Hướng tới một thế hệ công dân số: Bài 2 - Quyết tâm cao và cách làm “thông minh”

  • Cập nhật: Thứ năm, 7/4/2022 | 7:30:36 AM

YênBái - Trong một phát biểu tại Hội thảo Chuyển đổi số (CĐS) ngành giáo dục và đào tạo (GD&ĐT) Yên Bái, ông Vương Văn Bằng - Giám đốc Sở GD&ĐT khẳng định: “Ngành GD&ĐT có thuận lợi khi thực hiện CĐS vì đã có nền tảng ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT). Bây giờ cần quyết tâm thực hiện, quyết tâm ấy bắt đầu từ ý chí của người đứng đầu - là Giám đốc Sở, là trưởng phòng GD&ĐT các huyện, thị, thành phố, là hiệu trưởng các nhà trường”.

Trường Phổ thông Dân tộc nội trú THCS Mù Cang Chải  đã huy động các nguồn lực đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị phòng học môn Tin học.
Trường Phổ thông Dân tộc nội trú THCS Mù Cang Chải đã huy động các nguồn lực đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị phòng học môn Tin học.

Quyết tâm đó cùng với cách làm khoa học - tranh thủ đơn vị tư vấn, thực hiện thí điểm trước, rút kinh nghiệm và triển khai theo điều kiện của từng đơn vị được xem như một công thức hiệu quả thực hiện CĐS giáo dục tại một tỉnh còn khó khăn như Yên Bái. 


Trường THPT Chuyên Nguyễn Tất Thành là một trong hai đơn vị được chọn thực hiện thí điểm CĐS của ngành GD&ĐT. Nhà trường xác định, CĐS là tạo sự đột phá, đổi mới trong công tác dạy và học, lấy học sinh làm trung tâm. Sử dụng các nền tảng, ứng dụng công nghệ số đồng bộ theo ngành dọc (Bộ GD&ĐT, Bộ Thông tin và Truyền thông) và các ứng dụng triển khai trong Dự án Đô thị thông minh của tỉnh; dữ liệu phải mở, liên thông và bảo đảm khả năng chia sẻ, mở rộng trên các nền tảng công nghệ số, các cơ sở dữ liệu và ứng dụng công nghệ số liên quan. 

Trong giai đoạn thí điểm, nhà trường mạnh dạn lựa chọn các nền tảng sẵn có để đáp ứng yêu cầu thực tế, trên cơ sở đó tạo lập nhận thức, kỹ năng và thói quen CĐS cho cán bộ, giáo viên và học sinh. 

Thầy giáo Trần Việt Khoa - Phó Hiệu trưởng nhà trường chia sẻ: "Quan điểm của nhà trường là trong quá trình thực hiện lựa chọn các việc đơn giản, việc dễ để làm trước, làm ra kết quả ngay tại trường học. Giáo viên và học sinh nhà trường đã quen với ứng dụng CNTT vào trong giảng dạy, học tập và nghiên cứu nên không còn bỡ ngỡ. Khi chủ trương xây dựng nhà trường là mô hình thí điểm CĐS, giáo viên và học sinh rất hào hứng. Sẽ có những khó khăn, song nhà trường quyết tâm xây dựng thành công mô hình”.


Trường THPT Chuyên Nguyễn Tất Thành là một trong hai đơn vị được chọn thực hiện thí điểm chuyển đổi số của ngành GD&ĐT Yên Bái. 

Một kế hoạch chi tiết đã được nhà trường xây dựng dưới sự hỗ trợ của Trung tâm CĐS thuộc Sở Thông tin và Truyền thông với 10 chỉ tiêu, 13 nhiệm vụ, 8 điều kiện cần để thực hiện CĐS trong trường học. Sự khoa học và chi tiết ngay từ chính kế hoạch thực hiện của nhà trường cho thấy sự bài bản, chuyên nghiệp trong triển khai. Trước đó, Trung tâm CĐS đã có các buổi làm việc với đơn vị nhà trường, rà soát cơ sở vật chất, hiện trạng ứng dụng CNTT trong trường học, từ đó đưa ra những tư vấn. 

Ông Nguyễn Hoàng Long - Trưởng phòng Phòng Đào tạo, Tư vấn và Chuyển giao công nghệ, Trung tâm CĐS Yên Bái cho biết: "Qua khảo sát, 2 đơn vị thực hiện thí điểm là Trường THPT Chuyên Nguyễn Tất Thành và Trường THCS Quang Trung, thành phố Yên Bái có đầy đủ phòng tin học cho học sinh hệ thống mạng LAN kết nối với tất cả các phòng học, đáp ứng yêu cầu dạy học hiện đại, hệ thống mạng wifi tới tất cả lớp học... 100% giáo viên đã tiếp cận và ứng dụng hiệu quả các nền tảng công nghệ. Cơ sở vật chất và sự tiếp cận ban đầu của giáo viên, học sinh với các nền tảng ứng dụng cơ bản đáp ứng yêu cầu triển khai CĐS trong giáo dục của nhà trường”. 

Với vai trò định hướng tư vấn CĐS cho ngành GD&ĐT, Sở Thông tin-Truyền thông đã tổ chức hội nghị liên ngành với Sở GD&ĐT, cùng các đơn vị nhà trường đưa vào kế hoạch liên ngành các mục tiêu tổng quát và 10 chỉ tiêu cụ thể. Đồng thời, hướng dẫn thực hiện và đánh giá mức độ thành công của từng chỉ tiêu.


10 chỉ tiêu chuyển đổi số trong trường học:

(1) 100% số giáo viên, học sinh được khai thác, sử dụng kho học liệu số, học liệu mở, chia sẻ dữ liệu dùng chung gồm bài giảng điện tử, bài giảng trên truyền hình, học liệu số đa phương tiện, sách giáo khoa điện tử, ngân hàng đề thi mẫu, phần mềm mô phỏng, thí nghiệm ảo, các học liệu điện tử khác hỗ trợ dạy và học.

(2) 100% số học sinh có học bạ điện tử và sổ liên lạc điện tử.

(3) 100% số lãnh đạo, giáo viên, nhân viên nhà trường sử dụng thành thạo các phần mềm quản lý lớp học, trường học và các phần mềm quản lý khác.

(4) 100% số hồ sơ công việc được xử lý trên môi trường mạng, trừ văn bản mật. 

(5) 100% số cuộc họp thường kỳ và chuyên đề của tổ chức đảng trong nhà trường sử dụng nền tảng số "Sổ tay đảng viên điện tử” tỉnh Yên Bái.

(6) 100% số các cuộc họp giao ban chuyên môn sử dụng phòng họp không giấy tờ. 

(7) 100% số học sinh nộp học phí không dùng tiền mặt.

(8) 100% số học sinh điểm danh qua nền tảng trực tuyến.

(9) 100% số học sinh được trang bị kiến thức và bảo vệ trên môi trường mạng.

(10) 100% số cán bộ quản lý được cấp và thực hiện ký số. 

Ông Nguyễn Quốc Chiến - Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông chia sẻ: Khi xây dựng mô hình điểm thì sẽ có cái nhìn tổng thể, các nền tảng ứng dụng phù hợp với thực tiễn, có tính khả thi cao, đáp ứng được yêu cầu quản lý, giảng dạy của nhà trường. Khi 2 trường thành công thì đây là cách truyền thông tốt nhất, tạo động lực cho các trường khác thực hiện. Ở một số địa phương còn khó khăn về hạ tầng viễn thông, Sở Thông tin và Truyền thông sẽ có những tham mưu với UBND tỉnh có những giải pháp và đặc biệt là chỉ đạo các doanh nghiệp phủ vùng lõm sóng, sóng yếu; tiếp tục nâng cao chất lượng dịch vụ cung ứng cho xã hội trong đó có các nhà trường. 
Nền tảng đã có, hạ tầng phát triển được, quan trọng nhất là nhận thức của thầy cô, phụ huynh, học sinh. Chắc chắn, khi xây dựng được các mô hình điểm thành công thì việc triển khai sẽ thuận lợi. Và xác định khi triển khai nhân rộng phải có lộ trình, xác định địa bàn, đơn vị nào làm trước, đơn vị nào làm sau để đáp ứng được các yêu cầu triển khai đồng bộ.

Trên cơ sở đó, ngành GD&ĐT xác định rõ nhiệm vụ quan trọng và trước mắt chính là nâng cao nhận thức cho toàn thể cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và học sinh, sinh viên trong toàn ngành, đặc biệt là đổi mới nhận thức của người đứng đầu về CĐS. Cụ thể hóa, triển khai xây dựng kế hoạch CĐS giai đoạn và từng năm ở tất cả các cơ sở giáo dục. 

Phát triển, hoàn thiện các cơ sở dữ liệu chuyên ngành có tính kế thừa giữa các cấp học, có tính liên thông giữa các hệ thống cơ sở dữ liệu. Xây dựng và quản lý khai thác hệ thống học liệu số như: sách giáo khoa, sách tham khảo điện tử, bài giảng điện tử, giáo án, phần mềm mô phỏng, thí nghiệm ảo và các học liệu điện tử khác hỗ trợ dạy và học. 

Mặt khác, tập trung các nguồn lực đầu tư cơ sở hạ tầng đáp ứng yêu cầu ứng dụng trong quản lý và dạy học ở tất cả các cơ sở giáo dục trong tỉnh. Tăng cường bổ sung, thay thế trang thiết bị phục vụ cho ứng dụng CNTT trong quản lý, trong dạy và học; xây dựng giáo dục thông minh; đầu tư phòng học trải nghiệm sáng tạo STEM, giáo dục trải nghiệm sáng tạo và nghiên cứu khoa học. 

Phối hợp triển khai thực hiện hiệu quả Đề án Đô thị thông minh của tỉnh; khai thác tốt các hệ thống, phần mềm, giải pháp dạy học trực tuyến áp dụng trong triển khai dạy học; chú trọng đưa vào sử dụng phần mềm Voffice ở 100% các cơ sở giáo dục trong toàn tỉnh; phấn đấu 100% cán bộ quản lý sử dụng chữ ký điện tử; 100% văn bản trong toàn ngành được ban hành trên môi trường mạng... 

Đặc biệt, ngành xác định phải xây dựng đội ngũ cán bộ, giáo viên nòng cốt cấp tỉnh, cấp huyện, cấp trường để triển khai các nội dung CĐS. Cùng với đó, thay đổi việc quản trị từ Sở đến các nhà trường, chỉ đạo việc điều chỉnh kế hoạch giáo dục nhà trường các môn học, bổ sung tích hợp nội dung CĐS, kiến thức mới về công nghệ để học sinh được tiếp cận: Internet vạn vật, robot thông minh, phương tiện tự hành, công nghệ in 3D, điện toán đám mây, trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn, công nghệ nano, công nghệ sinh học, năng lượng tái tạo... 

Chuyển đổi số trong giáo dục không chỉ giúp thay đổi phương pháp dạy và học mà tạo ra sự thích ứng nhanh chóng trong bất kỳ hoàn cảnh nào. Đặc biệt, giúp cho thầy và trò phát huy khả năng tư duy, sáng tạo, chủ động. Đó chính là động lực để toàn ngành GD&ĐT Yên Bái quyết tâm thực hiện mục tiêu CĐS, góp phần tạo nên một thế hệ công dân số cho Yên Bái.

Thanh Ba

Tags Yên Bái chuyển đổi số ngành giáo dục và đào tạo công dân số công nghệ thông tin Đô thị thông minh

Các tin khác
Quang cảnh lớp tập huấn.

Sáng 6/4, thị xã Nghĩa Lộ tổ chức hội nghị tập huấn công tác xử lý hồ sơ giải quyết thủ tục hành chính bằng phương thức điện tử trên Cổng dịch vụ công tỉnh Yên Bái.

Hội nghị tập huấn CĐS và hướng dẫn tạo tài khoản, sử dụng phương thức thanh toán không dùng tiền mặt trên địa bàn xã Âu Lâu, thành phố Yên Bái.

Chiều 6/4, UBND xã Âu Lâu, thành phố Yên Bái phối hợp với Trung tâm Chuyển đổi số (CĐS) tỉnh, Ngân hàng Thương mại cổ phần Công thương Việt Nam (Viettinbank) Chi nhánh tỉnh Yên Bái tổ chức Hội nghị tập huấn CĐS và hướng dẫn tạo tài khoản, sử dụng phương thức thanh toán không dùng tiền mặt.

Hội chẩn khám bệnh từ xa - Telehealth tại Trạm Y tế xã Đông Cuông.

Là 1 trong 2 địa phương được huyện Văn Yên chọn làm điểm để thực hiện mô hình chuyển đổi số, xã Đông Cuông đã vận hành và đưa vào hoạt động mô hình hội chẩn khám bệnh từ xa - Telehealth tại Trạm Y tế xã. Mô hình mở ra cơ hội mới về công tác khám chữa bệnh, giúp bệnh nhân nặng không phải chuyển tuyến, các y bác sĩ tại cơ sở có cơ hội nâng cao tay nghề chuyên môn.

Trường THPT Lý Thường Kiệt, thành phố Yên Bái ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ công tác giảng dạy và học tập.

Trong những năm qua, ngành giáo dục và đào tạo (GD&ĐT) Yên Bái coi trọng ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong giáo dục và đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Đây được coi là nền tảng để ngành thực hiện chuyển đổi số (CĐS), nâng cao chất lượng giáo dục mà thông qua đó tạo được thế hệ công dân số để thực hiện CĐS toàn diện .

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục