Gương sáng một gia đình người Dao

  • Cập nhật: Thứ năm, 10/5/2007 | 12:00:00 AM

YênBái - YBĐT - "Vượt khó làm giàu ngay trên mảnh đất quê hương và là một gia đình văn hóa tiêu biểu của người Dao nói riêng, của huyện Yên Bình nói chung trong những năm qua" - đó là lời của ông Nguyễn Dũng Giang - Phó chủ tịch UBND, Trưởng ban Chỉ đạo phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa" huyện Yên Bình giới thiệu với chúng tôi về gia đình anh Đặng Văn Nam, dân tộc Dao và là Trưởng thôn Ngòi Kè, xã Bảo Ái.

Nông dân xã Tân Đồng (Trấn Yên) khai thác quế.
(Ảnh: Thanh Tân)
Nông dân xã Tân Đồng (Trấn Yên) khai thác quế. (Ảnh: Thanh Tân)

Tiếp tôi trong ngôi nhà gỗ khang trang, rộng rãi, thoáng mát, anh Nam phấn khởi nói: "Được dự Hội nghị biểu dương gia đình văn hóa tiêu biểu của huyện, tôi vui lắm! Vui lớn nhất là được giao lưu, học hỏi những kinh nghiệm làm giàu, kinh nghiệm xây dựng gia đình văn hóa và là dịp để mọi người biết người Dao ở Bảo Ái đang vươn lên thoát nghèo, làm giàu chính đáng và xây dựng tốt đời sống văn hóa".

Anh Nam hiện là chủ một gia đình 3 thế hệ gồm 7 nhân khẩu. Anh chị có 4 người con đều đã trưởng thành và đang phụng dưỡng một mẹ già ngoài 80 tuổi. Anh Nam cho biết: "Trước đây người Dao ở Bảo Ái nghèo lắm. Đồng ruộng ít, đất đai bạc màu, rừng bị chặt phá, trình độ canh tác lạc hậu. Nhiều người đã phải rời bỏ quê hương đi kiếm ăn xa. Nhưng nay thì khác rồi, người dân đã được Nhà nước giao đất, giao rừng, cho vay vốn để sản xuất, chuyển giao khoa học kỹ thuật cùng với cố gắng, nỗ lực của bà con đã làm thay đổi cơ bản đời sống kinh tế - xã hội ở địa phương". Như gia đình anh, chỉ với bốn sào ruộng nước nhưng do áp dụng tốt kỹ thuật thâm canh, tăng vụ nên năng suất lúa luôn đạt từ 180 đến 200 kg/sào/vụ.

Một năm làm hai vụ lúa, một vụ màu cũng đảm bảo đủ lương thực cho gia đình. Nhưng cứu cánh cho gia đình anh để vươn lên làm giàu chính là phát triển kinh tế đồi rừng, là kết hợp giữa trồng trọt, chăn nuôi và làm dịch vụ. Đồi rừng của gia đình anh có tổng diện tích trên 20 ha. Trong đó có 2 ha quế trên 10 năm tuổi và bắt đầu cho thu hoạch, 2 ha chè cao sản thu hái quanh năm, còn lại trên 16 ha cây công nghiệp gồm keo, bồ đề, bạch đàn thường xuyên cho thu hoạch. Gia đình anh hiện có đàn trâu bò trên 20 con, đàn gà khoảng 400 con, đàn lợn trên 200 con, ao cá rộng trên 1.000m2 cho thu hoạch mỗi năm từ 500 đến 600 kg cá các loại. Tổng thu nhập trung bình hàng năm từ mô hình VACR (đã trừ chi phí) đạt từ 80 đến 100 triệu đồng.

Bên cạnh trồng trọt và chăn nuôi, gia đình anh Nam còn mở hiệu bán hàng tạp hóa, vừa để phục vụ bà con trong thôn không có điều kiện đi chợ xa, vừa có thêm thu nhập. Nhờ phát triển tốt kinh tế, gia đình anh đã mua sắm được nhiều tiện nghi sinh hoạt và phục vụ sản xuất như: ti vi, xe máy, tủ lạnh, máy xay sát…Các công trình phụ của gia đình như giếng nước, nhà tắm… đều được xây dựng, quy hoạch hợp lý và đảm bảo vệ sinh môi trường. Chất thải của mấy chục con lợn đã được xử lý triệt để trong hầm bi-ô-ga, đây cũng là nguồn khí đốt dồi dào được sử dụng hàng ngày ở gia đình. Các con anh đều được học hành đầy đủ và tham gia tốt vào công tác xã hội ở địa phương. Bốn thế hệ cùng chung sống trong một mái nhà lúc nào cũng đầy ắp tiếng cười và niềm vui.

