Yên Bái xây dựng văn hóa giao thông trong học sinh, sinh viên

  • Cập nhật: Thứ hai, 27/3/2023 | 8:08:42 AM

YênBái - Liên tiếp các hành vi vi phạm pháp luật trật tự an toàn giao thông (TTATGT) và va chạm, tai nạn giao thông (TNGT) có liên quan đến học sinh, sinh viên trên địa bàn thời gian qua cho thấy sự thiếu kỹ năng cũng như ý thức và nhận thức của nhóm đối tượng này khi tham gia giao thông.

Học sinh Trường Tiểu học Nguyễn Viết Xuân, huyện Yên Bình được hướng dẫn đi bộ sang đường đúng cách.
Học sinh Trường Tiểu học Nguyễn Viết Xuân, huyện Yên Bình được hướng dẫn đi bộ sang đường đúng cách.

Chính vì vậy, ngành giáo dục và đào tạo (GD&ĐT) đã triển khai nhiều giải pháp để xây dựng, hình thành văn hóa giao thông, từng bước nâng cao ý thức, nhận thức chấp hành pháp luật ATGT khi tham gia giao thông cho học sinh các cấp học.

Những năm qua, công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật ATGT trong trường học luôn được các cấp ngành quan tâm triển khai thực hiện. Tuy nhiên, bất chấp những nỗ lực đó, tình trạng vi phạm pháp luật ATGT trong học sinh, sinh viên vẫn thường xuyên xảy ra và có chiều hướng gia tăng. 

Không khó để bắt gặp hình ảnh những thanh, thiếu niên mặc áo đồng phục đi xe đạp điện, xe máy điện không đội mũ bảo hiểm, chở quá số người quy định, vượt đèn đỏ, tránh vượt sai quy định, dàn hàng ngang trên đường vừa đi vừa nói chuyện...  diễn ra hàng ngày trên các tuyến đường. 

Đặc biệt, thời gian qua, lực lượng cảnh sát giao thông đã ghi nhận, xử lý nhiều trường hợp học sinh điều khiển xe mô tô trên 50 phân khối khi chưa đủ tuổi, đua xe, bốc đầu, thậm chí là trêu ngươi lực lượng chức năng. Hệ quả của những hành vi vi phạm đó đã dẫn đến các vụ va chạm, TNGT thương tâm. 

Để giảm các hành vi vi phạm giao thông, tiến tới xây dựng văn hóa giao thông cho học sinh, sinh viên, ngành GD&ĐT xác định công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật ATGT là nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu. Theo đó, Sở GD&ĐT chỉ đạo các đơn vị trường học trên địa bàn chủ động xây dựng kế hoạch và triển khai tuyên truyền đến cán bộ, giáo viên, học sinh và phụ huynh khi tham gia giao thông nâng cao ý thức tự giác tuân thủ pháp luật, nhất là việc học sinh và trẻ em bắt buộc phải đội mũ bảo hiểm; có biện pháp phòng tránh TNGT, nhất là tai nạn xe mô tô, xe khách và đường thủy. 

Trên cơ sở đó, các trường học đã phối hợp với công an xã, cảnh sát giao thông tổ chức các buổi tuyên truyền ngoại khóa về ATGT; tổ chức ký cam kết với cha mẹ, người giám hộ học sinh thực hiện không giao xe mô tô cho người chưa đủ tuổi, chưa có giấy phép lái xe đồng thời ký cam kết với học sinh tuân thủ các quy định khi đi xe đạp điện, mặc áo phao khi đi đò, không tụ tập trước cổng trường, đi xe dàn hàng ngang gây cản trở, ùn tắc giao thông. 


Ông Đào Anh Tuấn - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT cho biết: "Sở đã chỉ đạo các trường học rà soát, thống kê những trường hợp sử dụng xe đạp điện, xe máy điện... để tăng cường tuyên truyền, phổ biến quy định về việc tham gia giao thông, nhất là việc phải đội mũ bảo hiểm. Bên cạnh đó, các trường học cũng phải tổng hợp những trường hợp đi xe trên 50 phân khối, sau đó mời phụ huynh đến ký cam kết. 

Ngoài ra, ngành cũng tăng cường công tác kiểm tra đột xuất và áp dụng các hình thức xử lý kỷ luật kịp thời các hành vi vi phạm ATGT trong học sinh, sinh viên để từ đó tạo sự chuyển biến rõ nét trong nhận thức và ý thức trong tham gia giao thông của học sinh, sinh viên”. 

Thời gian tới, ngành tiếp tục duy trì và phát huy hiệu quả của 385/442 mô hình "Cổng trường em sạch đẹp, an toàn” và "Cổng trường an toàn giao thông”; trong đó, tập trung bố trí phân luồng phương tiện, quy định giờ đưa đón con để hạn chế ùn tắc trước cổng trường, tổ chức đội cờ đỏ, tự quản nhắc nhở những học sinh không tuân thủ quy định, thông tin kịp thời về vi phạm với cha mẹ học sinh để phối hợp quản lý qua mạng xã hội... 

Cùng với đó, ngành sẽ nâng cao trách nhiệm của trưởng phòng GD&ĐT, hiệu trưởng các nhà trường trong công tác bảo đảm TTATGT và coi đây là một tiêu chí đánh giá trong việc thực hiện các nhiệm vụ trong Chương trình hành động 135 của Tỉnh ủy.

Ngoài sự vào cuộc của nhà trường, lực lượng chức năng và chính quyền các cấp thì vấn đề quan trọng nhất vẫn là sự quản lý, giáo dục của gia đình, các bậc cha mẹ học sinh cần quan tâm hơn nữa đến việc giáo dục ý thức chấp hành pháp luật về giao thông của các em học sinh. 

Hùng Cường

Tags Yên Bái văn hóa giao thông học sinh sinh viên an toàn giao thông giáo dục và đào tạo

Các tin khác

Đường nối nút giao IC12, cao tốc Nội Bài - Lào Cai đến Ngã Ba Mỵ được nâng cấp đưa vào sử dụng đã tạo thuận lợi cho người dân đi lại. Từ khi triển khai dự án nâng cấp quốc lộ 37, lưu lượng phương tiện qua lại trên tuyến này càng tăng, nhưng thực trạng tại khúc cua Khe Mon ở khu vực xã Vân Hội (Trấn Yên) lại là điều đáng nói.

Hiện trường vụ tai nạn khiến ít nhất 5 người bị thương

Tại nạn xảy ra lúc khoảng 13 giờ 15 phút ngày 23-3, lực lượng CSGT và nhiều xe cấp cứu đã có mặt tại hiện trường.

Hiện trường vụ tai nạn.

Chiếc ô tô lao xuống vực sâu hơn 70 mét ở TP Bảo Lộc khiến 1 người chết tại chỗ.

Ngay trong ngày đầu tiên thực hiện Thông tư 02, Trung tâm Đăng kiểm xe cơ giới Yên Bái đã làm thủ tục dán tem, miễn kiểm định lần đầu cho 5 xe ô tô chưa qua sử dụng, 11 phương tiện được kéo dài thời gian đăng kiểm thêm 6 tháng. Dự kiến, mỗi năm Yên Bái sẽ có trên 2.000 xe mới được miễn đăng kiểm lần đầu và gần 10.000 xe được giãn chu kỳ đăng kiểm.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục