Một nhà báo dù đã nghỉ hưu vẫn... đang làm báo

  • Cập nhật: Thứ bảy, 21/6/2008 | 12:00:00 AM

YênBái - YBĐT - Có trình độ đại học báo chí, anh đã nhiều năm làm Báo Yên Bái, Báo Hoàng Liên Sơn. Anh đã từng giữ chức Tổng biên tập Báo Hoàng Liên Sơn, Báo Yên Bái, Chủ tịch Hội Nhà báo Hoàng Liên Sơn, Hội Nhà báo Yên Bái và là Ủy viên Ban chấp hành Hội Nhà báo Việt Nam khóa V... Từ ngày về hưu đến nay, anh vẫn không một ngày nghỉ làm báo. Một công việc mà người viết bài này đoán chắc rất ít người làm được.

Trong hội nghị Chi ủy mở rộng (đến các tổ trưởng Đảng, tổ trưởng nhân dân là đảng viên) chuẩn bị cho Đại hội Chi bộ sắp tới, nhiều đồng chí vẫn đề nghị ghi tên anh trong danh sách đề cử vào cấp ủy. Một số đồng chí cho rằng nên để anh nghỉ, bởi anh đã ngoài 70 tuổi, đã làm Phó bí thư Chi bộ, phụ trách công tác tổ chức và tư tưởng từ lúc về hưu, hơn chục năm nay.

Bàn cãi khá sôi nổi, thậm chí căng thẳng, có ý kiến đến mức nặng nề: vì sự vững mạnh của Chi bộ nhưng đồng thời cũng phải biết thương lấy đồng chí mình chứ! Đó là chưa kể anh còn sinh hoạt nhiều hội, nhiều câu lạc bộ nữa. Người đảng viên cao tuổi, cán bộ cơ sở của Đảng mẫu mực đó là đồng chí Bội Đông (Nguyễn Bội Đông), cư trú tại Tổ nhân dân số 4, phường Minh Tân, thành phố Yên Bái, sinh hoạt tại Chi bộ Tân Dân 1.

Đến đây, chắc nhiều bạn đọc sẽ "à" lên một tiếng khi nhận ra anh. Có trình độ đại học báo chí, anh đã nhiều năm làm Báo Yên Bái, Báo Hoàng Liên Sơn. Anh đã từng giữ chức Tổng biên tập Báo Hoàng Liên Sơn, Báo Yên Bái, Chủ tịch Hội Nhà báo Hoàng Liên Sơn, Hội Nhà báo Yên Bái và là Ủy viên Ban chấp hành Hội Nhà báo Việt Nam khóa V...

Anh là một người giản dị, chu đáo, cần cù trong đời sống thường ngày. Chiều chiều, anh vẫn đi đón cháu nhỏ từ trường mầm non về. Hai ông cháu rủ rỉ trên chiếc xe đã cũ. Mỗi khi đến họp, anh ăn mặc, đi đứng nghiêm trang. Khi thuyết trình một vấn đề hoặc phát biểu ý kiến, anh đều chuẩn bị kỹ lưỡng trên giấy, trong sổ tay, không bao giờ "nói vo" hay tán ra tùy tiện như một số người. Giọng anh nhỏ nhẹ, mềm mỏng, thân mật rất dễ lọt tai, kể cả những người "khó tính".

Điều quan trọng và vô cùng quý giá là từ ngày về hưu đến nay, anh vẫn không một ngày nghỉ làm báo. Một công việc mà người viết bài này đoán chắc rất ít người làm được. Mỗi tháng ít nhất anh có một cuộc thuyết trình tổng hợp tình hình thời sự chính trị, kinh tế, xã hội trong nước, thế giới và địa phương Yên Bái với thời gian 40 phút trước Chi bộ (Chi bộ anh sinh hoạt có trên 50 đảng viên, trong đó có cả các đồng chí nguyên là Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh, các trưởng ban, ngành, bí thư huyện ủy...).

Dường như anh là một cái kho tri thức lớn, thường xuyên nhập và xuất những kiến thức về chính trị, xã hội. Anh có thể nói ngọn ngành về công cuộc đổi mới đất nước, từ cơ sở xã hội thời bao cấp đến đòi hỏi bức thiết của phương thức sản xuất và sức sản xuất mới, quá trình và thành tựu của đổi mới, các gương điển hình tiên tiến.

Khi Việt Nam gia nhập WTO, anh không chỉ thông tin mà còn cung cấp cho người nghe những kiến thức phổ thông rất đáng quý như: WTO là gì, phân biệt giữa WTO (OMC) với WTO (Tổ chức Du lịch thế giới), Việt Nam gia nhập tổ chức đó có khó khăn và thuận lợi gì, đất nước sẽ phát triển phồn thịnh ra sao... Đối với ASEAN (Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á), UNDP (Chương trình Phát triển Liên hiệp quốc)... cũng vậy, anh đều có thể thỏa mãn người nghe trong mọi vấn đề.

Ở Chi bộ chúng tôi, đặc biệt thú vị khi nghe anh thông tin về sự kiện Đ.Mét-vê-đép trúng cử Tổng thống Liên bang Nga và tiếp quản một nước Nga sau hai nhiệm kỳ của Tổng thống Putin. Và việc tiếp quản ghế Thủ tướng của ông Putin để trở thành một "bộ đôi" với Đ.Mét-vê-đép lãnh đạo nước Nga vào một thời kỳ phát triển mới. Hoặc như kỳ sinh hoạt tháng 6 vừa qua, anh nói về trận bão ở Mi-an-ma, động đất ở Tứ Xuyên - Trung Quốc. Những tin tức này, loáng thoáng ở đâu đó, ai cũng đã nghe, nhưng qua anh, người ta tiếp thu được một cách hào hứng với một thái độ, tình cảm đúng mực.

Trong khoảng thời gian cho phép, bao giờ anh cũng dành phần thích đáng cho các vấn đề trong nước và trong tỉnh. Các vấn đề lớn như kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa XII khai mạc ngày 6 tháng 5 vừa qua hoặc các chủ trương phát triển kinh tế, văn hóa, du lịch của Yên Bái, anh đều giúp mọi người những hiểu biết cần thiết. Nếu biến tất cả những nội dung thời sự chính trị đó thành những con số cụ thể, xem ra cũng không nhỏ chút nào.

Mỗi tháng một lần, mỗi lần 40 phút thì trong vòng 12 năm qua, anh đã nói chuyện thời sự khoảng gần 100 giờ đồng hồ! Trong khi đó, anh còn thường xuyên viết bài cho các báo, đặc biệt là Báo Yên Bái. Hàng trăm bài báo của anh trong các chuyên mục "Chuyện hàng ngày", "Sinh hoạt tư tưởng" và các mục khác. Anh đã thực sự là người dùng ngọn bút làm vũ khí sắc bén, góp phần đáng kể vào việc giáo dục tư tưởng nói chung theo một khuynh hướng cách mạng nhân văn mới.

Văn báo chí của anh giản dị nhưng sâu sắc, chi tiết sự việc nhỏ nhưng ý nghĩa lớn. Mỗi bài viết thể hiện rất rõ hai mặt của một vấn đề: tuyên dương (cái tốt) và phê phán (cái chưa tốt hoặc xấu). Theo dõi một bà lão bất hạnh đi xin trên đường phố, ta thấy đâu là người nhân ái cảm thông, đâu là kẻ thờ ơ lạnh nhạt. Một người đi đường gặp phải trời mưa lại hỏng xe, gặp được một gia đình tốt cho trú, chữa giúp xe... Sự việc đó lại biến thành câu chuyện cho một cháu nhỏ kể trong giờ tập làm văn nói, được cô giáo khen... Những bài báo hay như thế được ký bằng nhiều bút danh, thực sự đã là những tác phẩm báo chí có giá trị đóng góp cho địa phương trong việc xây dựng con người và văn hóa xã hội.

Nhà thơ, nhà báo Bế Kiến Quốc tự nói với mình rằng: "...Làm báo thật là hạnh phúc. Mỗi số báo ra đều được chờ đón". Những bài báo như trên của anh Bội Đông cũng được bạn đọc chờ đón hào hứng như vậy. Một người suốt đời làm báo như anh, chắc chắn anh suốt đời hạnh phúc!

Hán Trung Châu

Các tin khác
Giờ học của cô và trò trường mầm non Tú Lệ.

YBĐT - Qua câu chuyện tôi biết chị là Nguyền Thị Nga, hiệu trưởng trường mầm non Tú Lệ, xã Tú Lệ huyện Văn Chấn (Yên Bái), người đã có gần 15 năm gắn bó với những trẻ em nghèo vùng cao.

Anh Cù Văn Phục chăm sóc đàn dê.

YBĐT - Theo chị Hoàng Thị Thư - Chủ tịch Hội Nông dân xã Liễu Đô, huyện Lục Yên (Yên Bái), chúng tôi về thôn Ngòi Kèn đến thăm gia đình anh Cù Văn Phục - một người đã vượt lên thương tật để vươn lên thoát nghèo.

Anh Tuấn đang kiểm tra mật độ cá.

YBĐT - Dám nghĩ dám làm, anh Hoàng Văn Tuấn ở thôn 6, xã Hợp Minh đã trở thành một triệu phú cá lúa ở Trấn Yên (Yên Bái)

Chị Hà Thị Liễn (người bên trái) trao đổi chuyên môn
với cán bộ phụ nữ xã.

YBĐT - “Những năm đầu nhận việc, không ít lần chị em không hiểu, chồng con không thông cảm khiến tôi nản chí, nản lòng muốn bỏ việc…”. Nhưng cái nản lòng của chị đã không thắng nổi tinh thần trách nhiệm muốn góp sức làm vơi bớt nhọc nhằn cho chị em thôn bản, nên chỉ là cái nản lòng trong chốc lát. Để rồi thấm thoát chị Hà Thị Liễn đã gắn bó với vai trò Hội trưởng chi hội phụ nữ kiêm cán bộ dân số bản Sang Thái, xã Nghĩa Lợi, thị xã Nghĩa Lộ 12 năm nay.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục