sự "khó chịu” từ phía người chồng của các hội viên.
Cứ kiên trì tuyên truyền, rồi phối hợp với nhà trường tuyên truyền học sinh không kết hôm sớm, Cầu dần đã giúp chị em hội viên và gia đình hiểu rõ những hệ lụy của việc sinh nhiều con mà tự nguyện thực hiện kế hoạch hóa gia đình, thực hiện đúng chính sách dân số. Pa Te sau đó 5 năm liên tục không có gia đình hội viên sinh con thứ 3, từ năm 2016 đến nay không có nữ học sinh nào là không được đến trường.
Những kết quả đạt được tạo thêm động lực để Lý Thị Cầu tiếp tục nhiệt huyết vì phong trào và công tác Hội. Để giúp chị em trong phát triển kinh tế, Cầu cùng Ban Chấp hành Hội LHPN xã chỉ đạo các chi hội sát sao trong việc giúp hộ có phụ nữ nghèo làm chủ tiếp cận nguồn vốn tín dụng chính sách; vận động chị em giúp nhau ngày công hái chè, gặt lúa, trồng màu; cho mượn đất để sản xuất…, đặc biệt là tích cực khích lệ chị em nỗ lực vươn lên. Đã có những điển hình chị em trong phát triển kinh tế gia đình, như chị Lý Thị Ninh ở Chi hội Tống Trong và chị Lý Thị Dông ở Chi hội Háng Tầu mạnh dạn phát triển kinh doanh trang phục Mông…
Những năm qua, dưới sự chỉ đạo của Hội LHPN xã, phụ nữ Túc Đán cũng rất tích cực đóng góp xây dựng nông thôn mới gắn với phong trào, hoạt động Hội, nhất là trong thực hiện tiêu chí môi trường. Chị Lý Thị Cầu sát sao chỉ đạo các chi hội thực hiện mô hình "Nhà sạch vườn đẹp”; thường xuyên lồng ghép tuyên truyền về thực hiện tiêu chí xây dựng gia đình "5 không, 3 sạch” cho các hội viên. Hội LHPN xã cũng đã triển khai sáng kiến "Vì một môi trường xanh, sạch, đẹp” tại 6/6 chi hội với các hoạt động điển hình như làm phân hữu cơ để trồng rau sạch tại nhà và bón cho cây trồng, may túi vải đi chợ hạn chế sử dụng túi ni lông và đã được nhiều chị em hưởng ứng tham gia.
Trong năm 2023, nhiều phần việc, hoạt động góp phần xây dựng nông thôn mới đã được chị em thực hiện, như: tham gia làm đường giao thông nông thôn tại thôn Pa Te; đóng góp làm nhà văn hóa thôn Pa Te và Pá Khoang; tham gia tu sửa đường từ Háng Tầu và Tống Trong; tham gia làm mới công trình nước sạch tại thôn Tống Ngoài…
Năm 2023, Hội LHPN xã Túc Đán cũng đã kết nạp được 11 hội viên, vượt 3 hội viên so với chỉ tiêu đặt ra. Đó là một trong những kết quả cho thấy sự tin tưởng của phụ nữ trong xã đối với tổ chức Hội sau những nỗ lực không mệt mỏi của những cán bộ phụ nữ năng nổ, nhiệt huyết như chị Lý Thị Cầu.
Thu Hạnh