Trao đổi với chúng tôi, ông Đặng Thanh Hải - Chủ tịch UBND xã Bảo Ái cho biết: "Ngoài phát triển tốt kinh tế và xây dựng gia đình hòa thuận, tiến bộ, gia đình anh Nam còn gương mẫu đi đầu trong thực hiện các nghĩa vụ công dân và tích cực tham gia các  hoạt động xã hội, hoạt động nhân đạo, từ thiện do địa phương phát động". Đặc biệt, anh Nam đã hoàn thành tốt vai trò của một trưởng thôn năng nổ, đầy tinh thần trách nhiệm và biết quan tâm đến mọi người. Nhiều hộ nghèo trong thôn đã được anh tư vấn về phương pháp sản xuất, cho vay vốn không lấy lãi để đầu tư phát triển kinh tế. Được biết, số tiền anh cho các hộ nghèo trong thôn vay lên tới hàng chục triệu đồng/năm.

Một số hộ nghèo không có trâu đã được gia đình anh Nam cho trâu để nuôi. Trâu vừa cho sức kéo, vừa sinh sản, khi trâu đẻ đến con thứ hai thì người nuôi được một con và trâu mẹ lại được chuyển cho gia đình khác nuôi. Nhiều hộ nghèo trong thôn đã dần thoát nghèo từ hình thức giúp đỡ này của gia đình anh. Tình làng nghĩa xóm được củng cố, thắt chặt. Thôn văn hóa Ngòi Kè do anh Nam làm Trưởng thôn nhiều năm liền được công nhận là thôn không có ma túy và các tệ nạn xã hội, trật tự, an ninh luôn được giữ vững. Hàng năm có trên 80% hộ gia đình được công nhận gia đình văn hóa, các giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào Dao luôn được gìn giữ và phát huy tốt.

Vừa qua, gia đình anh Nam được bà con trong thôn nhất trí bầu chọn là gia đình văn hóa 5 năm liên tục (2002-2006) và là hộ gia đình tiêu biểu của xã đi dự Hội nghị biểu dương gia đình văn hóa xuất sắc cấp huyện. Tại đây, anh Nam một lần nữa lại được Hội nghị bầu chọn, suy tôn là đại biểu gia đình văn hóa xuất sắc của huyện được đi dự Hội nghị biểu dương gia đình văn hóa tiêu biểu xuất sắc cấp tỉnh và cấp toàn quốc. Anh Nam tâm sự: "Về dự Hội nghị biểu dương toàn quốc, nhất định tôi sẽ vào Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh, báo cáo với Bác rằng người Dao ở Yên Bái đang thực hiện tốt lời Bác dạy - xây dựng cuộc sống mới ấm no, hạnh phúc, tiến bộ, đoàn kết".

Đỗ Quân

Các tin khác
Thảo quả là cây trồng đem lại thu nhập cao cho người Mông xã Nà Hẩu, huyện Văn Yên.
Ảnh: Thu mua thảo quả ở xã Nà Hẩu.

YBĐT - Vào đầu mùa hè, cái nắng mới của những ngày chuyển mùa thật oi ả. Mặc dù vậy, anh Thiều Tiến Lâm - Phó bí thư Đảng ủy xã Phúc Lợi (Lục Yên) vẫn nhiệt tình dẫn chúng tôi tới thăm trang trại vườn rừng của anh Triệu Đức Ý, dân tộc Dao ở thôn 2.

Hàng trăm ha keo của anh Nguyễn Văn Sơn đang trong thời kỳ phát triển. (Ảnh: Văn Tuấn)

YBĐT - Năm 1988, anh Nguyễn Văn Hữu rời quê huyện Tam Nông tỉnh Phú Thọ cùng vợ lên định cư tại thôn Bảo Yên xã Minh Bảo, thành phố Yên Bái. Đến nay, bước vào tuổi 50 và anh đã có tài sản trị giá cả tỷ đồng nhờ làm tốt mô hình trang trại VACR - dịch vụ.

Chị em phụ nữ thôn Kéo Quạng tham quan đàn thỏ giống của gia đình chị Hoàng Thị Mạng.

YBĐT - Xã Yên Thắng (Lục Yên) hiện đang có nhiều gia đình phát triển nuôi thỏ hàng hóa và đã có kết quả đáng khích lệ. Điển hình gia đình anh Lương Xuân Hè, ở thôn Hin Lò đang nuôi hàng trăm con.

Bố con Nguyễn Công Chính tại sân bay Nội Bài trong ngày đón Chính trở về nước sau những năm du học ở Úc.

YBĐT - Hai mươi lăm tuổi. Sinh ra và lớn lên ở Yên Bái. Tốt nghiệp chuyên ngành Điện tử - Viễn thông - Trường Đại học Curtin, nước Úc. Chủ nhân của một website có thứ hạng lừng lẫy thế giới mang tên: www.vdict.com - trang từ điển điện tử lớn thứ 16 trên thế giới và là một trong những trang web phổ biến nhất Việt Nam.Đó mới chỉ là một vài nét phác thảo về chân dung chàng thanh niên Nguyễn Công Chính.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục